Sunday, April 5, 2020

Người Sài Gòn góp gạo, chia cơm trong dịch COVID-19


Một số người đến nhận cơm cho cả gia đình, vì khi ngưng công việc bán vé số thu nhập của cả gia đình họ hầu như bằng 0. (Hình: Trần Kim Anh/Thanh Niên)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lệnh tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong dịch COVID-19 khiến nhiều người nghèo ở Sài Gòn càng rơi vào bi kịch. Nhiều tấm lòng vàng đã chung tay giúp đỡ họ qua cơn khốn khó bằng những phần cơm, túi gạo.
Đến nhận cơm, mỗi người phải giữ khoảng cách an toàn với nhau theo vạch đỏ đã được vạch sẵn trên mặt đường. Tại quán, nước rửa tay và khẩu trang vải cũng được chuẩn bị sẵn.
Cô Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 10, bán vé số từ năm 12 tuổi đến nay) nghẹn ngào: “Giờ không được bán vé số, tôi phải đi lượm ve chai mà bị xe đụng nên giờ không đi lại nhiều được. Lâu lâu, tôi phải đi xin hàng xóm miếng cơm nguội để ăn. Trước đây nếu bán ế tôi có thể đi xin phụ quán rửa chén được còn bây giờ không ai mở để thuê mình rửa nữa.”
Theo báo Thanh Niên, từ 9 giờ sáng 2 Tháng Tư, hàng dài người lao động nghèo, người bán vé số, người vô gia cư đã đứng xếp hàng ở mép đường Ngô Quyền (quận 10) để đợi nhận cơm từ thiện của quán ăn Bình An.
Trước đó, hôm 31 Tháng Ba, quán ăn Bình An đã phát miễn phí hơn 50 phần cơm cho người khó khăn trong dịch COVID-19. Cảm kích với hành động này, nhóm từ thiện Cát Tường do chị Trần Mộng Phương Thảo làm trưởng nhóm đã kết nối và trao nhiều phần cơm hơn đến người khó khăn. Riêng ngày 1 Tháng Tư đã có hơn 1,100 phần cơm được phát miễn phí.
Trước khi nhận phần cơm, nhân viên giúp người nhận rửa tay sạch sẽ, ai thiếu khẩu trang sẽ được hỗ trợ. (Hình: Trần Kim Anh/Thanh Niên)
Chị Nguyễn Thị Diệp Thúy (ngụ quận 11) tìm đến quán để quan sát cách hoạt động, sau đó chị âm thầm đi mua hơn 30 kg gạo đến để ủng hộ cùng quán giúp người nghèo.
“Mình thấy quán phát cơm miễn phí cho người bán vé số nghèo nên cảm kích quá. Vì vậy mình mua ít gạo chia sẻ cho bà con, nhiêu đây chắc ăn cũng được ít ngày. Mình ủng hộ do tâm của mình thôi, từ đây đến thời gian tới mình ủng hộ được gì thì vẫn sẽ tiếp tục,” chị Thúy tâm sự.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Minh Hưng Group (quận 11) khi nhận được thông tin cũng đã tới để ủng hộ nhiều phần bánh cho người nghèo. Anh Huỳnh Hữu Thiện (nhân viên của Minh Hưng Group) cho biết: “Thấy thông tin quán phát cơm miễn phí trên mạng nên bên mình có mang đến ủng hộ một ít bánh và phối hợp với quán để làm thêm 50 phần cơm nữa cho bà con, tổng cả hôm nay là 300 phần bánh và hơn 50 phần cơm.”
Quán ăn Bình An (quận 10, Sài Gòn) thay vì bán cho khách hàng như mọi ngày thì từ ngày 31 Tháng Ba mở cửa tặng cơm miễn phí cho người bán vé số. (Hình: Trần Kim Anh/Thanh Niên)
Chỉ trong vòng 30 phút mở phát, quán ăn Bình An đã phát ra hơn 300 phần cơm cho người bán vé số, người lao động nghèo.
Bà Ngô Bích Thủy (quận 8) đứng đợi nhận cơm đợt 2 kể: “Tôi bán vé số nhưng giờ phải nghỉ nên hai bà cháu ở với nhau không có việc gì làm, mẹ cháu bỏ đi còn ba thì mất rồi. Mấy hôm nay, tôi ở nhà rồi không có gì ăn nên nghe tin ở đây phát cơm liền nhờ người chở qua đây. Tôi cũng lang thang đi kiếm mấy nơi nhưng mà không có. Giờ mà không nhận được cơm thì nhịn thôi, về pha bát mì gói được người ta cho để đứa cháu tôi ăn.”
Thông điệp quán Chay Nhà Tôi gửi đến người nhận: “Nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu ổn xin hãy nhường.” (Hình: Trần Kim Anh/Thanh Niên)
Báo Thanh Niên kể thêm, ngay trung tâm thành phố, quán Chay Nhà Tôi trên đường Trần Đình Xu (quận 1) chuẩn bị nhiều gói quà, phần cơm và được anh Nguyễn Đình Bảo Long cùng các nhân viên gửi đi khắp nơi, chia cho người nghèo.
Ngày đầu tặng cơm miễn phí, quán Chay Nhà Tôi đã chuẩn bị 1 tấn gạo, 100 thùng mì và nấu nồi cháo lớn cùng món cơm dương châu để giúp người nghèo.
Anh Long nói người bán vé số không có tiền dư, bán sáng ăn sáng, bán chiều ăn chiều nên ngừng bán là họ sẽ đói liền. Do đó anh tự nhủ mình phải giúp họ.
“Ngày nào mình mua được gì thì mình tặng cái đó, đa số người nhận là người bán vé số, vô gia cư, ai khổ mới đến đây nên là mình phát thôi. Mọi chi phí mình đều tự bỏ tiền túi ra nhưng may mắn mình được gia đình, bạn bè và cộng đồng mạng hỗ trợ thêm chứ một mình mình cũng khó. Mình cố gắng mỗi ngày ít nhất tặng được 1 tấn gạo và mình cũng không biết có thể tặng tới bao giờ bởi số tiền này không phải tiền có sẵn, mà là tiền góp từng ngày một,” anh Long chia sẻ.
Chị Diệu Đức nấu những mẻ cơm chay từ sớm đến trưa để phục vụ người nghèo. (Hình: Trần Kim Anh/Thanh Niên)
Là một nhân viên chế biến của quán, chị Diệu Đức bắt đầu chuẩn bị thức ăn từ sáng sớm, và ở lại ngay tại quán để thực hiện công việc này tốt hơn.
“Mình nấu ăn cho quán, đợt này có làm từ thiện nên mình nấu nhiều hơn. Vì tâm niệm mình thích nấu cho người khác ăn nên mình nấu nhiều cũng thấy rất vui chứ sáng tới giờ làm nhiều đếm không nổi,” chị Đức kể.
Việc phát cơm tình nguyện của anh Long và quán Chay Nhà Tôi đã thực hiện hơn 1 năm nay nhưng trong dịch COVID-19 này cùng với lệnh tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết đã khiến mỗi phần ăn miễn phí là một món quà ý nghĩa. (TS)

No comments:

Post a Comment