Sunday, April 5, 2020

Bao giờ mới thoát khỏi vỏ ốc “thiển cận“?

Lúc 0 giờ 30 phút sáng ngày 24 tháng 3 năm 2013, tại căn nhà số 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, Sài Gòn phát ra tiếng nổ vang trời, và sau 5 phút thêm một tiếng nổ nữa cũng từ căn nhà đó. Ngay lập tức cả 3 căn nhà gồm căn 384/7A, 384/7A và 384/9 bị thổi bay và lửa bốc cháy dữ dội trùm lên 4 căn liền kề. Kết quả là 2 vợ chồng chủ nhà 384/7 chết kéo theo 3 đứa con và 1 người giúp việc cũng chết thảm. 2 căn nhà bên cạnh cũng có đến 4 người chết và 3 người bị thương. Như vậy vụ nổ này đã thổi bay tổng cộng 10 mạng người. Khủng khiếp!
Đấy là câu chuyện thương tâm của 7 năm về trước. Người chủ căn nhà 384/7 tên là Lê Minh Phương, 58 tuổi, biệt danh là “Phương khói lửa”. Nghề nghiệp của ông này là Giám đốc công ty Lạc Việt, chuyên phụ trách các hiệu ứng cháy nổ trên phim trường. Chính ông Phương đã trưng dụng căn nhà của mình để trữ thuốc nổ nhằm phục vụ cho công việc. Sự chủ quan đã đưa đến hậu quả thảm khốc. Điều đáng trách là, ông Phương không chọn dùng kho bãi ở nơi an toàn để trữ mà lại dùng ngay căn nhà của mình chứa thuốc nổ để “tiết kiệm” tiền bạc và công sức. “Nhà đủ không gian trữ thuốc nổ tại sao không tận dụng?”, có lẽ ý ông ta là vậy. Nhưng tiết kiệm được bao nhiêu cũng không thể bù vào cái giá của 10 mạng người. Chuyện này từng gây xôn xao dư luận một thời, thế nhưng đến hôm nay liệu còn có bao nhiêu người nhớ về nó như một bài học?
Tiết kiệm một vài đồng để đổi lấy rủi ro lớn liệu có đáng? Không biết người Việt chúng ta sao cứ mãi thả con tôm bắt con tép như vậy? Như ông Phương Khói Lửa, tiết kiệm chi phí khi tận dụng căn nhà của mình làm kho trữ thuốc nổ là cái lợi nhỏ, là con tép. Còn sự an toàn cho cả gia đình và hàng xóm xung quanh là con tôm lớn, là cái lợi lớn thì ông lại thả. Đây là mẫu số chung cho số đông người Việt chúng ta chứ không riêng gì một mình ông Lê Minh Phương.
Cách đây khoảng 5 năm, có một đêm tôi ở lại nơi làm việc. Lúc ấy một nhóm công nhân thân quen bày tiệc nhậu và mời tôi. Khi dọn ra bàn nhậu tôi thấy có một bếp ga mini rỉ sét nhìn rất mất an toàn. Tôi nói “Tụi bay đi kiếm bếp ga khác đi, nhìn bếp ga này thì nguy hiểm quá”. Thế là một đứa trong nhóm bèn đáp “Không sao đâu anh, bếp ga này em xài đã hơn 2 năm nay nó không nổ bao giờ, anh an tâm đi”. Câu trả lời bất ngờ của cậu công nhân làm tôi như cứng họng và không biết phải giải thích sao với nó cả. Thế đành buông một câu “Tao lạy mầy!” rồi chuồn thẳng. Sáng hôm sau cũng cậu đó gặp tôi trách móc, “Hôm qua tụi em nhậu suốt đêm có sao đâu? Anh nhát quá! Cái gì cũng sợ.”. Thế là lại một lần nữa tôi cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài câu “Tao lạy mầy!”.
Vâng! Khi xảy ra sự chọn lựa giữa tiết kiệm và an toàn thì mọi người nên nhớ, tiết kiệm là thứ có thể đo lường giá trị còn sự an toàn là vô giá. Không nên vứt đi những thứ vô giá chỉ vì tham vài đồng tiết kiệm. Ông Phương khói lửa là tầng lớp trên của xã hội, mấy cậu công nhân kia là tầng lớp thấp của xã hội. Đáng lẽ ra giữa 2 tầng lớp này phải có sự nhận thức khác nhau chứ? Nhưng không! Dường như giữa họ đang có sự đồng phục trong nhận thức về vấn đề chọn lợi nhỏ hiện hữu và bỏ đi cái lợi lớn đang ẩn giấu. Có thể nói cả xã hội Việt Nam cho đến nay và không biết đến bao giờ mới có thể bứt ra khỏi 2 chữ “thiển cận” đây? Khó quá!
Được biết, hôm nay ở một số địa phương, người dân Việt Nam đang đổ xô đi mau xăng dự trữ vì họ nghe được tin đồn rằng “các cửa hàng sắp đóng cửa do Covid-19”. Tin đồn không biết là đúng hay sai, nhưng cứ giả sử cho là đúng đi thì mỗi người dân có cần phải mua một biển lửa tiềm ẩn về nhà để trữ không? Lợi do xăng mang lại chỉ sự thuận tiện trong công việc, còn hại lớn hơn sao lại không chịu thấy? Trữ xăng có thể cháy nhà, có thể phải làm người ta chết cháy sao họ lại không nghĩ đến chứ? Thật là không thể nào hiểu nổi.
Chắc chắn rằng, trong số người mua xăng ấy cũng có rất nhiều người là tầng lớp khá giả và trung lưu, những tầng lớp mà đáng lí ra họ phải làm gương tốt cho tầng lớp ít hiểu biết hơn noi theo thì ngược lại, họ cũng hùa chung với suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết. Đó là một thực trạng đáng buồn. Tất nhiên, trong xã hội Việt Nam cũng không thiếu người suy nghĩ đúng, nhưng rất tiếc phần này chỉ là thiểu số. Chính vì thế mà đất nước có gần 100 triệu dân nhưng vẫn là nước nhược tiểu. Nghe cũng xót lắm, nhưng nghĩ ra, âu cũng có cái lý của nó./.

No comments:

Post a Comment