Saturday, April 11, 2020

Trí khôn của độc tài


Hồi 20/3, công an Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu dân chúng bằng cách cho đồn công an ở đường Zhongnan, nơi đã bắt giữ bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng), sau khi ông lên tiếng cảnh báo những ca bệnh Covis-19 đầu tiên xuất hiện. Một làn sóng phẫn nộ và chí trích chính quyền đã lan nhanh, không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới, sau khi bác sĩ Li Wenliang qua đời do chính căn bệnh mà ông cảnh báo. Để chứng tỏ là chính quyền Trung ương không làm sai, mà chỉ có cấp dưới, trưởng công an và các công an viên ở đồn Zhongnan đã phải kiểm điểm và xác nhận là đã “ban hành các hướng dẫn không phù hợp”.
Dĩ nhiên, cấp trên của các chế độ độc tài không thể sai. Phía dưới của họ, luôn luôn có những con tốt thí nhưng các công an viên ở đồn Zhongnan.
Nhưng những câu chuyện sai lầm và phản ứng của cả thế giới không xoay chuyển gì được bản chất thật của hệ thống độc tài. Một mặt thì rửa tay với cái chết của bác sĩ Li, một mặt khác công an Trung Quốc phát động chiến dịch trừng phạt tất cả những ai đã viết, đã lên tiếng hay ghi chép trung thực về những gì đã diễn ra trong đại dịch. Nhiều người đã bị cảnh sát đến nhà đưa đi, không thấy trở về. Ông Ren Zhiqiang (Nhậm Chí Cường), một doanh nhân thành đạt ở Trung Quốc sau nhiều bài chỉ trích Tập Cận Bình, và khẳng định rằng Bắc Kinh có hẳn một bộ chinh sách ngầm về việc tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng, cũng đã bị đưa đi trong thời gian chống dịch tại Vũ Hán. Giáo sư Luật tại Đại học Thanh Hoa Xu Zhangrun(Hứa Chương Nhuận), một người rất nổi tiếng, cũng đã bị cách chức và có thể sẽ bị bắt, sau khi viết bài phê phán cách chống dịch của Trung Quốc. Rất nhiều người khác, ít tên tuổi hơn, đã không còn thấy xuất hiện nữa, theo những cách viện dẫn luật rất mơ hồ.
Người bị tấn công mới nhất là nhà văn Fang Fang (Phan Phan). Bà cho đăng tải nhật ký những ngày bị phong tỏa ở Vũ Hán, và thu hút người xem đến mức độ kinh ngạc. Trang blog của bà, có đến hơn 3,8 triệu người theo dõi, đã bị đóng sau bài viết cuối vào tháng hai, có đến 380 triệu người xem trên Weibo, 94.000 lời bình và 8,210 trang đăng lại. Nhưng ngay sau đó, những bài viết đã được nhà xuất bản Harper Collins mua bản quyền và xuất bản thành sách, in bằng 2 thứ tiếng Anh và Đức, lan tỏa khắp thế giới. Dĩ nhiên, đổi lại, bà Phan Phan bị tấn công, sỉ nhục và bị kêu gọi phải bỏ tù, từ một lực lượng tuyên truyền hạ cấp và rẻ tiền thân chính quyền.
Trong một bài viết của bà, có đoạn – mà vốn dấy lên sự tức giận của giới tuyên giáo – “đã thật sự có bao nhiêu người chết ở Vũ Hán, và không có ai chịu trách nhiệm về sai lầm này. Nhưng mới đây, tôi đọc thấy một nhà văn còn viết rằng “đã hoàn toàn chiến thắng”, họ đang nói về chuyện gì vậy?”.
Những điều kể trên, nhắc rằng, trong mọi tình huống, dù đang kêu gọi lòng ái quốc hay vì mục tiêu cao cả nào đó, các nhà cầm quyền độc tài không bao giờ ngừng thi hành các chính sách tấn công vào con người hay mọi ý kiến khác biệt. Đó là một chính sách bất biến, và luôn luôn phát triển các thủ đoạn theo thời gian.
Việt Nam, trong những giai đoạn được gọi là cam go chống lại dịch Covid-19, đã có không ít những vụ bắt bớ liên tục về các tội danh như âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, mà những nhân vật ra tòa, phần lớn là những người lớn tuổi ở nông thôn, người miền Thượng… mà những công việc của họ, phần lớn là vận động bằng ngôn ngữ cho một tổ chức chính trị nào đó mà họ tin, đang ở Mỹ. Những hoạt động mà nói cho rõ, không bắt hôm nay, lúc nào cũng có thể bắt được theo cách luận tội luôn không cho nói lại của tòa án nhà nước. Đáng nói, là cũng trong giai đoạn đó, chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi hoạt động quốc gia đều tạm dừng, chỉ để tập trung chống dịch.
Cũng trong thời gian này, nhà cầm quyền lại cho ban hành nghị định 15/2020/NĐ-CP, một loại luật như lưới phủ trên đầu, dầy thêm sau khi đã có luật an ninh mạng.
Đây là nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu điện, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Bên cạnh các chi tiết bình thường về hoạt động dân sự, giao thương… nghị định còn cài đặt một số điều mơ hồ để buộc tội, nhằm trong số điều 99, 100, 101, 102….
Ông Nguyễn Trường Sơn, nhà hoạt động thuộc tổ chức Amnesty International, viết trên trang facebook của mình, về việc ra đời của luật này :” Việc ban hành một nghị định có ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền tự do của công dân, và hoạt động của các công ty công nghệ, đáng nhẽ ra cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Đằng này, có vẻ như chính quyền muốn lợi dụng tình hình dịch bệnh, khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào các ca lây nhiễm, để rồi thừa cơ ban hành nghị định tai hại này”.
Điều 99 (3a) của nghị định, có ghi xử phạt về “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Điều 99 (3đ) có ghi, xử phạt về “Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”.
Điều 100 (2b) có khi, xử phạt về “Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 100 (3a) xử phạt “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Liên tục những điều luật mơ hồ như vậy, người dân không thể chứng minh, nhưng nhà cầm quyền thì có thể tùy tiện áp đặt, xuất hiện trong các chi tiết của nghị định. Càng về sau, càng mơ hồ, như ở Điều 101 (1h) xử phạt về “Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm”. Hoặc như ở Điều 102 (7b) thì xử phạt “Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Không cần phải để các diễn biến thực tế xuất hiện, người ta có thể hình dung một xã hội truyền thông của Việt Nam tương lai sẽ như thế nào. Và cũng giống như số phận những người nói lên sự thật tại Trung Quốc, giới tuyên truyền tay sai sẽ là những nhóm đấu tố trên các trang mạng, gọi tên, gọi sự việc mà luận điệu quen thuộc sẽ là “theo đòi hỏi của đông đảo quần chúng nhân dân”, những nạn nhân của hệ thống điều luật mơ hồ và không có tư pháp độc lập sẽ nối đuôi nhau ra trước vành móng ngựa. Xích từ Trung Quốc nhưng như đang nối dài đến Việt Nam.
Hãy đọc nhiều hơn những câu chuyện Trung Quốc, sẽ thấy, có những điều rất lạ, rồi sẽ thấy trở thành quen.
Và có những điều nhất định không thể quen, vẫn phải chấp nhận, dù rất lạ.

No comments:

Post a Comment