Friday, August 21, 2020

Theo cộng sản có phải vì lý tưởng?

 
Phạm Minh Vũ

Trong cuốn hồi ký Tại sao tôi viết Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại rằng: “Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Nhạc sĩ Văn Cao đã tự nhận rằng ông theo VM vì bản thân và gia đình quá đói. (Văn Cao, “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”, viết ngày 7-7-1976, đăng lại trong sách Thiên Thai, tuyển tập nhạc Văn Cao, TpHCM: Nxb Trẻ, 1988, tt. 14-17.)

Qủa thực trong nạn đói năm Giáp Thân- Ất Dậu ở Miền Bắc ngoài nhiều lý do như chúng ta đã biết, một phần gây nghiêm trọng nạn đói là do Việt Minh, mục đích là để lôi kéo thêm nhiều người theo Việt Minh. Và ta cứ thẳng thắn mà nói rằng, nhiều người theo Việt Minh thời đó chẳng có mấy ai là vì lý tưởng yêu nước, cao đẹp gì sất, trong đó Văn Cao là một minh chứng.

Khi nạn đói xảy ra bắt mùa Đông năm Giáp Thân (1944) kéo dài qua năm 1945, Chính Phủ Trần Trọng Kim mới thành lập tháng 17-4-1945 có nhiều chương trình hành động khẩn cấp để giải quyết nạn đói ở Miền Bắc. Nạn đói bắt đầu từ mùa đông năm 1944, lúc đó còn Pháp thuộc. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh, Pháp ở Đông Dương.

Việc làm đầu tiên của Chính phủ Trần Trọng Kim là ra lệnh bãi bỏ việc bắt buộc nông gia bán lúa gạo cho nhà nước, và để cho dân chúng tự do buôn bán gạo (Lúc Nhật chưa đảo chánh Pháp thì Pháp bắt nông gia bán lúa gạo cho nhà nước). Điều nầy có nghĩa là những quy định trước đây về số lượng lúa gạo phải bán cho nhà nước theo diện tích canh tác cũng bị bãi bỏ. Người dân được tự do vận chuyển buôn bán gạo dưới 50 kí lô mà không cần phải có giấy phép của chính quyền.

Ở các tỉnh, những ngân hàng nông nghiệp sẽ phụ trách mua gạo cho nhu cầu quân sự hay nhu cầu thực phẩm của chính quyền dưới sự kiểm soát của tỉnh trưởng. Những người nghèo đói còn sống sót và những người vô gia cư được chính phủ tập trung vào những nhà nuôi dưỡng đặc biệt để phục hồi dần dần.

Chính phủ thành lập ty “Liêm Phóng Kinh Tế”, tức cảnh sát kinh tế, và giao cho Nguyễn Duy Quế điều khiển, kiểm soát gắt gao giá gạo, nhằm ngăn chận những vụ đầu cơ hay buôn lậu. (Vũ Ngự Chiêu, Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/1945), sđd. tt. 95-96.)

Nhờ thế, việc đầu cơ tích trữ hay buôn lậu gạo giảm hẳn. Tình hình nông gia được cải thiện nhờ giá bán cho nhà nước cao gấp 5 lần so với thời gian trước đó dưới thời còn Pháp.

Vua Bảo Đại ra sắc chỉ ngày 23-5-1945 hủy bỏ nợ nần do các tiểu nông vay tiền nhà nước trước đây. (Nguyễn Thế Anh, “The Great Famine of 1945″, The Vietnam Review 4, Spring-Summer 1998, Hamden, Connecticut, USA, tr. 469.) Chính phủ cho hạ thấp mức thuế nông dân phải đóng góp. Bộ trưởng bộ Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí đến Sài Gòn vào đầu tháng 6-1945 để thương thuyết với người Nhật nhằm thay đổi phương cách chở gạo từ Nam ra Bắc.

Để tránh bị phi cơ Đồng minh oanh tạc, gạo sẽ được chở bằng các đoàn thuyền buồm thuê của thường dân. Bộ trưởng Nguyễn Hữu Thí còn đề nghị đưa 1.000.000 dân từ Bắc bộ và Trung bộ vào định cư ở Nam bộ. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 469.) Những chuyến xe hay những chiếc ghe chở gạo từ Nam ra Bắc, khi quay trở về, thì chở di dân vào Nam lập nghiệp. (David G. Marr, sđd. tt. 102-103.)
Ngày 30-6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim cho đánh thuế du hý (vui chơi, giải trí) để lấy tiền tài trợ cho những hoạt động cứu đói ở Bắc bộ. Chính phủ mở chiến dịch báo chí thông tin về những bất hạnh của đồng bào Bắc bộ để kêu gọi dân chúng tiếp tay cứu trợ. Những cuộc lạc quyên được tổ chức trên toàn quốc. Chiến dịch nầy đem đến nhiều thành quả giúp phần cứu đói hiệu quả.

Tại Hà Nội, vào tháng 5-1945, Tổng hội Cứu tế quyên được 782.403 đồng. Với số tiền nầy, Tổng hội đã mua được từ kho nhà nước 1.476 tấn gạo phát chẩn cứu đói. (David G. Marr, sđd. tt. 102-103.) Uỷ ban Cứu tế Trung ương giúp đỡ Bắc bộ tại Huế và Uỷ ban tương trợ giúp đỡ những nạn nhân Bắc bộ tại Sài Gòn, được thành lập. Số tiền quyên góp được dùng mua gạo chở ra giúp đỡ đồng bào đất Bắc. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 469.)

Tại Nam kỳ, chỉ nội trong tháng 5-1945, hơn 20 hội chẩn tế ra đời ở Saigon và các tỉnh thành phố lớn, và trong vòng một tháng đã quyên được 1.677.886 đồng, kể cả 481.570 đồng mua và chuyên chở 1.592 tấn gạo ra Bắc giúp cứu đói. (Báo L’Action [Hành Động] các số 24-5 và 22-6-1945, Vũ Ngự Chiêu trích dẫn, sđd. tr. 96.)

Lực lượng tham gia các phong trào cứu đói chủ chốt là thanh niên, sinh viên, học sinh và các đoàn thể đã được thành lập trong thời toàn quyền Decoux, như Hướng đạo sinh, Gia đình Phật tử… vì đã có kinh nghiệm đoàn ngũ hóa. Đây là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam thực sự bắt tay vào hoạt động xã hội. Những nhân vật nổi tiếng của phong trào nầy là Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu (Hướng đạo), Lê Đình Thám (Gia đình Phật tử) …

Những biện pháp của chính phủ cùng sự tiếp tay của đồng bào toàn quốc, đã làm cho tình hình Bắc Bộ nhanh chóng trở lại bình thường. Vẫn còn một vài nơi người nghèo sắp hàng trước các điểm phân phối thực phẩm miễn phí, nhưng nói chung tình hình khá ổn định vào tháng 6-1945. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 470.)

Nạn đói tưởng đã qua đi. Mặc dù “Uỷ ban Bảo vệ và Giám sát đê điều” được thành lập để lo việc giữ đê, ngăn ngừa nước dâng lên gây lụt lội, nhưng bất ngờ những cơn mưa như thác đổ vào tháng 8-1945 đã tràn ngập tất cả các cánh đồng các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Nạn mất mùa trở lại. Vài nơi thiếu gạo, dân chúng đã phải ăn cả lúa giống để dành làm vụ mùa sau. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 470.)

Lúc này, Khi nạn đói quay trở lại trầm trọng hơn năm 1945, đảng Cộng Sản Đông Dương và Việt Minh (VM) lên án Pháp và Nhật là tác nhân gây ra nạn đói, và chống việc trưng mua lúa gạo.
Ngày 17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập và lo chuyện cứu đói, thì VM lợi dụng nạn đói để tuyên truyền và phát triển lực lượng. Việt Minh đả kích chính phủ Trần Trọng Kim, kích động dân chúng lăng nhục những viên chức chính quyền lo việc cứu tế. Khi biết được Đức rồi Nhật sắp đầu hàng Đồng minh, một mặt VM xúi giục dân chúng đánh phá các kho lúa. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tr. 96.) Một mặt khác, VM đứng ra tổ chức cướp các kho gạo. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions Du Seuil, 1952, tr. 131.)

Người cộng sản hôm nay như những loài ký sinh trùng, nó bám vào Nhân dân, ăn hết tất cả của cải, bán cả biển đảo biên cương, họ quyết nắm quyền mặc cho đất nước nghèo nàn lạc hậu, họ ăn tới cái lai quần cũng không buông.

Việt Minh còn âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi VM đem tiếp tế cho những mật khu của họ. (David G. Marr, sđd. tt. 102-103.)

Việt Minh hợp tác và cung cấp tin tức cho phe Đồng minh, chính là cho Hoa Kỳ, dùng máy bay bắn phá các trục giao thông, khiến việc tiếp tế thực phẩm rất khó khăn. Ngày 23-7-1945, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bộ trưởng bộ Y tế, trên đường đi công tác, từ Thái Bình trở về Hà Nội, đến gần Bần Yên Nhân thì bị máy bay Đồng minh bắn chết. (Trần Trọng Kim, sđd. tr. 78.) Sự đi lại khó khăn đến nỗi chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển công văn. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tt. 96-97.)

Từ đó, nạn đói trầm trọng trở lại. Nạn đói càng trầm trọng thì VM càng dễ tuyên truyền, vừa phản đối chính quyền, vừa chiêu dụ dân chúng bằng cách dùng gạo cướp được để cứu đói những ai chịu theo VM. Đây là một trong những lý chính mà thế lực VM nhanh chóng phát triển mạnh ở các vùng rừng núi và nông thôn vùng đông bắc Bắc Kỳ trong thời gian nầy.

Văn Cao là một trong số đó, vì đói quá, bỗng một hôm Văn Cao gặp đồng chí Vũ Quý trước ga Hàng Cỏ. Vũ Quý liền đưa Văn Cao đến nhà một người thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm, và giao nhiệm vụ đầu tiên là soạn một bài hát cho quân đội cách mạng. Bài “Quốc ca” hùng tráng đã được khởi đầu như vậy. Văn Cao viết ca khúc này trong một căn gác nhà người bạn tại 171 phố Mông – grăng, nay là phố Nguyễn Thượng Hiền. Lúc này VM cho Văn Cao tiền, gạo vậy là Văn Cao gửi về nuôi mẹ nuôi em. Thế là theo VM.

Sau đó anh Vũ Quý giao cho Văn Cao một khẩu súng và kêu Văn Cao thành lập lực vũ trang có tên là “đội danh dự Việt Minh“ do Văn Cao chỉ huy, đội này chuyên đi giết người, khủng bố. Tiến Quân ca ra đời trong hoàn cảnh này nên bài hát mang tính đẫm máu [http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhac-si-van-cao-tung-di-tru-khu-viet-gian-2010052711077417.htm]. Bài hát đó của riêng đảng cộng sản, mang tính chất man rợ, máu me đúng ra phải lấy làm đảng ca cho đảng cộng sản, sao lại lấy làm Quốc Ca?

Tưởng quốc ca ra đời trong hoàn cảnh khí thế yêu nước hào hùng thế nào, ít ai ngờ, vì đói quá nên Văn Cao theo VM để có cái ăn. Quốc ca VN nó ra đời một cách hào hùng thế đấy!

Nói tóm lại, những người theo cs và tin mù quáng chẳng mấy ai là có lý tưởng sống cả, họ theo cs chỉ vì đói quá, khi họ nắm quyền thì cũng chỉ biết ăn và ăn, nỗi ám ảnh sợ đói ấy, có chăng nó vẫn đi theo người cộng sản đến hôm nay sau 75 năm? Người cộng sản hôm nay như những loài ký sinh trùng, nó bám vào Nhân dân, ăn hết tất cả của cải, bán cả biển đảo biên cương, họ quyết nắm quyền mặc cho đất nước nghèo nàn lạc hậu, họ ăn tới cái lai quần cũng không buông. Vì nếu người cộng sản sống có lý tưởng thì họ đã từ bỏ cộng sản từ lâu rồi!

No comments:

Post a Comment