KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Chờ cho đến khi bảy công trình xây dựng trái phép chuyên phục vụ khách Trung Quốc ở xã Phước Đồng gặp dịch COVID-19 phải đóng cửa, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang mới dám “lên phương án tháo dỡ.”
Ngày 16 Tháng Chín, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, cho biết Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa vừa ra các quyết định buộc tháo dỡ bảy công trình xây dựng vi phạm nằm dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, thuộc xã quản lý.
Theo báo Zing, những công trình bị cưỡng chế lần này gồm: cửa hàng tơ lụa May Mắn, cửa hàng Bùi Tố Hùng, cửa hàng Only Love Jewellyery, dãy nhà trọ phía sau công ty Thương Mại và Dịch Vụ Phúc Lai, nhà hàng Cao Hùng, cửa hàng đặc sản Việt Nam và cửa hàng cà phê Xin Chào, được xây dựng trong thời gian 2018-2019 để chuyên đón khách Trung Quốc.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi cửa hàng ở đây có thể đón hàng chục xe đò loại 45 chỗ cùng hàng ngàn khách Trung Quốc mỗi ngày đến mua sắm.
Mặc dù đã tồn tại trong thời gian dài gây mất an ninh trật tự tại khu vực, nhưng trước đây việc tháo dỡ lại diễn ra “rất ì ạch.”
Cụ thể hồi Tháng Năm, 2019, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định cưỡng chế nhưng không làm được. Đến ngày 13 Tháng Tư, ông Lê Hữu Hoàng, phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, tiếp tục ký văn bản yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang “xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên. Việc cưỡng chế phải thực hiện trước ngày 30 Tháng Sáu.” Thế nhưng các công trình này vẫn tồn tại cho đến nay.
Ông Bùi Cao Pháp, phó chủ tịch xã Phước Đồng, lý giải với báo Tuổi Trẻ phần lớn các cơ sở này đều do các doanh nghiệp Trung Quốc móc nối với người Việt xây dựng để phục vụ cho tour khách Trung Quốc khép kín, là một mắt xích của tour 0 đồng từng hoạt động công khai, rầm rộ trong suốt thời gian dài.
Trước đây Ủy Ban Nhân Dân xã đã nhiều lần đề nghị cấp trên tổ chức cưỡng chế các cơ sở kinh doanh này nhưng gặp khó khăn, kéo dài do “các công trình có diện tích lớn, kết cấu kiên cố, chính quyền địa phương phải thuê đơn vị tư vấn lập phương án tháo dỡ, trình cấp trên phê duyệt rồi xin chủ trương của tỉnh.”
“Hiện phương án cưỡng chế đã được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành sớm việc cưỡng chế, không để kéo dài thêm,” ông Pháp nói.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, hiện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa giao thành phố Nha Trang tổ chức thực hiện. Xã Phước Đồng đang chờ Ủy Ban Nhân Dân Nha Trang tổ chức họp các ngành để thực hiện theo chỉ đạo. Sau khi “triển khai kế hoạch cưỡng chế,” thành phố sẽ thông báo cho các chủ công trình về thời gian, phương án, kinh phí…
Theo các phương án cưỡng chế thì kinh phí để thực hiện từ hơn 600 triệu đồng ($25,811) đến gần 2 tỷ đồng ($86,039) do chủ các công trình vi phạm phải chi trả.
Tuy nhiên, trước khi cưỡng chế sẽ vận động các chủ công trình tình nguyện tự tháo dỡ. Nếu chủ công trình không hợp tác thì chính quyền ứng tiền ra cưỡng chế rồi thu lại từ chủ công trình.
Từ đầu 2020 đến nay, do dịch COVID-19 bùng phát, các cửa hàng ngưng hoạt động. Một số cửa hàng thuê bảo vệ canh giữ nhiều tháng nay.
“Họ dọn hết hàng hóa ở bên trong mang đi nơi khác kinh doanh. Chúng tôi chưa nghe họ nói gì về việc cửa hàng sẽ hoạt động trở lại, ngay cả tiền lương hai tháng nay của tôi vẫn chưa được chi trả,” một bảo vệ cho biết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment