Friday, August 21, 2020

Thủ tướng Việt Nam: không làm số đẹp để kiếm thành tích

 Theo RFA-Thanh Trúc-2020-08-20 
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một hội nghị về kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại VN EU ở Hà Nội hôm 6/8/2020
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một hội nghị về kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại VN EU ở Hà Nội hôm 6/8/2020-AFP

Hôm 19/8 vừa qua, Hệ Thống Thông Tin Báo Cáo Quốc Gia của Việt Nam đã khai trương tại Trung Tâm Thông Tin, Văn phòng Chính phủ với sự chủ trì của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Buổi lễ phát trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Lên tiếng tại lễ ra mắt Cổng Thông Tin Báo Cáo Quốc Gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  yêu cầu các bộ, ngành, địa phương là “không cát cứ thông tin, không làm đẹp số liệu để lấy thành tích”.

Ông còn khẳng định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho rằng  Hệ thống Thông tin Báo cáo Quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ Điện tử; thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần cách làm việc bằng văn bản, giấy tờ, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng chính phủ không giấy tờ.

Những tin tức như thế nghe đã nhiều mà không mới, cái mới và đáng nói ở đây là yêu cầu không làm đẹp số liệu để lấy thành tích mà thủ tướng chính phủ đưa ra, là nhận định của nhiều người quan tâm, điển hình như nhà văn, blogger Đoàn Bảo Châu:

Bởi vì Việt Nam từ xưa đến nay thường có câu “làm láo mà báo cáo đẹp”. Với người dân thì câu nói đó rất phổ biến. Xưa nay trong cách nhìn của người dân những số liệu đưa ra không chính xác, cán bộ, báo đài, TV đều luôn luôn nói những số liệu đẹp. Làm đẹp số liệu là một trong những đặc tính của bộ máy này, do đó ông thủ tướng ông đe như vậy là tốt. Vấn đề là lời răn đe  phải có sức cải tạo xã hội, cải thiện và minh bạch, phải đưa vào luật, phải có bộ máy kiểm soát chứ còn răn đe không thì ăn thua gì”.

Xưa nay trong cách nhìn của người dân những số liệu đưa ra không chính xác, cán bộ, báo đài, TV đều luôn luôn nói những số liệu đẹp. - Đoàn Bảo Châu

Đối với chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh, bên cạnh yêu cầu không làm đẹp số liệu để lấy thành tích thì chuyện không  cát cứ thông tin cũng quan trọng không kém:

Cát cứ thông tin là giữ thông tin riêng cho địa phương của mình, không chia sẻ ra với các cơ quan khác và với cấp trên. Về việc không được làm đẹp các con số thì chúng ta đều biết các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan địa phương đều muốn có thành tích, vì vậy nên có xu hướng là không báo cáo hết những sai sót khuyết điểm mà lại báo cáo thành tích cao lên”.

“Điều Thủ tướng nhắc nhở tôi nghĩ rất cần thiết, trong quá trình làm việc thủ tướng  chắc là đã có một số kinh nghiệm, đã có phát hiện một số vấn đề để thủ tướng phải nhắc nhở trong khi mở cổng thông tin của Chính phủ”.

Vẫn theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một khi thông tin, dữ liệu và số liệu báo về cổng thông tin điện tử của chính phủ đều trung thực và chính xác như yêu cầu thì Hệ Thống Thông Tin Báo Cáo Quốc Gia là một bước tiến tích cực cho quyền được tiếp cận  thông tin của người dân:

Với thông tin của các bộ, các cơ quan, các địa phương đưa lên thì những nhà chuyên môn và người dân cũng hoàn toàn có thể đối chiếu và xem xét được. Nếu nói rằng tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng lên bằng từng này thì ở Bộ Công Thương tăng bao nhiêu, Bộ Nông Nghiệp tăng bao nhiêu, các tỉnh nào tăng bao nhiêu vân vân… Từ đấy người ta có thể đối chiếu và có thể kiểm định các con số đó có chính xác hay không hoặc có đáng tin cậy hay không. Đấy theo tôi là  một bước tiến bộ  cho quá trình cung cấp thông tin cho người dân”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, cho rằng Hệ Thống Thông Tin Báo Cáo Quốc Gia, là bước cần thiết trong việc xây dựng chính phủ điện tử:

Mức đầu tiên là thu thập thông tin để xứ lý theo các dịch vụ công, thứ hai là thu thập thông tin để tổ chức thành các cơ sở dữ liệu ở tầng thấp trở lên, địa phương, tỉnh, quốc gia. Thủ tướng Việt Nam gọi bằng từ cát cứ là đúng, là vì địa phương này không chia sẻ cho địa phương kia rồi cũng không báo cáo cho trung ương

Thứ hai là ông đặt vấn đề sâu hơn ở chỗ không làm tin giả, không thu thập các dữ liệu giả. Ông nói thế nhằm nêu ra sự thể là bấy lâu nay các cơ quan khác nhau nằm trong chính quyền này đã không chia sẻ thông tin, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu một cách không đầy đủ. Mà như thế thì không có cơ sở để Tổng  Cục Thống Kê hay  chính phủ có  thể tính được các chỉ tiêu đặt ra có đúng không, có thỏa mãn được cái điều kiện thực tế không. Từ đấy người ta xử lý các số liệu bằng phương pháp phức hợp hơn thì nó ra cái kết luận báo cáo, nhất là báo cáo dựa trên số liệu có chính xác không. Thế thì thủ tướng nhắc chuyện đừng làm đẹp số liệu là một, đừng dấu số liệu là hai, là rất đúng”.

Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến ở Hà Nội hôm 26/6/2020
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến ở Hà Nội hôm 26/6/2020 Reuters

Hệ Thống Thông Tin Báo Cáo Quốc Gia cho thấy Việt Nam  đi đúng hướng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử theo xu hướng chung. Đây là khẳng định của giáo sư Hoàng Phước Hiệp, nguyên thứ trưởng Bộ Tư Pháp, thành viên đoàn đàm phán WTO và nay là thành viên đề án chính phủ điện tử :

Thứ nhất là trong khối ASEAN cũng có cơ chế một cửa và có vấn đề chính phủ điện tử, nên Việt Nam cũng phải hộp nhập vào cơ chế đấy. Cái này thực ra đã hoạt động mấy năm nay rồi, bây giờ chẳng qua là mình có đề án để tăng cường nó thôi.”

“Thứ hai là chúng ta đã bước qua cuộc cách mạng 4.0 rồi, đấy là tất yếu khách quan bắt buộc là phải như vậy. Trong thực hiện thì có rất nhiều khâu, khâu phần cứng như máy móc thiết bị này nọ Việt Nam đáp ứng được thôi. Phần này có sự hỗ trợ của bên ngoài rất nhiều, và Việt Nam về khoa học công nghệ những năm gần đây cũng phát triển rất nhanh, cho nên phần cứng của đề án không có gì phải lo”.

“Còn vấn đề phần mềm, tức là trí tuệ và con người,  chắc là phải tăng cường hơn, phải tích cực hơn. Đây là tiêu chí, là đòi hỏi quan trọng, phải quyết tâm thôi chứ không có cách nào hơn cả. Việt Nam cũng thấy là chính phủ điện tử giảm được các chi phí trong hoạt động quản trị Nhà Nước cũng như doanh nghiệp kinh doanh…”.

Được biết theo thông báo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng một năm, trong đó Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia đóng góp trên 6.700 tỷ đồng một năm.

No comments:

Post a Comment