Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, nằm sát nách Trung Quốc, là đối tượng trong mục tiêu địa - chính trị của Hoa Kỳ
Khai thác đất hiếm Việt Nam - Ảnh minh họa
1. Đất hiếm là gì ?
Là một hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn của Mendeleev. 17 nguyên tố trong đất hiếm gồm : xeri (Ce), dysprosi (Dy), erbi (Er), europi (Eu), gadolini (Gd), holmi (Ho), lanthan (La), luteti (Lu), neođim (Nd), praseođim (Pr), prometi (Pm), samari (Sm), scandi (Sc), terbi (Tb), tuli (Tm), ytterbi (Yb) và ytri.
Mặc dù mang tên là hiếm, các nguyên tố đất hiếm - ngoại trừ prometi có tính phóng xạ - là tương đối dồi dào trong lớp vỏ Trái Đất, với xeri là nguyên tố phổ biến thứ 25 với 68 phần triệu, nhiều hơn cả đồng. Tuy nhiên, do đặc tính địa hóa học của chúng, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán và chưa được tìm thấy ở dạng tập trung trong các khoáng vật ; kết quả là các vỉa quặng đất hiếm có thể khai thác thu lợi kinh tế thì ít mà phá hủy môi trường thì nhiều.
2. Đất hiếm dùng để làm gì ?
Tinh chế từ đất hiếm dùng để :
- Chế tạo các nam châm vĩnh cửu cho các máy phát điện
- Dùng để đưa vào các chế phẩm phân bón vi lượng nhằm tăng năng suất và tăng kháng sâu bệnh cho cây trồng
- Dùng để chế tạo các nam châm trong các máy tuyển từ trong công nghệ tuyển khoáng
- Dùng để diệt mối mọt, các cây mục nhằm bảo tồn các di tích lịch sử
- Dùng chế tạo các đèn cathode trong các máy vô tuyến truyền hình
- Dùng làm xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường
- Dùng làm vật liệu siêu dẫn
- Các ion đất hiếm cũng được sử dụng như các vật liệu phát quang trong các ứng dụng quang điện
- Ứng dụng trong công nghệ laser.
3. Các quốc gia nào đã tìm ra đất hiếm ?
Theo các số liệu thống kê của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh - BGS (British Geological Survey), tổng tài nguyên đất hiếm trên toàn thế giới là 150 triệu tấn. trong đó, Trung Quốc chiếm 57,72% ; Mỹ : 9,08% ; Australia : 3,76% ; Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) 13,62% ; Ấn Độ : 0,84% ; Brazil : 0,05% ; Malaysia : 0,02% ; Các nước khác (bao gồm Indonesia, Kazakhstan, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Mozambique và Việt Nam) : 14,91%.
Trong 10 năm qua, sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới tăng ổn định, sản lượng đất hiếm năm 2008 đạt 124.000 tấn, trong đó, Trung Quốc chiếm 97%, Ấn Độ 2,2%, Brazil 0,5% và Malaysia 0,3%.
4. Mỹ - Trung và đất hiếm
Khẳng định đầu tiên là không có đất hiếm, thế giới không có chip. Trong hơn mười năm qua, Trung Quốc luôn nắm vai trò độc quyền trong sản xuất và xuất khẩu nguồn tài nguyên đất hiếm, cung cấp cho những khách hàng truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và những đối tác tại Châu Âu.
Ban đầu khi chưa tìm ra công nghệ tinh chế đất hiếm, Trung Quốc khai thác và bán quặng thô. Giá quặng thô rẻ, không đem lại nhiều lợi nhuận như mong đợi trong khi tham vọng của Trung Quốc là giành phần rộng hơn, sâu hơn chiếc bánh công nghệ chíp bán dẫn với các cường quốc công nghệ thế giới. Sau khi tìm ra công nghệ tinh chế đất hiếm, Trung Quốc dừng bán quặng thô thay vào là bán sản phẩm tinh chế cho Mỹ và các quốc gia sản xuất chip bán dẫn. Từ bán quặng thô chuyển sang bán sản phẩm đã tinh chế giúp nguồn lợi đất hiếm của Trung Quốc tăng giá trị lên nhiều lần, trong khi được Mỹ và các quốc gia đối tác ủng hộ. Không quốc gia nào muốn kéo dài tình trạng chở về nước 1000 tấn quặng, chỉ thu về được 10 tấn tinh chế, số đất còn lại đổ ra môi trường.
Khi đã có nguồn tinh chế đất hiếm từ Trung Quốc với giá chấp nhận được, Mỹ đã đóng cửa các mỏ đất hiếm của Mỹ, như đã hạn chế sản lượng khai thác dầu khí ở Texas vì đã có nguồn cung từ các quốc gia Trung Đông.
Câu chuyện về đất hiếm dừng tại đây nếu Trung Quốc không dùng đất hiếm làm vũ khí để Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ thất bại trong cuộc chiến công nghệ bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bây giờ ta trở lại nước Mỹ.
Sau ngày Trung Quốc hạn chế xuất sang Mỹ sản phẩm tinh chế từ đất hiếm và đe dọa sẽ ngừng hẳn, Mỹ có chương trình khai thác trở lại hai mỏ đất hiếm lớn nhất của Mỹ là Mountain Pass (bang California) và Pea Ridge (bang Missouri) nhằm ngừng phụ thuộc vào Trung Quốc.
5. Việt Nam và đất hiếm
Theo các tài liệu điều tra địa chất của Việt Nam thì Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm, tổng tài nguyên dự báo đạt trên 10 triệu tấn và trữ lượng gần 1 triệu tấn. nhưng theo các tài liệu của Mỹ thì trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, đất hiếm có nhiều tại Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái)
Dù là tài nguyên quý, nhưng trong đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì các nguy hại kể trên, Việt Nam cũng đã tiến hành khai thác đất hiếm 7 năm, nhưng sản lượng không đáng kể và không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận song song với bảo vệ môi trường.
Đất hiếm và câu chuyện nhỏ trong chuyến thăm Việt Nam của Joe Biden
Theo nguồn tin nội bộ bị rò rỉ, nhân vật chủ động cho quan hệ ngoại giao "đất hiếm" Việt Nam và Hoa Kỳ là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ngay năm ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng đã "rỉ tai" đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng, ngỏ lời với Tổng thống Joe Biden, đề nghị phía Mỹ đưa ra lời mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ với tư cách là nguyên thủ Việt Nam.
Dự đoán xác suất được chấp thuận cao, phía Việt Nam chuẩn bị lộ trình cho chuyến thăm tương lai của ông tổng bí thư. Sau khi 40 chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam kiểm tra sức khỏe cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa ra lời khuyên Tổng bí thư không đủ sức khỏe thực hiện chuyến bay dài Việt Nam–Hoa Kỳ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, xin lỗi Tổng thống Joe Biden và chính thức đưa lời mời Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận lời gửi kèm theo yêu cầu nghị sự chuyến đi của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam là "Nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện". Phía Việt Nam đồng ý. Chuyến đi của Tổng thống Joe Biden được thực hiện như ta đã thấy.
Để buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden có được sự giản dị như phong cách Mỹ, hai bên thống nhất không thực hiện thông lệ bắn 21 phát đại bác, không trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến cửa ô tô của khách. Về phía Việt Nam, công tác chuẩn bị cho lễ nghi buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ vô cùng kỹ lưỡng, phải mô tả là kỹ lưỡng đến chân tơ kẽ tóc ; từ việc theo dõi và chuẩn bị ứng phó với thời tiết xấu, cách cầm ô che mưa hoặc nắng cho Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được tập duyệt thành thạo, đúng phong cách ngoại giao. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải 4 lần tập bước lên, bước xuống bậc tam cấp rải thảm đỏ (lấy kinh nghiệm Tổng thống Joe Biden 2 lần trượt chân trên cầu thang máy bay). Tổng bí thư phải học thuộc một bài thơ của một nhà thơ nổi tiếng Scotland và các câu bình về bài thơ, do một phụ tá văn học chuẩn bị, khiến Tổng thống Joe Biden khen nức nở ông Nguyễn Phú Trọng am hiểu sâu sắc thơ ca Scotland trong buổi phiếm luận.
Về hình thức, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và đón tiếp của phía Việt Nam không có chi tiết nào sơ suất.
(Nếu có điều kiện người kể chuyện sẽ kể chi tiết hơn)
Kết quả chuyến thăm như truyền thông hai nước đã tường thuật. Hai bên đặt bút ký văn kiện "Nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện" (tất nhiên có những nội dung không công khai).
Sau 2 ngày Tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến thăm Việt Nam trở về Mỹ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã sang thăm Mỹ. Ông đến thung lũng Silicon, gặp gỡ các nhà công nghệ Mỹ, đến thăm một trường đại học danh tiếng của Mỹ tại thung lũng Silicon, nói chuyện với sinh viên công nghệ bán dẫn của trường và ký kết các hợp đồng về thương mại, khoa học công nghệ với các công ty Mỹ, trong đó có hợp đồng mua 60 máy bay Boeing, kèm theo thỏa thuận đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa máy bay Boeing miễn phí cho Việt Nam từ phía Mỹ và đào tạo cho Việt Nam 15.000 kỹ sư chip bán dẫn miễn phí trong các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, đồng thời ký kết lộ trình 10 năm Mỹ giúp Việt Nam khai thác và sản xuất tinh chất đất hiếm tại Việt Nam, kể cả việc chuyển giao công nghệ sàng lọc đất hiếm và chuyển giao công nghệ chế tạo chip...
6. Kết luận
Cả hai bên Mỹ-Việt ghi nhận chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và cuộc đón tiếp của phía Việt Nam thành công mỹ mãn. Các công ty chế tạo chip của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và cả Đài Loan ủng hộ việc giúp Việt Nam chia sẻ chiếc bánh Bán dẫn của Tổng thống Joe Biden và cũng vạch ra lộ trình rút khỏi Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam.
Nói về Trung Quốc. Tất nhiên Trung Quốc lắc đầu. Chính phủ Trung Quốc nói gì ? Truyền thông Trung Quốc nói gì ? Người "nghe lỏm" sẽ kể lại sau. Tiện đây cũng thuật lại một phát ngôn từ nhóm chuyên gia đứng giữa, rằng : Việt Nam không có nền tảng khoa học công nghệ đạt tầm, không có đóng góp gì vào lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, công nghệ thế giới mà trong 10 năm sẽ có công nghệ sản xuất tinh chất đất hiếm, sẽ có công nghệ sản xuất chip, vượt qua các quốc gia lân bang như Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Indonesia và nhiều quốc gia giàu có trên thế giới ; chỉ vì Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, nằm sát nách Trung Quốc là đối tượng trong mục tiêu địa - chính trị của Hoa Kỳ.
Trường hợp "nằm chờ sung rụng thành công" trên địa cầu chỉ có một là giới lãnh đạo quốc gia Việt Nam và chỉ có một lần trên trái đất.
No comments:
Post a Comment