Saturday, April 11, 2020

Nhiều điểm bất thường về cái chết ‘té lầu’ của chuyên gia ngân hàng ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong đơn đề nghị khởi tố vụ án, vợ chuyên gia ngân hàng nghi “bị ép nhảy lầu tự sát” ở huyện Nhà Bè chỉ ra nhiều điểm bất thường và uẩn khúc trong cái chết của chồng mình, đặc biệt là những mâu thuẫn của ông với các đồng nghiệp.
Ngày 10 Tháng Tư, bà Nguyễn Thanh Bích (45 tuổi), vợ Tiến Sĩ Bùi Quang Tín (44 tuổi, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh), luật sư kiêm giảng viên trường Đại Học Ngân Hàng; chủ tịch kiêm giám đốc điều hành trường Doanh Nhân Bizlight, nạn nhân nghi bị một nhóm người “bức tử ép nhảy lầu tự sát” ở khu chung cư New Saigon, huyện Nhà Bè, đã ủy quyền cho Luật Sư Nguyễn Văn Quynh gửi đơn lên Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân ở Sài Gòn, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để điều tra về cái chết của chồng bà.
Theo báo Người Lao Động, trong đơn gửi giới hữu trách, bà Bích yêu cầu xem xét ba vấn đề chính: Thứ nhất, bà Bích đề cập đến việc chồng bà chịu nhiều sức ép trong quá trình công tác. Kế đến bà Bích nói rằng việc chồng bà được cho là té ngã là hết sức phi lý, bất thường, có nhiều uẩn khúc cần làm rõ. Và sau cùng, theo bà và gia đình thì dấu vết tại hiện trường cũng có điểm bất thường, bà đặt nghi vấn chồng bà chết trước khi rơi xuống lầu.
Theo báo VNExpress, việc ông Tín chết nghi rơi từ tầng 14 nơi có căn hộ của ông Trần Việt Dũng (32 tuổi), viện trưởng Viện Đào Tạo Quốc Tế trường Đại Học Ngân Hàng, cũng không phải do vô ý ngã, vì lan can ban công cao đến 1.4 mét trong khi ông Tín chỉ cao 1.6 mét.
Khi gia đình chứng kiến Công An huyện Nhà Bè khám nghiệm căn hộ của ông Dũng, thấy hai điện thoại của ông Tín vẫn ở phòng khách, đôi dép ở trước cửa. “Đặt giả thuyết chồng tôi đi về, điện thoại có thể bỏ lại nhưng chắc chắn phải mang dép. Lời khai của ông Nguyễn Đức Trung, hiệu phó trường Đại Học Ngân Hàng, người cuối cùng tiếp xúc ông Tín là không phù hợp với hiện trường vụ án,” bà Bích nêu.
Tại nơi ông Tín được phát hiện chết và cả trong căn hộ, cơ quan điều tra không thu giữ được mắt kính hay mảnh kính vỡ của nạn nhân, trong khi ông Tín là người cận nặng, không bao giờ tháo kính.
Chiếc ghế gãy phần dựa lưng đặt sát lan can ban công (hàng rào sắt) có dấu giày, dấu chân và “một đoạn tương đương thân người ở giữa trên thành lan can sắt đã sạch bụi, không có dấu tay.”
Chưa hết, theo bà Bích nếu ông Tín tự tử phải bám vào thành lan can để lại dấu tay và khi giảo nghiệm tử thi phải có bụi, nhưng kết quả không thấy “Vậy anh Tín bám vào đâu để leo lên lan can gieo mình tự sát,” đơn của bà Bích nêu.
Ngoài ra, vị trí và tư thế ông Tín rơi xuống cũng được cho là bất thường, vì nạn nhân “nằm sát góc tường bên trái, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời, hai tay dang ngang đầu hình chữ U…”
“Nếu chồng tôi tự sát thì thi thể phải nằm xa hơn chân tường, chân sẽ bị gãy và cơ thể phải nằm úp,” bà Bích diễn giải trong đơn.
Khu vực phát hiện thi thể ông Bùi Quang Tín. (Hình: Ngọc Khải/Tuổi Trẻ)
Theo báo Thanh Niên, đơn yêu cầu khởi tố vụ án cũng đề cập đến các nghi vấn trong lời khai của những người liên quan trong bữa tiệc hôm 5 Tháng Tư, đặc biệt là của ông Dũng và ông Trung.
Cụ thể, theo bà Bích tại bữa tiệc chín người tham gia uống hết ba chai rượu Tây có dung tích 700-750 ml/chai và 12 chai bia. Đến khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, ông Dũng lần lượt tiễn khách ra về. Sau đó ông Dũng trở lại căn hộ để dọn dẹp. Trong khi ông Trung và ông Tín “vẫn tiếp tục ngồi nói chuyện.”
Bà Bích cho biết theo lời khai của ông Trung, khoảng 5 giờ chiều ông Dũng nói do có hẹn với bạn nên rời khỏi căn hộ và có dặn ông Trung và ông Tín đóng cửa khi ra về.
“Sau khi ông Dũng ra ngoài, ông Trung và chồng tôi tiếp tục nói chuyện rồi nằm nghỉ tại ghế salon của căn hộ. Một lát sau, chồng tôi đứng dậy ra về. Lúc này, ông Trung khuyên chồng tôi nằm nghỉ để gọi người nhà đến đón nhưng chồng tôi nói tự về được nên ông Trung quay lại ghế salon nằm nghỉ. Sau đó ông Trung nghe tiếng động ngoài khu vực giếng trời nên ra kiểm tra,” bà Bích viết trong đơn.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết “do đã uống rượu bia và mắt bị cận nên không nhìn thấy phía dưới được. Dù vậy, linh cảm có chuyện chẳng lành nên đã gọi ông Dũng về.”
Trong khi theo lời khai của ông Dũng với công an huyện Nhà Bè thì ông Dũng đi ra ngoài 20 phút và đang chạy xe trên đường thì nghe điện thoại của ông Trung báo tin ông Tín tử vong và lập tức quay về ngay.
Bà Bích cho rằng đây là chi tiết đắt giá, chứng minh cho việc ông Dũng hoặc ông Trung “có lời khai không chính xác về diễn biến sự việc.” Đồng thời, mâu thuẫn lời khai này cho thấy nếu ông Dũng khai đúng thì ông Trung là nghi can số một trong vụ việc chồng bà bị nạn và ngược lại.
Trước đó ông Tín phải chịu sức ép từ nhiều phía trong trường đại học, từng nhận tin nhắn đe dọa.
Đặc biệt, ngoài việc mong giới hữu trách ở Sài Gòn nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, bà Bích và gia đình vẫn đang lo sợ kẻ đứng sau gây ra cái chết cho ông Bùi Quang Tín, sẽ gây ra nguy hiểm cho bà cùng hai đứa con nhỏ, vì vậy bà Bích cũng mong giới hữu trách “có phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn tính mạng cho gia đình.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment