‘…Hai trăm ngàn người sẽ rửa chân lên bàn thờ vẫn không làm chúng nó nao núng. Mọi ngã đường đều dẫn đến nghĩa địa thế thì làm mặt nghiêm trang bón táo cũng hổng thoát số trời…’
Hôm qua inbox thăm hỏi một người bạn cũ ở Âu Châu. Câu chuyện bỗng lái đến đề tài trận đại dịch coronavirus và người bạn cùng đồng ý về một triết lý sống. “Vừa đi vừa khóc hay vừa đi vừa hát đều dẫn đến nghĩa địa như nhau”.
Đó cũng là một triết lý sống của người Mỹ. Không hốt hoảng rên la trước sự đe dọa. Tòa Bạch Ốc ước tính có khoảng trên 200 ngàn người sẽ về miền cực lạc trong trận đại dịch này nhưng quần chúng Mỹ hình như vẫn thản nhiên vẫn lạc quan và yêu đời.
Mỗi ngày theo dõi các con số mà hổng khỏi giựt mình. Không phải vì sợ hãi mà vì ngạc nhiên nếu phải so sánh với các báo cáo của China.
Hoa Kỳ mới bắt đầu thử nghiệm khoảng hai tuần nay và chỉ ưu tiên cho những người có triệu chứng thế mà con số tăng vọt từ vài ngàn người được ghi nhận dương tính đến trên 200 ngàn người và số chết từ vài chục tăng lên trên 5000. Các bác sĩ ở Bạch Cung là những nhà khoa học không nói láo và quen cách tính toán chuyên môn nên đưa ra con số chết trên 200 ngàn là điều dễ hiểu.
Trong khi đó China có dân số 1.4 tỷ người đông gấp 4 lần Hoa Kỳ. Dân chúng Hoa Lục lại sống chen chúc trong những chung cư chật hẹp. Họ dùng phương tiện di chuyển công cộng nhiều hơn. Ăn uống quây quần thò đũa gắp thức ăn cộng đồng và khạc nhổ bừa bãi v.v. Thế mà chỉ có trên 80 ngàn người bị nhiễm và chỉ có trên 3000 người quy tiên. Bái phục cho người Đại Hán có nhiều nội công.
Hôm qua hàng không mẫu hạm U.S.S. Theodore Roosevelt của Hoa Kỳ phải cập bến Guam để hàng ngàn thủy thủ phải vào khu cách ly. Chiếc hàng không mẫu hạm này vừa mới viếng thăm Việt Nam mà đã bị lây nhiễm coronavirus gần 100 người. Trong khi đó toàn nước Việt Nam chỉ có vài trăm người bị nhiễm và không có ai chết. Không dám phạm thượng chụp mũ nhà cầm quyền Việt Công báo cáo láo về số người lây nhiễm, nhưng phải chăng một dân tộc bách chiến bách thắng kia đã làm tê liệt cả một tàu sân bay có hàng trăm máy bay chiến đấu tối tân và gần 5000 thủy thủ?
Khi thế chiến thứ hai bùng nổ. Hoa Kỳ nhập trận muộn màng. Trên chiến trường Châu Âu xe tăng hàng đầu của Mỹ là M4 Sherman chỉ để gãi ngứa xe tăng Tiger có nòng pháo 88 mm của Đức Quốc Xã. Và lính Đức thiện chiến và hung dữ hơn binh sỹ Mỹ.
Trên chiến trường Thái Bình Dương cũng vậy. Hoa Kỳ nhập trận với chỉ bốn hay năm chiếc hàng không mẫu hạm trong khi đó Nhật có cả mười mấy hàng không mẫu hạm lớn nhỏ. Và phi công Zero của Nhật có nhiều kinh nghiệm hơn vì đã chiến đấu và làm chủ vùng trời Đông Á.
Nhưng chỉ khoảng bốn năm ngắn ngủi Hoa Kỳ đã chiến thắng Đức Quốc Xã và quân phiệt Nhật vì nguồn tiếp liệu vô tận. Vì Hoa Kỳ uyển chuyển sáng tạo và dễ dàng thích ứng với mọi hoàn cảnh hơn bộ máy quan liêu cứng ngắc của Đức và Nhật.
Nội công của Hoa Kỳ còn là sự đoàn kết và lòng yêu nước. Trong thế chiến thứ hai thanh niên Mỹ nhập ngũ ra chiến trường còn phụ nữ ở nhà làm việc đêm ngày trong các nhà máy sản xuất võ khí. Tổng Thống Mỹ thời ấy rất có uy tín với toàn dân.
Trận dịch coronavirus mà TT Donald Trump gọi đó là “kẻ thù vô hình”. Kẻ thù này nguy hiểm hơn Đức Quốc Xã và quân phiệt Nhật ở thế chiến thứ hai. Nguy hiểm hơn Al-Qaeda và IS, vì chúng đã xuyên thủng phòng tuyến của Hoa Kỳ. Chúng đã tràn nhập trên toàn lãnh thổ Hiệp Chủng Quốc và làm tê liệt guồng máy kinh tế hùng mạnh nhứt thế giới.
Hơn lúc nào hết mọi công dân Hoa Kỳ phải đoàn kết dẹp bỏ tị hiềm đấu đá đảng phái cục bộ. Phải bao dung và nhân văn vì đó là đặc tính của người Mỹ. Ăn miếng trả miếng, rình rập bắt lỗi lẫn nhau từng sơ hở tiểu tiết là phong tục Á Châu, hãy giao trả thói quen ấy về với cố quốc.
Trong cuộc họp báo ở Bạch Cung hôm kia. Anh Jim Acosta của CNN nổi tiếng là hay đặt những câu hỏi móc họng nếu không nói là xấc xược hỗn láo đi ra ngoài tác phong chuyên nghiệp của một nhà báo. Anh ấy tái xuất hiện thế chỗ cho một đồng nghiệp CNN. Jim Acosta đặt rất nhiều câu hỏi nhưng lần này anh ta nghiêm túc và nội dung các câu hỏi không nhằm gài bẫy hay khiêu khích. Ông Trump trả lời đầy đủ và thân mật gọi anh nhà báo “Fake News” là Jim. Đó là một hình ảnh hòa thuận tha thứ của người Mỹ trong đại nạn.
Xã hội Hoa Kỳ đang bị phong tỏa “lockdown”, có nơi rất nghiêm khắc ai đi lạng quạng tụ tập nơi công cộng sẽ bị phạt 5000 đô la và một năm tù. Thủ đô Washington mùa hoa anh đào thường đông nghẹt du khách, nay trở nên hoang vắng ảm đạm.
Vẫn phải đi làm mỗi ngày vì một số công việc cần làm. Trong cuộc đại bế môn tỏa cảng này mà đi mần mới thấy được những điều kỳ lạ của nước Mỹ.
Lái xe đến sở chỉ 10 phút thay vì 45 phút. Xa lộ hoang vắng nên có thể vừa lái vừa ngắm phong cảnh hữu tình hai bên mà hổng sợ húc vào đít xe phía trước và nhứt là không bực tức văng tục vì bị kẹt xe hay bị những đứa khác cắt ngang trước mặt. Vào cổng mấy tên an ninh đeo súng ngắn mặc áo giáp thường ngày lầm lì mắt láo liêng đe dọa nay nhoẻn miệng cười thân thiện.
Trong tòa nhà, ngày thường khi chưa bị phong tỏa nhân viên đông như kiến cỏ lúc nào cũng làm ra vẻ quan trọng, bi giờ như cái nhà mồ lạnh lẽo. Nếu hổng sợ ma thì đây đúng là một mình một cõi rất đã. Ăn mặc xốc xếch hàm râu một tháng chưa cạo giống hải tặc thì được khen “rất được”.
Chỉ còn có mấy mống. Có thằng Mỹ đồng nghiệp thường ngày mình không ưa vì nó nói nhiều và hay bullshit nhưng bi giờ thì bỏ qua. Nó lân la vào phòng tán dóc giỡn cợt vì buồn tẻ. Nó cứ xấn tới gần mà còn húng hắng ho mới ghê chớ. Phải nhắc nó mày đứng ở cửa nói chuyện được hông. Đừng tới gần tao dưới 6 feet nhe.
Còn một đứa nữa rất ghét là thằng sếp vì lúc nào cũng căng thẳng như táo bón. Mấy hôm nay nó cũng chạy vào sở họp hành nhưng đùa giỡn nhiều hơn lúc trước. Hôm qua mắc tè định vào toilet thì thấy thằng sếp đi vù qua mặt vào phòng vệ sinh trước nên đứng ngoài đợi nó làm nhiệm vụ xong rồi mới vào vì thằng này cũng hay ho khan nên rất sợ phải đứng đái bên cạnh nó. Nó làm xong mặt tươi rói đi ra thấy mình đứng đợi với khuôn mặt nặng nề nên chọc “Mầy đứng đợi em nào đó”. Dzô dziêng chưa.
Mấy thằng Mỹ này vẫn ngày ngày vào sở. Hai trăm ngàn người sẽ rửa chân lên bàn thờ vẫn không làm chúng nó nao núng. Mọi ngã đường đều dẫn đến nghĩa địa thế thì làm mặt nghiêm trang bón táo cũng hổng thoát số trời.
Ba (3) giờ chiều trời gió lạnh, rời sở vác cái máy chụp hình đi bộ lang thang tới Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Viẹt Nam, Vietnam Memorial. Bầu không khí ở đây mát lạnh và trong lành quá vì không còn ô nhiễm nữa. Những con chim lớn bay lượn trên cao. Không gian im lìm tĩnh mịch nhưng rất hùng tráng. Một vẻ đẹp lạnh lùng hoang vắng như mùa đông, nhưng giờ là mùa xuân có những cánh hoa anh đào bay lã chã trong gió.
Bông Lau
No comments:
Post a Comment