Wednesday, September 16, 2020

In tài liệu tuyên truyền COVID-19, Sở Thông Tin ở Sài Gòn bị tố tham ô

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Với 11 triệu bản in “tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19” có giá gần triệu đô từ tiền ngân sách, Sở Thông Tin và Truyền Thông ở Sài Gòn bị tố đã nâng giá in hơn phân nửa để tham ô.

Theo báo Giao Thông ngày 16 Tháng Chín, Thanh Tra ở Sài Gòn cho biết đang xác minh đơn tố cáo về những bất thường trong việc in ấn tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Thông Tin và và Truyền Thông ở Sài Gòn.

Trụ sở của Sở Thông Tin và Truyền Thông ở Sài Gòn. (Hình: Đấu Thầu)

“Hiện chúng tôi đang xử lý thông tin tố cáo một lãnh đạo và một cán bộ Sở Thông Tin, khi có kết quả sẽ thông tin sau,” vị lãnh đạo Thanh Tra thành phố nói.

Báo Giao Thông liên hệ đến ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông Tin để biết thêm sự việc nhưng chưa liên hệ được.

Trước đó từ đơn tố cáo, báo Phụ Nữ TP.HCM điều tra cho thấy số tiền mà Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đã chi cho việc in ấn cẩm nang, tờ rơi trong “Chiến dịch truyền thông phòng, chống COVID-19” từ đầu mùa dịch đến nay lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo tin từ trang website của Sở Thông Tin cho hay từ ngày 27 Tháng Hai, thực hiện kế hoạch của Ủy Ban Nhân Dân thành phố về “Ứng phó của Sài Gòn với dịch bệnh COVID-19,” sở được phân công “Xây dựng các nội dung truyền thông, các tờ rơi để phân phối cho các quận huyện, phường xã và các cơ quan đơn vị.”

Sở Thông Tin đã phối hợp với Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật ở Sài Gòn thực hiện “Cẩm nang hỏi đáp về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus SARS-CoV-2,” và cho in năm triệu bản tiếng Việt; 200,000 bản tiếng Anh; 200,000 bản tiếng Trung Quốc để “tuyên truyền đến người dân thành phố và khách du lịch.”

Điều bất thường là một số ấn phẩm có đơn giá in cao hơn từ gấp hai đến bốn lần so với giá thị trường.

Theo điều tra của báo Phụ Nữ TPHCM, từ đầu Tháng Hai việc in “Cẩm nang hỏi đáp” được Sở Thông Tin ký hợp đồng với xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng (quận Tân Bình, Sài Gòn) thực hiện, với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng ($647,193).

Cụ thể, đơn giá cho năm triệu cuốn cẩm nang tiếng Việt là 2,550 đồng (11 cent)/quyển, thành tiền hơn 12 tỷ đồng ($517,619). Còn lại 400,000 bản tiếng Anh và Trung Quốc có đơn giá 2,950 đồng (12.7 cent)/quyển, thành tiền 1.18 tỷ đồng ($50,905). Cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) là 1.39 tỷ đồng ($59,965).

Đến cuối Tháng Ba, sở này tiếp tục cho in và phát năm triệu tờ rơi tuyên truyền về “12 việc cần làm ngay và sáu điều cần làm để phòng, chống dịch COVID-19” đến các gia đình ở thành phố nhằm “huy động toàn dân chung tay tận dụng ‘14 ngày vàng’ chiến đấu trước đại dịch.”

Hợp đồng in ấn cũng do xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng thực hiện với trị giá gần 7.3 tỷ đồng ($314,925). Theo đó, đơn giá cho 5.1 triệu tờ rơi tiếng Việt (không hiểu sao trong hợp đồng lại đội lên thêm 100,000 bản so với thông tin trước đó trên báo chí) là 1,060 đồng (0.45 cent)/tờ. Đơn giá tính cho 200,000 tờ tiếng Anh và 300,000 tờ tiếng Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật là 1,900 đồng (0.81cent)/tờ. Giá này chưa bao gồm 10% thuế VAT.

Nghi ngờ đơn giá mà Sở Thông Tin đã ký để in các ấn bản là khá cao, phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM thử lấy một cuốn “Cẩm nang hỏi đáp” dày 20 trang, in bốn màu trên giấy C80gr quy cách 14x20cm còn sót lại ở Phòng Văn Hóa Thông Tin một quận dùng làm mẫu mang đến tham khảo giá tại công ty ITAXA ở quận 3, và một số cơ sở in ấn, thì tất cả báo giá in chỉ khoảng 1,221 đồng (0.52 cent)/quyển. Còn tờ rơi “12 việc cần làm ngay…” y chang của sở đã in lại thấp hơn rất nhiều, giá chưa tới một nửa.

Với sự so sánh như trên, dễ dàng nhẩm ra số tiền chênh lệch khá lớn so với tổng kinh phí mà Sở Thông Tin đã sử dụng trong việc thực hiện in hai ấn bản trên.

Các ấn phẩm “tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19” bị tố kê giá in ấn để tham ô. (Hình: Phụ Nữ TP.HCM)

Nếu tính bằng giá trên thị trường, in 5.4 triệu cuốn cẩm nang chỉ tốn khoảng 6.5 tỷ đồng ($280,313), trong khi 5.6 triệu tờ rơi chỉ vào khoảng 2.5 tỷ đồng ($107,812). Tổng cộng 11 triệu bản in của cả hai ấn bản tính chung chỉ khoảng 9 tỷ đồng ($388,250). Thế nhưng với giá in do sở ký hợp đồng thực hiện, ước tính phải hơn 22.3 tỷ đồng ($961,999).

Ngoài những ấn bản đề cập nêu trên, Sở Thông Tin còn thực hiện in nhiều ấn bản khác cũng với số lượng lên đến hàng triệu bản. Kinh phí in ấn đều được lấy từ nguồn ngân sách của thành phố, tức tiền thuế của người dân. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment