Tuesday, October 31, 2023

Chế độ một đảng cầm quyền là ‘môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển’

 RFA-2023.10.30

Chế độ một đảng cầm quyền là ‘môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển’Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.

AFP PHOTO

Một tựa đề của một bài viết trên báo Quân đội nhân dân hôm qua nhấn mạnh ‘Chế độ một đảng cầm quyền không phải nguyên nhân của tham nhũng’.  

Nội dung bài viết còn cho rằng các thế lực thù địch, phản động đã gieo rắc quan điểm sai trái về nhận định trên.

Truyền thông nói theo chỉ đạo?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 30/10 cho RFA biết ý kiến:

“Chế độ độc đảng không phải là cha đẻ của tham nhũng, nhưng nó là môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi cho ký sinh trùng tham nhũng sinh sôi nảy nở tràn lan. Bởi vì chế độ độc đảng không có tự do tư tưởng, tự do báo chí; không có tam quyền phân lập; không có hệ thống pháp luật được soạn thảo và thi hành một cách khoa học; không có xã hội dân sự và người dân không có quyền bầu cử đúng nghĩa.”

Chế độ độc đảng không phải là cha đẻ của tham nhũng, nhưng nó là môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi cho ký sinh trùng tham nhũng sinh sôi nảy nở tràn lan.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, trong cùng ngày 30/10, cho biết thêm rằng, muốn chống được tham nhũng thì phải có tư pháp độc lập và truyền thông độc lập. Tư pháp độc lập và truyền thông độc lập là những thành tố cơ bản của một chế độ dân chủ đa đảng. Trong các chế độ này, các đảng đối lập sẽ tìm mọi cách để moi móc các hành vi tham nhũng của các cá nhân trong đảng cầm quyền.

Theo TS.Vũ, chính sự minh bạch như vậy trong các chế độ dân chủ mới khiến các quan chức dè chừng và giúp giảm thiểu động lực muốn tham nhũng. Tiến sĩ Vũ phân tích tiếp:

“Ngược lại, trong một chế độ độc đảng, khi không có truyền thông và tư pháp độc lập, thì chỉ có những vụ việc tham nhũng “cộm cán” giới lãnh đạo đảng cầm quyền mới bật đèn xanh để đem ra xét xử. Vô số các vụ việc tham nhũng khác chẳng ai để ý hoặc chẳng dám nói vì không có các đảng đối lập chuyên đi giám sát năng lực hoạt động của các quan chức đương quyền.”

Do đó, vẫn theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, truyền thông trong các chế độ độc đảng cũng không độc lập và không dám công khai các chi tiết tham nhũng nếu không có sự bật đèn xanh từ các quan chức cao cấp đang nắm quyền. Ông Vũ kết luận:

“Nói như vậy để thấy rằng trong một đất nước, việc chuyển đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng giúp làm giảm đi rất nhiều các hành vi tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng trong các chế độ dân chủ do đó luôn được khui ra bởi phe đối lập và hầu như không có vùng cấm. Ngược lại, trong các chế độ độc đảng, các vụ xử án tham nhũng chỉ là những trường hợp được chọn lọc.”

8f6e2336-4762-4d9c-bdc8-54dd898faba9.jpeg
Ảnh minh họa. AFP.

Ngụy biện, giả tạo

Biện dẫn quan điểm của mình, tác giả bài viết trên báo Quân đội nhân dân đưa ra lập luận rằng “Thực tế là, ở các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn cứ hoành hành”. Tác giả dẫn chứng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố đầu năm 2023 cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào không có tham nhũng, không nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch, trong sạch.

Liên quan vấn đề này, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói:

“Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi xếp hạng 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng cũng công nhận tham nhũng là vấn đề toàn cầu, chứ họ không nói độc đảng hay đa đảng. Thêm nữa tổ chức này là phi chính phủ, do đó những số liệu ý kiến của họ không mang tính chất pháp lý và chế tài… mà chỉ để tham khảo và khích lệ các quốc gia.”

Không xóa bỏ được giàu nghèo thì nhà cầm quyền Việt Nam nên coi lại uy tín danh dự của mình. Vì nếu họ thực hiện đúng cam kết thì không một thế lực thù địch nào nói gì được và người dân cũng không thể nào phản đối… để bị bắt bỏ tù.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, toàn nhân loại đều biết chủ nghĩa cộng sản đã cam kết xóa bỏ giai cấp, không còn giàu nghèo. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cam kết như vậy, nhưng tại sao cả trăm năm rồi không xóa bỏ được? Ông Già nói tiếp:

“Không xóa bỏ được giàu nghèo thì nhà cầm quyền Việt Nam nên coi lại uy tín danh dự của mình. Vì nếu họ thực hiện đúng cam kết thì không một thế lực thù địch nào nói gì được và người dân cũng không thể nào phản đối… để bị bắt bỏ tù.”

Theo vị nhà báo này, như vậy là “bịp bợm nhân loại nói chung và bịp bợm người dân Việt Nam nói riêng”.

Vào phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra hồi tháng 1 năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, trả lời RFA khi đó cho rằng:

“Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên thì họ vẫn tự hào thể chế của họ rất tốt, rất vững. Nhưng những nhà phản biện vẫn nghĩ thể chế ấy là không tốt. Nó độc đảng, độc đoán toàn trị theo con đường vô sản chuyên chính. Thể chế ấy dựa vào liên minh công nông và trí thức, nhưng liên quan tới người tài thì một là nó tìm cách loại bỏ tin hoa của dân tộc. Vì những người giỏi thường tìm cách trung thực, nên người ta không tán thành chủ nghĩa Mác Lenin. Mà không trung thành chủ nghĩa Mác Lenin thì Đảng cộng sản sẽ tìm cách loại bỏ.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, không thể bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.

No comments:

Post a Comment