Sunday, April 5, 2020

Việt Nam, kíp nổ đang đợi mồi lửa

Bệnh dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc vào đầu tháng 11 năm 2002, đến ngày 18 tháng 5 năm 2005 WHO mới công bố hết dịch sau khi 3 tuần liên tục không có bệnh nhân mới nào xuất hiện trên toàn thế giới. Như vậy là bệnh dịch này đã kéo dài đến 2 năm rưỡi. Kết quả được thống kê là có 8.096 người bị nhiễm, trong đó có 774 người chết.
Tổng cộng 29 quốc gia có người nhiễm trong đó Việt Nam với 63 trường hợp nhiễm và 5 trường hợp tử vong. Điều đáng nói là bệnh SARS chỉ bùng phát mạnh ở Trung Cộng, rồi Hồng Kông, đến Đài Loan cách biển thì bệnh dịch cũng giảm và gần như quốc gia càng xa Trung Quốc thì càng ít nhiễm. Ở xa Trung Quốc chỉ có Canada là bị nặng nhất nhưng cũng chỉ 251 ca nhiễm và 43 ca tử vong mà thôi. Nếu ghép hình ảnh lại thì có thể nói, Trung Quốc là tâm dịch còn những quốc gia khác chỉ bị “văng miểng” họa lây mà thôi. Quốc gia càng gần Trung Quốc bị càng nặng và sự thiệt hại thì không thể nào vượt qua được ổ dịch Trung Quốc. Với dịch SARS, rõ ràng không hề có một ổ dịch nào khác bùng lên và soán đi ngôi vị số 1 của Trung Quốc, nhưng với COVID-19 thì khác.
Khác với với SARS, thì COVID-19  bùng phát nhanh hơn nhiều, đến nay chỉ mới khoảng 5 tháng mà bệnh dịch này đã lây lan ra toàn thế giới với hơn 1,2 triệu người nhiễm và gần 66 ngàn người chết. Và cho đến hôm nay, chỉ mới 5 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch mà tất cả mọi nước trên thế giới đều đã có người nhiễm. Như ta biết, 5 tháng chỉ bằng 1/6 thời gian bệnh SARS phát tác thôi, vậy mà số người nhiễm của của dịch cúm này đã gấp 150 lần dịch bệnh SARS và số người chết gấp đến 85 lần. Điều đáng nói là SARS chỉ có 1 ổ dịch lớn nhất chính là nơi nó xuất phát -Trung Quốc, nhưng COVID-19 hiện nay đã có đến 5 ổ dịch lớn vượt qua ổ dịch Trung Quốc. Vậy thì qua đây chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy rất rõ ràng, COVID-19 nó đã đang và sẽ tạo ra rất nhiều điểm bùng nổ khắp thế giới chứ không phải chỉ 1 điểm nổ duy nhất như SARS trước đây. Vậy nếu nói SARS là 1 quả bom thì rõ ràng, COVID-19 là cả một kho bom.
Nếu so sánh đồ thị phát triển dịch bệnh thì rõ ràng chúng ta thấy, vào cuối tháng 5 năm 2003, tức khoảng 7 tháng sau khi dịch bùng phát thì đồ thị bắt đầu ngã sang phải, nghĩa là lúc đó bệnh dịch có dấu hiệu chững lại. Vậy mà mãi đến 2 năm sau, WHO mới công bố hết dịch. Còn với COVID-19, sau 5 tháng nhưng đồ thị vẫn cứ thẳng đứng. Nhìn hình dáng đồ thị COVID-19 trong 5 tháng thì rõ ràng ta thấy nó vẫn còn đang phát triển, nó phát triển rất mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu sau khoảng 7 tháng bùng phát thì COVID-19 có thể phát triển chậm lại như SARS không? Đây quả là câu hỏi khó, nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi thì sau 7 tháng phát tác (tức còn 2 tháng nữa) thì dịch COVID-19 chưa thể chững lại được? Vì sao? Vì tôi nghĩ đơn giản là SARS chỉ là 1 quả bom, còn COVID-19 có cả một kho bom và trong đó có rất nhiều quả chưa nổ , trong đó có quả bom Việt Nam. Vậy nên, nếu nói COVID-19 có thời gian phát tác ngắn hơn SARS thì đó mới là chuyện lạ chứ còn nếu nó kéo dài lâu hơn SARS thì đó cũng là điều bình thường thôi.
Dịch kéo dài quá lâu là bất khả kháng, tất nhiên chính quyền nào cũng làm hết sức để ghìm cương con ngựa bất kham COVID-19 này. Thế nhưng xét về tính hiệu quả thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một trong các yếu tố phải kể ra đó là:
Thứ nhất nguồn bệnh rót vào Việt Nam nhỏ giọt hay thác lũ?;
Thứ nhì nhân dân có chủ quan hay không?;
Thứ 3, nhân dân có đủ hiểu biết hay không? Vv.. và nhiều yếu tố khác nữa.
Bỏ qua chuyện chính quyền CS Việt Nam có bưng bít thông tin hay không, thì với thời gian vừa qua, chúng ta thấy dường như nguồn lây nhiễm đến với Việt Nam chỉ là nhỏ giọt chứ không phải là như thác lũ. Đây quả là một sự may mắn cho Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà bệnh dịch ở Việt Nam vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát. Còn nói về việc dân Việt có chủ quan hay không, thì theo quan sát của tôi là đa phần người dân không hề chủ quan. Đây cũng là một cái lợi. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu dân ta có đủ hiểu biết để phòng dịch hay không? Thì không ngần ngại trả lời từ “không”. Vì đơn cử như chuyện người dân đổ xô đi mua xăng tích trữ mà quên đi nguy hiểm do trữ xăng, quên đi nguy hiểm bị lây bệnh thì rõ  ràng có phần không nhỏ dân Việt rất kém hiểu biết. Đây là một mối nguy tiềm ẩn, nếu Việt Nam có nguồn lây thoát ra ngoài mà chính quyền không thể kiểm soát được thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Ngày 2 tháng 4 trên báo Tuổi trẻ có bài “Ổ dịch lớn nhất Việt Nam mất dấu các ca bệnh F0”. Đây rõ ràng là những trường hợp virus “xổng chuồng” đi gieo rắc bệnh tật mà người ta không thể tìm thấy dấu vết. Như vậy thì có thể nói, quả bom COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chờ mồi lửa để kích nổ chứ không phải là Việt Nam “an toàn” như mọi người tưởng. Nếu những con virus xổng chuồng kiểu này mà vẫn không làm cho Việt Nam bùng phát thành ổ dịch thì có thể nói, đấy lại là một lần nữa “trời cứu” dân Việt. Trời đã đẩy mồi lửa ra khỏi tầm kíp nổ chứ chẳng có sự tài giỏi nào của chính quyền mà có thể kiểm soát được những trường hợp như thế này cả. Có thể nói, hiện nay dân Việt Nam vẫn còn đang ngồi trên quả bom chứ chưa thể an toàn, chỉ mong rằng mọi người ý thức hơn nữa để tránh cho Việt Nam nguy cơ trở thành ổ dịch trên thế giới kiểu như Ý hay Tây Ban Nha./.
Đỗ Ngà
Tham khảo:
https://www.thesaigontimes.vn/302017/bao-nhieu-doanh-nghiep-duy-tri-duoc-neu-covid-19-keo-dai.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%8Bch_SARS_2002%E2%80%932004
https://coronavirus.jhu.edu/map.html
https://tuoitre.vn/o-dich-lon-nhat-viet-nam-mat-dau-cac-ca-benh-f0-20200402223615978.htm

No comments:

Post a Comment