Diễm Thi, RFA-2020-08-21
Một khu dân cư ở Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh chụp năm 2018.-Reuters
Tại Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ thành phố Hà Nội được tổ chức vào sáng 20 tháng 8 năm 2020, lãnh đạo thủ đô Việt Nam đưa mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300 USD đến 8.500 USD.
Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, GRDP/người đạt 12.000 USD đến 13.000 USD.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cho rằng, muốn đạt mục tiêu đề ra đến năm 2030 thì điều quan trọng phải làm từ bây giờ là cải cách phương thức quản lý. Ông nói:
“Tôi chưa có khả năng tính toán cụ thể nhưng nếu đặt ra mục tiêu như vậy thì tốc độ tăng trưởng của Hà Nội có lẽ phải vào khoảng 10% đến 12% thì mới bảo đảm được.
Tôi nghĩ những mục tiêu đó là rất đáng khích lệ. Vấn đề là phải cải cách mạnh mẽ các cơ quan quản lý hành chính, cải cách phương thức thực hiện đầu tư, mở rộng khả năng tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh việc giám sát của các hiệp hội, của người dân đối với việc đầu tư công. Đấy là những bước đi rất cần thiết để có thể vừa nâng cao hiệu quả đầu tư công, vừa đẩy nhanh tốc độ của giải ngân đầu tư công ở Hà Nội.”
Vấn đề là phải cải cách mạnh mẽ các cơ quan quản lý hành chính, cải cách phương thức thực hiện đầu tư, mở rộng khả năng tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. - Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từ Hà Nội nhận định với RFA rằng, mục tiêu đó thì khả thi nhưng cần phải có kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Ông phân tích:
“Hiện tại mức GDP đầu người ở Hà Nội có thể lên đến 6.000 đô la. Từ 6.000 đô la lên đến 8000 đô la cũng không phải là quá xa và có thể thực hiện được trong vòng 5 năm, tức là năm 2025. Với điều kiện GDP của cả nước cũng phải tăng mỗi năm khoảng 10% và Hà Nội tối thiểu phải 7%.”
GRDP bình quân đầu người ở Hà Nội hiện nay khoảng 6.000 USD, tăng 7% so với năm 2018. Đó là con số do Cục Thống kê thành phố Hà Nội công bố tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội vào cuối năm 2019. Cũng trong buổi họp báo, lãnh đạo Hà Nội cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Ngày 13 tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với các vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của thủ đô đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước.
Hà Nội ngập sau một cơn mưa lớn. Ảnh chụp năm 2020.
Hà Nội ngập sau một cơn mưa lớn. Ảnh chụp năm 2020 Reuters
Với mục tiêu đưa thành phố Hà Nội thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030, tức 10 năm nữa, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định:
“Hiện tại ở Hà Nôi, một vài địa điểm cũng đã công nghiệp hóa rồi nhưng còn nhiều vùng ở Hà Nội thì cuộc sống còn rất là thấp, tương đối nghèo. Tôi về Hà Nội cách đây 11 năm. Mức độ phát triển của Hà Nội cách đây 11 năm so với bây giờ khác nhau nhiều lắm. Tôi nghĩ 10 năm nữa, chỉ một vài khu ở Hà Nội có khả năng trở thành một nơi hiện đại chứ chưa thể hiện đại toàn thành phố được. Hiện đại ở đây theo nghĩa hạ tầng cơ sở phải đầy đủ cho tất cả mọi khu vực. Tôi nghĩ 10 năm nữa Hà Nội sẽ có những bước tiến bộ xa. Nhưng để tiến đến một thành phố hiện đại theo tiêu chuẩn như Singapore hay châu Âu thì chưa thể được.”
Đây không phải lần đầu lãnh đạo Hà Nội tuyên bố muốn đưa Hà Nội trở thành một thành phố hàng đầu, có sức cạnh tranh trong khu vực và cả quốc tế.
Tại buổi làm việc về sự phối hợp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 14 tháng 7 năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Đưa Hà Nội trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á.
Trước đó, hôm 27 tháng 6 năm 2020, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc; Hà Nội phải là nền kinh tế có thu nhập cao trong vòng 10 tới 15 năm tới, sớm hơn nhiều so với mục tiêu năm 2045 của cả nước.
Để trở thành một thành phố hiện đại thì vấn đề đầu tiên của người dân Hà Nội là phải cải tạo được vấn đề tư tưởng, dân trí tức là phải làm sao ý thức về giao thông, ý thức về luật lệ, ý thức về tất cả những vấn đề xã hội thì mới có nền kinh tế phát triển được. - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Khi nghe ông Phúc phát biểu như vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường nêu ý kiến của ông với RFA:
“Tôi cho rằng còn nhiều vấn đề về thể chế hiện nay cần phải đổi mới tiếp tục thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được. Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì nó cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, mà thể chế hiện nay thì mọi người đang có ý kiến cho rằng đó là yếu tố không thuận lợi cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng như vậy. Và đấy là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không vượt lên được.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu sống ở thành phố Hà Nội 11 năm qua. Theo ông, muốn trở thành một thành phố văn minh, hiện đại thì hạ tầng cơ sở và ý thức người dân là những yếu tố quan trọng không kém. Hà Nội hiện vẫn còn những nơi chưa có nước sạch cho người dân sử dụng. Vấn đề người dân phải đối diện mỗi ngày là nạn kẹt xe và ngập nước sau mưa. Ông nói thêm về yếu tố con người:
“Để trở thành một thành phố hiện đại thì vấn đề đầu tiên của người dân Hà Nội là phải cải tạo được vấn đề tư tưởng, dân trí tức là phải làm sao ý thức về giao thông, ý thức về luật lệ, ý thức về tất cả những vấn đề xã hội thì mới có nền kinh tế phát triển được. Và một trong những vấn đề để tiến tới một thành phố hiện đại thì vấn đề giáo dục quần chúng có lẽ là căn bản nhất và cần thiết nhất.”
Ngay từ năm 2016, tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển", ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tin tưởng rằng, với sự quyết tâm đổi mới về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội sẽ là địa phương thu hút đầu tư hàng đầu trên cả nước và trở thành một siêu thành phố (Mega City) vào năm 2030.
Trước đây, ông cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng dự báo đến thế kỷ 21 Việt Nam trở thành nước công nghiệp; thế nhưng đến nay đó còn là một mục tiêu trước mắt.
No comments:
Post a Comment