SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khoảng 35% số công ty được thăm dò, tương đương 210,000 doanh nghiệp, thừa nhận rằng họ chỉ cầm cự được khoảng ba tháng nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài, 38% cầm cự được sáu tháng, 13% cầm cự được một năm và chỉ 14% có khả năng tồn tại được hơn một năm.
Đây là kết quả cuộc khảo sát, đánh giá tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam tiến hành và được báo Thanh Niên dẫn lại.
Cuộc thăm dò cũng cho hay, những doanh nghiệp vừa và nhỏ “gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.”
“Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất được ghi nhận là: Kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch vì các doanh nghiệp này không có khách, các đơn hàng đặt trước đều bị hủy trong lúc tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải trả. Các công ty sản xuất, xây dựng gặp khó khăn do không nhập nhẩu được nguyên vật liệu từ nước ngoài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Mặt khác, hàng hóa sản xuất ra không xuất cảng được, hoặc xuất đi rồi lại bị trả lại do bị hủy đơn hàng vì nằm trong vùng dịch bị cách ly.”
“Họa vô đơn chí,” báo Thanh Niên cho biết thêm rằng các doanh nghiệp trong lúc khốn đốn muốn được giãn nợ thì họ “phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho… mới được xem xét.”
Các công ty muốn xin giảm lãi suất thì ngân hàng trả lời chưa có thông tin cụ thể hướng dẫn. Một số doanh nghiệp vẫn nhận được lệnh kiểm tra của cơ quan quản lý thuế dù đã có chỉ đạo của Chính Phủ CSVN về việc tạm dừng thanh tra khi các công ty này không có dấu hiệu vi phạm…
Các báo nhà nước liên tục đưa tin Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ Thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp không dễ tiếp cận được gói cứu trợ, cấp vốn vay ưu đãi của nhà nước.
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật trường hợp ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Tập Đoàn Nafoods chuyên chế biến trái cây, liên lạc với ngân hàng để xin giãn nợ thông qua gói tín dụng trợ giúp của Chính Phủ CSVN lên tới 250,000 tỉ đồng ($10.6 tỉ).
Ông Hùng nói: “Tôi được trả lời là [vốn vay] sẽ trở thành nợ xấu, sau này khó khăn nên đừng có kêu. Nghe ngân hàng nói vậy nên tôi ngừng luôn, đành tự tìm cách khắc phục để duy trì hoạt động. Thế nhưng nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè tôi cho biết phải vay nóng bên ngoài bởi không tiếp cận được vốn ngân hàng trong khi lãi suất vay ngoài rất cao, cứ 1 triệu đồng ($42.4) thì lãi lên tới 3,000 đến 5,000 đồng ($0.13 – 0.21)/ngày.”
Tờ Tuổi Trẻ cũng viết thêm rằng một số doanh nghiệp liên lạc với ngân hàng để vay vốn ưu đãi giúp ứng phó COVID-19 nhưng chỉ nhận được phản hồi đại loại như “chưa có thông tư hướng dẫn,” “có thông tư nhưng ban lãnh đạo chưa chỉ đạo nên chưa biết hướng giải quyết.” (N.H.K)
No comments:
Post a Comment