Tuesday, October 31, 2023

Khi ông bộ trưởng ‘đau lòng’ và người dân không muốn thoát nghèo…

  Lê Thiệt-30 tháng 10, 2023


Một số người nghèo muốn thoát nghèo nhưng không có vốn làm ăn, nhiều gia đình lại cứ muốn ở lại để hưởng trợ cấp xã hội – Minh họa: Lao Động

Chiều ngày 30 Tháng Mười, khi giải trình về kết quả thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) nói ông rất “đau lòng” khi biết nhiều phụ huynh vùng cao bắt con em bỏ học lúc xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều này mới nghe thì có vẻ mâu thuẫn, xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nghĩa là đời sống người dân trong xã đã được chính quyền cải thiện, mức sống người dân được nâng lên thêm một bậc, dân không vui hơn thì thôi, chứ sao lại bắt con em họ nghỉ học?

Người dân vùng cao, không được ăn học đến nơi đến chốn, làm nương làm rẫy vất vả, đầu tắt mặt tối. Khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của họ không khá hơn mà còn tệ hơn vì nhiều chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách. Điều quan trọng hơn đối với con em họ, là chúng không còn được miễn giảm học phí và hỗ trợ ăn trưa nữa.

“Thế thì tiền đâu chúng tôi cho con chúng tôi đi học?” Một người dân cay đắng thốt lên như thế.

Không ai trả lời hay đưa ra một lối thoát cho họ ngoài cái danh nghĩa ảo mà cả xã nhận được. Ngay cả ông bộ trưởng cũng chỉ biết “đau lòng” thôi chứ chẳng giải quyết được gì.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan – Ảnh: Lao Động

Với các quy định hiện hành, ông Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết xã sau khi hoàn thành để lên nông thôn mới, tất cả nguồn lực đều không còn nên dẫn đến thực trạng nhiều nơi “không muốn đạt chuẩn nông thôn mới”. Ông nói:

“Một bên là mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên, nhiều xã lại không mong muốn lên nông thôn mới vì họ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ, nên có tư duy giống như không thoát nghèo và ở lại diện nghèo”.
Hóa ra, chỉ để “hoàn thành chỉ tiêu, chính quyền các cấp đã đẩy những gia đình nghèo đến “bước đường cùng”. Trách nhiệm này thuộc về người lãnh đạo Bộ NNPTNT hiện nay là ông Hoan, và cả những ông bộ trưởng tiền nhiệm.

Dù sao, ông Hoan cũng hơn các ông bộ trưởng cũ biết đặt câu hỏi về một chính sách bất cập, để “đau lòng”, chứ không “ngậm miệng ăn tiền” như các ông Nguyễn Xuân Cường, hay Cao Đức Phát.

Ông Hoan tự thừa nhận chính sách trong vấn đề này chưa ổn và “nhận trách nhiệm về phần mình”, ông cũng thừa nhận rất khó giải quyết vấn đề cho từng địa bàn, vì đặc thù mỗi vùng miền mỗi khác.


Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh của người dân chưa cao nên chương trình xóa đói giảm nghèo khó thành công – Ảnh: Lao Động

Nhìn vào khía cạnh khác của chương trình “xóa đói giảm nghèo”, người ta còn thấy thêm một thực tế đau lòng. Đó là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh của người dân chưa cao. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu như thế tại Quốc hội. Qua khảo sát, ông Nghĩa cho biết có những gia đình nghèo sống rất thong thả, ung dung, cứ chờ đến cuối tháng nhận tiền hỗ trợ chứ không chịu làm gì cả.

Ngoài ra, nhiều chính quyền xã xem “tiêu chuẩn hộ nghèo” là một “phần thưởng” mà họ muốn “ban ơn” cho gia đình nào thì gia đình đó được. Điều này dẫn đến việc có sinh viên năm ngoái về quê xin xác nhận hộ nghèo để được giảm học phí thì được, năm nay không được xác nhận vì tiêu chuẩn đó đã dành cho gia đình khác, theo kiểu xã “phân chia cho mỗi nhà hưởng một ít, năm ngoái mình có rồi, năm nay nhường cho người khác”.

Xem ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn tối thiểu là 75,000 tỷ đồng cũng sẽ phá sản, vì rất nhiều người không chịu thoát nghèo.

No comments:

Post a Comment