HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Lợi dụng bệnh dịch, các thế lực thù địch, phản động cũng gia tăng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Nếu không sớm kiểm soát bệnh dịch sẽ gia tăng tâm lý bất ổn, hỗn loạn trong xã hội, tiềm ẩn điểm nóng về an ninh trật tự và tác động tiêu cực đển ổn định chính trị, xã hội,” ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An CSVN, được báo VietNamNet dẫn lời hôm 10 Tháng Tư.
Bên cạnh đó, ông Tô Lâm cũng cho hay: “Có các đối tượng [từ ám chỉ ‘người có hành vi phạm pháp’] lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền sai sự thật về bệnh dịch, gây tâm lý bất an, hoang mang, tạo tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.”
Báo này mô tả đây là hai trong sáu “nỗi lo” mà người đứng đầu Bộ Công An CSVN bày tỏ tại hội nghị trực tuyến giữa chính phủ với các địa phương.
Phát ngôn của vị đại tướng công an được hiểu là nhà cầm quyền CSVN cương quyết không cho giới xã hội dân sự góp phần vào việc trợ giúp nhóm người yếu thế, bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch COVID-19.
Đến nay, nhà cầm quyền CSVN giao cho Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam làm nơi độc quyền nhận tất cả các khoản đóng góp chống bệnh dịch COVID-19 bằng hiện kim, hiện vật từ phía doanh nghiệp, người dân. Mọi lời kêu gọi gây quỹ từ thiện độc lập nhằm trợ giúp đồ bảo hộ cho y bác sĩ từ giới blogger hoặc giới xã hội dân sự đều bị xem là không có tính chính danh.
Một trong số đó, Nhà Xuất Bản Tự Do, nơi in sách không qua kiểm duyệt của CSVN, thông báo trên trang fanpage về việc họ trích một phần doanh thu từ việc bán sách để chuyển gạo đến ủng hộ một số quán cơm xã hội, cũng như trao tận tay những suất quà cho các hộ gia đình nghèo neo đơn ở một số khu lao động. Mỗi suất quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn và một số thực phẩm, nhu yếu phẩm khác.
Tuy vậy, trên thực tế, không dễ để các tổ chức dân sự đi phát quà suôn sẻ cho người nghèo mà không có sự kiểm soát từ phía chính quyền.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang chia sẻ trên trang cá nhân: “Rất nhiều lần, mọi thiện ý, mọi nỗ lực của xã hội dân sự nhằm cứu trợ, giúp đỡ người dân đều nhận được ánh mắt cảnh giác và câu hỏi ‘auto’ từ công an, dân phòng, chính quyền địa phương: Anh/chị ở tổ chức nào? Anh/chị có động cơ, mục đích gì? Tại sao anh/chị không mang đồ sang bên Mặt Trận Tổ Quốc hay Ủy Ban Nhân Dân phường, tập trung vào đấy, mà lại tự đi phát?”
Tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” viết thêm: “Chúng tôi muốn kiềm chế tất cả những ức chế, giận dữ, phẫn nộ, để hỏi các vị một câu: Hãy để yên cho xã hội dân sự phát triển, có được không? Hãy để Hà Nội và các tỉnh thành khác được tự hào vì tinh thần hào hoa, nghĩa hiệp như Sài Gòn, được không?” (N.H.K)
No comments:
Post a Comment