Wednesday, September 16, 2020

Thủ tiêu người cha - tử hình hai con!

Theo VOA-16-09-2020


Ông Lê Đình Kình. Photo Đong Tam TV

Hoàng Hoành Sơn


André Menras, nhà làm phim người Pháp từng về Đồng Tâm dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân, nhận định: “Các bị can đã bị bắt giữ một cách phi pháp. Vụ án rõ ràng sẽ diễn ra theo kiểu các vụ án thời Stalin. Ám muội và tàn độc hơn cả vụ xử Hồ Duy Hải. Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù” (1).

Quả đúng như lời nhận định trên, súng đã nổi, người thủ lĩnh tinh thần đã bị giết chết và nay Đồng Tâm vẫn còn sôi sục với bản án tử hình hai người con cụ Lê Đình Kình.

Trước khoảnh khắc họng súng lóe sáng trước ngực người cha, vạn vật, xóm làng đang bình yên chìm trong giấc ngủ. Khi màn tối bao trùm đất trời, một bản án tử hình trong vòng bí mật được tuyên ra, ngay cả nạn nhân chịu thảm án vẫn an tư không hề hay biết! Thế rồi họng súng khạc lửa đạn ngay tại phòng ngủ gia tư thiêng liêng, nơi một công dân Việt Nam lẽ ra thời khắc đó đang ngon giấc. Nay nó lại biến thành chỗ xử bắn cụ Lê Đình Kình. Ném cụ vào giấc ngủ ngàn thu cách lặng lẽ y hệt như bản án kẻ nào đó chụp lên cho cụ (2). Cụ Kình lớn lên là người lính chinh chiến, quen với súng đạn… Nay cụ đã ra đi theo tiếng súng vang lên sau khi viên đạn xuyên qua trái tim cụ. Và còn những họng súng khác sẽ tiếp tục khạc lửa lên hai người con chứ chưa chịu dừng ở cái chết của người cha.

Hình ảnh hai người con cụ Kình, anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức trước tòa chịu một bản án tử hình công khai oan ức (3). Thế giới, cả nước ai cũng biết, hai anh sẽ biết ngày giờ mình ra đi, về với vòng tay người cha đang chờ đón? Cái chết của hai anh không còn bị dấu kín như cái chết người cha. Hai án tử được các cơ quan tuyên truyền, báo chí của đảng cộng sản Việt Nam (đcsVN), các luật sư đỏ… đồng loạt lên tiếng hoan hô, đồng tình. Đang khi cả nước, người dân xầm xì nhớ lại vụ án Lệ Chi Viên mà gia đình Nguyễn Trãi gánh chịu: “Tru di tam tộc”. Thủ tiêu người cha, tử hình hai con. Lúc thủ tiêu cụ Kình, chả thấy bóng dáng phóng viên, nhà báo nào có mặt tại hiện trường đưa tin. Nay đầy đủ mâm bát reo hùa theo ban tuyên giáo đưa tin nóng sốt, bình luận các kiểu. Quả là cái giao điểm của thời khắc tuyên án tử hình cho hai người con lại rầm rộ, công khai khác hẳn giao điểm lúc người cha ra đi. Những đan chéo chằng chịt trong các mối xung đột trước đây chấm dứt âm thầm trong màn đêm với cái chết cụ Kình. Nay bản án của hai anh Công - Chức lại được tuyên cáo ồn ào công khai hết cỡ.

Vâng, trong bài viết này tôi muốn tập trung nhiều vào khoảnh khắc họng súng lóe sáng của kẻ thủ ác bóp cò bắn thẳng vào tim cụ Lê Đình Kình. Thoáng chớp lóe lên hẳn là đỉnh điểm trong cuộc đời ông cụ; đó là khoảnh khắc giữa sống và chết; giữa người đang thở và sẽ trút hơi thở cuối cùng. Lẽ ra, nếu chưa có ánh lóe sáng ấy hẳn cụ còn sống thọ thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, con tạo trêu ngươi, trong hàng triệu cái chết mỗi ngày và không cái chết nào giống cái chết nào, chỉ có cái chết cụ Kình là tiêu điểm cho biết bao sự giao thoa: tình người - tính đảng, công an - xóm làng, đất nông nghiệp – nhóm lợi ích, thù hận - nghĩa tình, chính quyền và con dân, kẻ mạnh và người yếu, sức trẻ và tuổi già, họng súng ác liệt và cây gậy chống đỡ giúp bước đi bệnh nhân bớt nhọc nhằn... Tất cả tập trung vào đầu súng tóe lửa chấm dứt cuộc đời dương thế của cụ già đôn hậu.

Lẽ ra cụ được ra đi thanh thản trong vòng tay con cái cháu chắt. Lẽ ra cụ đã có cuộc tử quy đầm ấm với nước mắt người thân vây quanh. Lẽ ra cụ trút hơi thở cuối ở thời khắc mà thiên định... biết bao nhiêu cái lẽ ra như thế đã bị phát đạn oan nghiệt tạo nên một giao điểm thổi bay tất cả vào lồng lộng hư vô. Cái lẽ vô thường trong cõi người ta ấy đã bị những kẻ vô thần bất tường và bất thường tự cho mình quyền lực chấm dứt một sinh mạng. Mà theo lý phải ở trong tay người ra đi khi dầu sinh khí đã cạn và khi cõi sau lên tiếng gọi về. Chấm dứt bất cứ sinh mạng vô tội nào đều là tội ác. Và kẻ ký lệnh, kẻ âm mưu lên kế hoạch, kẻ thủ ác trực tiếp, chúng có thể tránh được án phạt tòa đời. Nhưng không bao giờ tránh được án phạt của tòa án lương tâm và quy luật nhân – quả đời sau.

Và chưa dừng lại ở cái chết cụ Kình, không lâu trước ngày tuyên án tử hình hai con cụ Kình, tướng Tô Ân Xô, trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, đã tuyên bố cụ Kình là một “loại cường hào địa chủ mới” (4). Nó tựa như tuyên bố “giết vua” để dẫn đến bản án tru di tam tộc của nhà Nguyễn Trãi. Không phải tự nhiên mà tướng Xô, phát ngôn viên bộ công an, lại có những lời nói hàm ý đấu tố địa chủ như thế.

Người dân đều nhận ra sự đồng nhất trong ngôn hành của bộ công an từ đầu đến cuối rất chi ư là giàu tính kịch bản, dàn dựng công phu: Lên kế hoạch, vạch chuyên án giết chết cụ Kình là do bộ công an; điều binh khiển tướng túc trực ở làng Hoành vẫn là bộ công an; trực tiếp tấn công làng Hoành đêm 09/01/2020 cũng là bộ công an; giết chết cụ kình, bắn nhầm 3 công an viên, bắn trọng thương ông Hiểu, bắt bớ 29 người dân tiếp tục là bộ công an; điều tra bức cung, đánh phạm nhân 10 ngày như 1 (5) lại là bộ công an; cáo trạng viện kiểm sát trưng ra dựa trên điều tra cũng - vẫn - tiếp tục – lại là của bộ công an. Như thế, vừa đánh trống vừa thổi kèn đưa ma; vừa ăn cướp vừa la làng; kẻ chủ mưu, kẻ thủ ác, kẻ điều tra, xét xử, tuyên án đều đến từ điều tra của một ngành duy nhất, đó là ngành công an… Vậy còn gì là khách quan, là công bằng. Biết bao án oan Hàn Đức Long, Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm… (6) là những minh chứng cho “uy tín” của ngành công an và tư pháp.

Hơn nữa, Tòa xử vụ Đồng Tâm với nhiều tình tiết bất minh mà người dân cả nước đã nêu lên đầy dẫy trên mạng thông tin xã hội; nó cho thấy chỉ vì 59 ha đất nông nghiệp mà đcsVN, trực tiếp là bộ công an, đã tàn sát không thương tiếc những ai cản đường hầu dành cho bằng được. Cánh đồng Sênh chỉ lớn hơn chút xíu nửa cái đền Chung Sơn, thờ gia tiên Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, Nghệ An (7). Cánh đồng Sênh chỉ sản sinh những hạt ngọc trắng có giá trị thường nhật nuôi sống dân làng Hoành, đang khi đền Chung Sơn tốn gần 100 ha đất, xây nguy nga lộng lẫy bằng thuế khóa nặng nề chất trên cổ người dân, chẳng nuôi sống được ai, ngoài tiền thu dịch vụ rơi vào túi nhà cầm quyền; nó được dựng lên với mục đích thờ cúng gia tiên ông Hồ.

Bản án tử hình tuyên ra cho thấy phải có sự ra đi đối xứng giữa ta và địch. Phe ta ra đi 3 thì địch cũng phải đi 3 cho đồng bộ. Chiến thắng Đồng Tâm quả là một chiến công đáng ghi vào trang sử hào hùng của bộ công an VN; trong tương lai, mỗi khi tấn công nhà dân nào đó, đcsVN và bộ công an lại đưa gương 3 liệt sĩ này lên giây cót tinh thần cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đêm ngày 08/01, rạng sáng ngày 09/01, 3000 cảnh sát cơ động, công an “đặc biệt tinh nhuệ” nổ súng mở màn đột kích dữ dội vào làng Hoành, quyết thực hiện cho được bản án tử hình cụ Lê Đình Kình. Bộ công an đã không ngờ chính họ lại làm lộ cho cả nước và thế giới thấy rõ lực lượng ăn hại đái nát, ngốn biết bao ngân sách nhà nước, ôm súng ôm mìn, trang bị tận răng lại tự hại chết 3 đồng đội. Đưa lực lượng hùng hậu tưởng đâu lên biên giới phía Bắc đánh giặc Tàu, không ngờ “bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đi đánh nhân dân Đồng Tâm.

Vụ án Đồng Tâm nói chung và phiên tòa xét xử 29 người liên hệ nói riêng phơi bày trước bàn dân thiên hạ một đất nước không hề có nhân quyền, tự do, dân chủ như đcsVN thường quảng cáo. Bộ luật hình sự năm 2015, điều 40 quy định: không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên (8). Quy định luật pháp là thế, nhưng sự thật là bộ công an giết đã một ông già ngồi xe lăn, 84 tuổi và nay âm mưu giết luôn cả hai người con của cụ. Dân chúng, công luận đều mong ngừng phiên tòa để dựng lại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, nhà nước pháp quyền VN thể hiện uy quyền trong tòa án, trắng trợn bác bỏ tình tiết quan trọng đó và vẫn tuyên án như kịch bản đã soạn. Ngay cả những lá đơn cụ bà Dư Thị Thành gởi đảng, nhà nước cứ như gió vào nhà trống. Chẳng ai quan tâm, không lời hồi đáp. Mạng sống người dân rẻ như vậy đấy, chỉ như con kiến chả xứng cho đảng đoái hoài. Đảng lo dành đất của dân hơn là giữ đất biên giới. Dành đất của dân có nhiều lợi ích hơn là xung phong đưa đầu đối địch với bành trướng Trung Quốc. Người dân hiền lành dễ đàn áp, dễ chụp mũ, dễ xử hơn hẳn Tàu lạ.

Một facebooker đã cảm thán viết mấy lời như sau: Bản án Đồng Tâm gợi nhớ lại lời viết trong Kinh Thánh: "Hỡi con gái Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi." (Lc 23,28). Vâng, người dân Việt trên dải đất hình chữ S nên khóc thương cho thân phận mình. Vì chắc rồi cũng sẽ có cái ngày người sống ganh tị với người chết.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54113726

(2) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dien-bien-vu-gay-roi-trat-tu-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-o-dong-tam-1507780.tpo

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143268

(4) http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thieu-tuong-To-An-Xo-noi-ve-vu-an-Dong-Tam/406964.vgp

(5)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-trial-19-out-of-29-defendants-admits-to-be-tortured-during-investigation-09092020081012.html

(6) https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/diem-lai-nhung-vu-an-oan-sai-trong-vai-nam-gan-day-d108623.html

(7) http://nghean24h.vn/den-chung-son-the-tua-nui-linh-thieng-uy-nghiem-sung-sung-a606757.html

(8)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx#:~:text=%C4%90i%E1%BB%81u%2040.&text=T%E1%BB%AD%20h%C3%ACnh%20l%C3%A0%20h%C3%ACnh%20ph%E1%BA%A1t,B%E1%BB%99%20lu%E1%BA%ADt%20n%C3%A0y%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh.

No comments:

Post a Comment