Wednesday, September 16, 2020

Cảnh sát Giao thông và cách chặn xe nguy hiểm, phản cảm!

 Diễm Thi, RFA 2020-09-15. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phản cảm

Hình ảnh một cảnh sát cơ động rớt từ nắp capo một chiếc xe vận tải nhẹ xuống đường, rồi bị chính chiếc xe này cán tử vong, là một tai nạn thương tâm vừa xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vào chiều 14 tháng 9 năm 2020. Những hình ảnh tương tự như vậy thỉnh thoảng lại được báo chí chính thống trong nước hoặc mạng xã hội đưa lên với những bình luận trách móc có, khen ngợi tinh thần dũng cảm, nhiệt tình với công tác cũng có.

Tháng 10 năm 2019, một toán Cảnh sát Giao thông công an tỉnh Bắc Ninh tuần tra Quốc lộ 1A theo hướng Hà Nội - Bắc Ninh, phát hiện một xe khách dừng trái quy định dưới gầm cầu vượt Đại Phúc nên đã tiến lại kiểm tra. Lái xe khách tăng ga bỏ chạy và một cảnh sát giao thông buộc phải nhảy lên nắp capo, bám vào cần gạt nước để buộc xe phải dừng.

Trước đó, vào tháng 8 năm 2019, cảnh sát giao thông công an tỉnh Ninh Bình phát hiện xe tải đầu kéo lưu thông theo hướng Ninh Bình - Thanh Hóa, có dấu hiệu chở quá tải, nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra hành chính. Một cảnh sát đứng phía trước đầu xe để yêu cầu tài xế xuống xe. Tài xế không tuân thủ và cho xe di chuyển, viên cảnh sát giao thông phải bám 2 tay vào đầu xe và chạy lùi theo chiều xe di chuyển.

Nhìn nó xấu, phản cảm. Còn hậu quả thì rất nhiều trường hợp đã xảy ra, có cả thương vong. Tôi nghĩ có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để dừng các phương tiện giao thông theo yêu cầu. - Ông Minh Đức

Việc một cảnh sát giao thông đứng trước mũi xe để dừng như vậy, về mặt khách quan thì rất nguy hiểm khi tài xế còn ngồi trên xe và xe chưa tắt máy. Tai nạn do bất cẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể người cảnh sát giao thông thì nghĩ mình đứng trước mũi xe thì tài xế sẽ không dám chạy; nhưng thực tế từng xảy ra ngược với suy nghĩ đó.

Theo Điều 13 (Thông tư số 65/2012 của Bộ công an) quy định về Hiệu lệnh dừng phương tiện, không có quy định cụ thể cảnh sát giao thông được đứng ở những chỗ nào trên đường khi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy giao thông nên tùy vào đoạn đường mà cảnh sát giao thông sẽ chọn vị trí đứng để thực hiện hiệu lệnh dừng xe phù hợp và đúng theo hiệu lệnh.

Là chủ một doanh nghiệp vận tải, bản thân cũng là một tài xế lái xe liên tỉnh, ông Minh Đức nêu nhận định về việc này:

“Theo tôi, về mặt điều lệnh, quy trình của cảnh sát giao thông khi chặn  các phương tiện giao thông để kiểm tra thì những động tác, hành vi như vậy là sai. Từ cái sai đó ảnh hưởng đến bản thân, đến hình ảnh lực lượng thi hành công vụ ngoài công lộ. Nhìn nó xấu, phản cảm. Còn hậu quả thì rất nhiều trường hợp đã xảy ra, có cả thương vong.

Tôi nghĩ có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để dừng các phương tiện giao thông theo yêu cầu. Không khó. Không người dân nào ủng hộ hành vi đó cả vì nó không những phản cảm mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người thi hành công vụ, người tham gia giao thông.”

Ông Đức kết luận rằng, việc tìm cách dừng xe như vậy là liều lĩnh, ngu dốt và mang tư tưởng lạm quyền. Họ muốn các tài xế phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của họ, trong khi phía tài xế thì không tuân phục cảnh sát giao thông do sự lạm quyền, vòi vĩnh của cảnh sát giao thông từ xưa đến nay mà báo chí nhà nước cũng từng lên tiếng.

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì đặt câu hỏi về quy trình huấn luyện nghiệp vụ cho cảnh sát giao thông khi những hành động như vậy không phải là cá biệt. Ông nói:

“Tôi không hiểu trong ngành công an giao thông đường bộ họ có dạy cho công an hành động như vậy hay không. Bởi vì không phải chỉ một ông công an làm như vậy mà nó được tái diễn ở nhiều nơi dù báo chí trong nước cũng lên tiếng. Tôi thì nghĩ không trường lớp nào dạy công an tìm cách bám vào xe hết sức nguy hiểm như vậy.

Đây là việc không nên làm của cảnh sát giao thông đối với người vi phạm giao thông. Nó rất nguy hiểm và rất khó coi. Nó mang cái hình ảnh rất xấu đối với cảnh sát giao thông.”

Vì sao?

Theo ghi nhận của RFA, dù lên án hành động đu bám lên xe của cảnh sát giao thông là phản cảm và nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn cho đây là hành động dũng cảm, nhiệt tình trong công tác và lên án những tài xế không tuân hiệu lệnh. Với cái nhìn của một người tham gia giao thông, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông:

Nói đến chuyện này thì cũng phải nói đến giáo dục cần phải thay đổi. Có như vậy mới dạy được con người từ bé biết hành xử văn hóa khi tham gia vào mọi hoạt động cộng đồng. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

“Tôi cho rằng đấy là giải pháp không văn minh cho cả hai phía. Nếu mọi người biết thực thi pháp luật đúng thì chắc chắn không xảy ra trường hợp đó. Trong cách thực thi pháp luật ở đây, theo tôi thì chỉ cần ghi lại số xe rồi xử lý sau. Ở đây thể hiện sự cay cú của cảnh sát khi yêu cầu mà xe không dừng cho nên phải cương quyết bắt dừng theo ý mình. Đó là cái thể hiện trong con người nói chung chưa ổn, lồng tính cay cú của cá nhân vào xã hội. Lồng vào như vậy nó sẽ ra những cái mất trật tự. Bản thân các tài xế cũng cay cú không chịu dừng xe thì gây ra hậu quả khó lường.

Nói đến chuyện này thì cũng phải nói đến giáo dục cần phải thay đổi. Có như vậy mới dạy được con người từ bé biết hành xử văn hóa khi tham gia vào mọi hoạt động cộng đồng.”

Ông nói thêm rằng, giao thông ở Việt Nam hiện rất lộn xộn dù chính quyền ban hành nhiều biện pháp xử phạt cũng như các đợt ra quân tổng kiểm soát.

Một trong những đợt tổng kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được cho là mạnh tay nhưng bị nhiều phản ứng của người dân là đợt ra quân từ ngày 15 tháng 5 năm 2020 đến 14 tháng 6 năm 2020 của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC08).

Với đợt ra quân này, cảnh sát giao thông yêu cầu dừng tất cả các loại xe khách, container, xe hơi, xe máy trong phạm vi thành phố để kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu.

Sau một tháng thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tổ chức hội nghị thông tin công tác trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm vào ngày 17 tháng 6 năm 2020. Báo cáo cho hay, chỉ trong một tháng có hơn 400.000 trường hợp vi phạm bị xử lý. Tước giấy phép lái xe trên 27.000 trường hợp, tạm giữ 61.500 phương tiện. So với thời gian liền kề trước khi thực hiện kế hoạch, số trường hợp vi phạm tăng 160%.

No comments:

Post a Comment