Friday, August 21, 2020

Sự giận dữ của thiên nhiên hay sự quở phạt của thần linh?

 Image may contain: cloud and text

Nguyen Khan-21/08/202

Theo Báo Tuổi Trẻ, trận lũ lụt số 1 tại TC (Trung Cộng) được ghi nhận hôm tháng 7, đến nay 20/8 là trận lụt thứ 5 trên cùng một dòng sông. Trong vòng không đầy hai tháng, lũ lụt trên sông Dương Tử xảy ra 5 lần, một tần suất quá dày, và cũng chưa có gì bảo đảm đây là lần lũ lụt cuối cùng, liệu có còn lần thứ 6, lần thứ 6 +… nối tiếp ?

Với tần suất lũ lụt dày một cách khác thường, cơn lũ sau lớn hơn cơn lũ trước, không xảy ra bất cứ nơi đâu, chỉ “chăm bẵm” vào sông Dương Tử, chắc không ít người dân TC, và rất nhiều người quan tâm trên thế giới đều phải nhìn lên trời cao thầm nhủ, có phải đây là sự giận dữ của Thiên nhiên hay sự quở phạt của thần linh ?

Bởi thiên hạ có cảm giác Ông Trời có bao nhiêu nước đều mang đến đổ hết xuống lưu vực sông Dương Tử gồm cao nguyên Tây Tạng, tỉnh Tứ Xuyên và các tỉnh phụ cận, khiến tất cả những con sông nhánh nhỏ lớn trong lưu vực tràn ngập nước, nước thoát không kịp gây lũ lụt tại chỗ đã đành, còn tạo ra dòng chảy dữ dội, cuồn cuộn như thác đổ, tuông hết về sông Dương Tử, làm đôi bờ từ Tứ Xuyên đến Thượng Hải bị ngập nước nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng và liên hoàn, trận lụt này chưa khắc phục hậu quả xong trận sau đã nối tiếp. Nhưng lạ đời là các khu vực khác của TC lại hạn hán đến nỗi nhiều nơi giới chức TC phải làm mưa nhân tạo để cứu hạn…

Nếu chỉ vậy đã là chuyện khó hiểu để mọi giải thích của con người dù hợp lý đến đâu vẫn khập khiễng, vẫn làm cho người ta nghĩ nhiều hơn đến yếu tố tâm linh ?

Bởi sông Dương Tử, còn có tên khác là sông Trường Giang, là một trong ba con sông dài nhất thế giới, có lưu vực rộng lớn chỉ kém sông Amazon của Brazil nên lượng nước chuyển tải rất lớn.

Ngoài việc dòng sông khá dài từ Tây Tạng ở phía Tây, băng qua rất nhiều tỉnh và thành phố sầm uất của TC trước khi đổ ra Biển Hoa Đông ở thành phố Thượng Hải lớn nhất TC… Thì có thể nói, sông Dương Tử không chỉ mang lại tôm cá, nguồn nước sinh hoạt và phát triển canh nông tạo ra nguồn lương thực chính yếu cho TC, mà còn là cái nôi phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và văn hóa bao đời cho Trung Hoa.

Dòng sông này đã ngàn năm đem lại phồn hoa và tăng trưởng cho nhân dân và đất nước Trung Hoa vĩ đại, nhưng hiện tại, và ngàn năm sau có còn là nét đẹp, là cái nôi phát triển Trung Hoa, hay chỉ luôn mang đến thảm họa, điêu tàn… Là một câu hỏi vẫn còn đang để ngỏ trước sự can thiệp thô bạo vào lưu vực và vào chính dòng sông của nhà nước TC, mà nổi bật hơn cả là quả bom nước Tam Hiệp.

Dù giới chức TC đã cố điều tiết nước trên ba con đập khổng lồ đầu nguồn sông Dương Tử để giảm lượng nước về đập Tam Hiệp, dù có thể phải xả lũ nhiều nơi ở thượng nguồn sông Dương Tử để giảm áp lực nước trên sông chính như những lần trước, thì hôm nay lượng nước đổ về đập Tam Hiệp cũng vượt quá 73.000 m3/s, một lượng nước không tưởng kể từ ngày con đập này tích nước, và hình như vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Nếu 4 lần lũ trước TC đứng ngồi không yên vì sợ vỡ đập Tam Hiệp, thì lần này chắc mặt mày xanh như đít nhái khi nhìn thấy thiên nhiên nổi giận, Ông Trời quở phạt, tuông về một lượng nước kinh khủng như con ngựa bất kham, mà trên thượng nguồn vẫn chưa ngừng mưa tuông khi một cơn bão nữa kéo đến. Chắc đó là lý do quốc vương Tập Cận Bình không thể ngồi đung đưa trên ngai vàng được nữa, phải đến sông Dương Tử để tìm cách giải cứu quả bom nước Tam Hiệp khỏi bùng nổ.

Bởi lần đầu tiên TC xả mười cửa thoát để giảm nước trong đập Tam Hiệp, cho thấy tình hình lũ lụt trên sông Dương Tử của TC đã vô cùng đáng sợ, đòi hỏi hoàng đế phải quyết định kịp thời trước khi quá muộn, phải đối mặt với những vấn nạn :

– Một là, nếu đập Tam Hiệp không xả lũ tối đa và kịp thời, có thể tạo ra nguy cơ vỡ đập, và một khi đập bị vỡ sẽ gây ra sóng thần làm mất mạng hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu dân.

– Hai là, nếu xả lũ tối đa sẽ tạo ra hồng thủy phía sau đập Tam Hiệp, là nơi tập trung nhiều thành phố và khu dân cư sầm uất và giàu có nhất của TC, thiệt hại sẽ khôn lường.

– Ba là, nếu xẻ nách sông làm giảm lượng nước trong hồ Tam Hiệp, thì xẻ nách ở đâu có thể tạo ra sóng thần ở đó, khó lường hết hậu quả.

– Bốn là, nếu không may lượng nước đổ về quá nhiều, xả hết các cửa đáy vẫn không giảm được độ dâng cao của nước thì… !!

Nói tóm lại, tình hình lũ lụt sông Dương Tử hiện tại là bài toán đánh đố cho tham vọng độc chiếm nguồn nước, tham vọng bắt dòng sông phục vụ cho sự vĩ đại của TC, mà Thiên Nhiên hay thần linh gì đó đang nổi giận thử thách sự ngạo mạn ấy, đang đặt quả bom nước vào tay bạo chúa Tập Cận Bình. Có vẻ như mọi quyết định nào đó của Tập Cận Bình trong lúc này cũng chỉ làm giảm bớt thiệt hại chứ không thể có giải pháp lưỡng toàn.

( p/s: VTC.vn cập nhật sáng nay, lưu lượng nước về đập Tam Hiệp đã lên đến 75.000 m3/s, buộc phải mở thêm cửa xả nước thứ 11 )

No comments:

Post a Comment