04/09/2020 - 23:31 — VietTuSaiGon
Ở một đất nước mà yếu tố “lộng giả thành chân” quá cao, đặc biệt là giới cán bộ nhà xây vài chục tỉ, biệt phủ, biệt điện mọc lên đầy nhưng miệng lúc nào cũng than nghèo, thậm chí chỉ nói về thành tích buôn chổi, buôn khoai lang hoặc tuổi thơ mót khoai, thì cái nghèo này là “ngụy nghèo”. Nhưng, cũng ở một đất nước mà người dân muốn có công việc, muốn có chỗ để kiếm cơm phải chạy vay chạy mướn, thế chấp ruộng vườn để mua chiếc xe, mà phải là xe ga kia mới có cơ hội xin việc bởi chủ thuê việc thường nhìn vào chiếc xe để đánh giá con người thì cũng không nên tin rằng những người có dây chuyền, nhẫn, xe ga là những người có của ăn của để. Bởi đất nước này là một đất nước chứa đầy mặc cảm, người giàu thì sợ mình bị cho là giàu và người nghèo thì muốn xã hội luôn thấy mình giàu.
Trong mấy ngày vừa qua, các báo trong nước, kể cả báo Thanh Niên đã đi nhiều bài viết và không tiếc lời mạ lị với những người đi xe ga đến nhận gạo cứu trợ ở các ATM gạo tại thành phố Sài Gòn. Điều đáng nói ở đây là mỗi lần nhận, người ta được 1.5kg gạo. Nhưng báo viết toàn lời rát mặt mà người ta vẫn kéo đến nhận. Như vậy có phải những người đi xe ga, đeo dây chuyền đã quá dày mặt, hoặc họ bất chấp?!
Thử đặt một giả định: Họ đi nhận giùm cho những người nghèo khác và không cần suy nghĩ về việc bị ai đó chửi, kể cả báo chí, bởi đây là một trải nghiệm tốt về đạo đức xã hội cũng như đạo đức báo chí; Hoặc giả họ nghĩ rằng mình đã đeo khẩu trang và không sợ bị ai nhận ra mặt mình nên cứ tới nhận về ăn cho sướng miệng, của không tốn tiền cơ mà!?; Nhưng, còn một giả định khác, họ là những người nghèo thật sự, họ tới nhận gạo về để ăn và có vẻ như hệ hình về cái nghèo của chính chúng ta đã bị lạc hậu?!
Ở giả định thứ nhất, họ đi nhận giùm, có thể! Vì tôi từng quen biết nhiều anh em văn nghệ, trí thức, nhiều người rất giàu, đã tặng không ít cho người nghèo, nhưng mỗi khi có cứu trợ hay quà từ thiện đâu đó thì họ tìm mọi cách để xin vài suất cho những người nghèo đến độ tả tơi mà họ biết được. Người nghèo đó có thể đi nhận được bình thường nhưng lại bị quên tiêu chuẩn hoặc không có khả năng đi lại bình thường nên họ đi nhận giùm. Chuyện này không hiếm! Và đương nhiên người đi nhận lấy làm vui khi bị ai đó chửi rằng giàu mà bủn xỉn, keo kiệt, bòn rút… Bởi họ tin vào việc họ làm có chí ít cũng người nghèo mà họ mang quà tới biết được và có thể có người khác cảm nhận được. Thậm chí, nếu không có ai biết thì cũng có trời biết, đất biết…
Ở giả định thứ hai, người ta nghĩ rằng mình đã đeo khẩu trang và chẳng ai nhận ra mình, cứ tới nhận gạo về nấu, của không tốn… Rất có thể trong số những người đi xe ga nhận gạo cứu tế tại các ATM gạo Sài Gòn có tâm lý này và họ không đến nỗi quá nghèo để không mua nổi gạo. Đây là điều đáng buồn! Nhưng cũng nên nhớ một điều, khi các nhà cứu trợ chen chúc mua gạo, mua số lượng lớn và được ưu tiên mua tại các cửa hàng gạo thì cũng không thiếu người đến sau, mua không có và họ phải đi nhận tạm gạo để nấu qua bữa. Tôi có đứa em trai, cũng đi nhận gạo và có trong hình của báo Thanh Niên, nó đi xe ga loại xịn. Lấy làm lạ, tôi gọi hỏi nó, nó bảo “thực ra em đâu có muốn vậy, nhưng em mua muộn, cửa hàng hết gạo, chạy lòng vòng mệt quá, thôi nhận đỡ về nấu, mai mốt mua được thì mình góp một bao. Bạn em hôm qua nó tới lấy ATM 1,5kg, bữa nay nó chở hai bao tới đó anh!”. Vậy đủ hiểu, cũng có người giàu thực sự, cũng có thể lười mua hoặc thích ăn của không tiền, nhưng cũng không hiếm người mua gạo không có, mượn ATM để ăn tạm.
Và giả định thứ ba, những người đi xe ga, đeo dây chuyền, vàng bạc cũng là người nghèo. Rất có thể, vì Sài Gòn là thành phố của nạn cướp giật, đeo dây chuyền vàng ra đường chẳng khác nào đưa mạng cho người khác. Nhưng vẫn không thiếu các cô lao động ưa mua một sợi dây chuyền giả để làm duyên, hoặc sợi dây chuyền hộ mệnh bằng vàng giả, được mật chú bởi một ông thầy nào đó để đeo, mục đích là cầu may, cầu bình an. Người nghèo Sài Gòn ưa đeo dây chuyền, kể cả những người đeo vàng khối trên người để thể hiện mình giàu, kỳ thực, họ thuộc dạng rất nghèo trong giới nhà giàu, đeo vàng như một kiểu che mặc cảm. Đó là chưa muốn nói đến việc đại đa số các công nhân ở các khu công nghiệp bây giờ đi xe ga. Vì khi mua, họ phải vay tiền ngân hàng bằng các thế chấp để có chiếc xe đi làm, và với họ, chiếc xe vừa là tài sản vừa là cái để dợt-le với đời, nó giống như tấm phông che nghèo khi về quê. Đi làm nhiều năm, Tết lại dành dụm tiền bạc để mua vé về quê, mua vé kèm cho chiếc xe máy để về quê chạy thăm đây đó… Có mà chơi với bạn bè, bà con! Cái tâm lý này khiến cho hầu hết người lao động nghèo khi mua xe máy đều chọn xe ga, bởi họ biết cả đời của họ chỉ mua được một chiếc xe nên đã mua thì phải mua cho “có tầm”, nợ cũng đành. Chính vì vậy mà hầu hết các công nhân, lao động nghèo, nếu đã mua xe thì mua loại tốt, mua điện thoại cũng gắng gượng mà mua loại xịn, nó là thứ vừa tài sản vừa để làm le với đời. Nhưng cũng vì vậy, có khi nợ mút mùa vì những thứ này.
Tôi từng đi làm phim ở một xóm nhà có diện tích 2m2, 4m2 tại ngày giữa trung tâm Sài Gòn (Hẻm 11 và hẻm 24, đường Thủ Khoa Huân, quận 1). Phải nói là đời sống của người nơi đây giống sống trong chuồng hơn là trong nhà. Họ co ro cụm rụm trong mấy mét vuông sau khi đã cơi nới phần gác bên trên nhô ra mặt hẻm một chút. Đời sống của họ túng quẫn, nghèo đói. Nhưng người nào cũng có xe ga xịn, điện thoại xịn, hỏi ra mới biết họ đi làm công nhân, đi ship hàng, đi làm thư ký và chạy Grab, họ buộc phải có những “công cụ hành nghề” này. Và để có nó, không ít người đã thế chấp cái bìa đỏ diện tích vài mét vuông để mua. Nói tới đây để nghĩ rằng giữa đất Sài Gòn, không phải cứ có xe ga, có dây chuyền hay điện thoại xịn có nghĩa là khá giả. Nhiều khi đó là đống nợ đang đuổi sau lưng và khi hữu sự, họ buộc phải ăn nhờ vào sự chia sẻ của xã hội hoặc thậm chí xin ăn. Thế giới vốn quá nhiều trắc ẩn, thật khó để nói một thứ gì đó cho chuẩn!
Thiết nghĩ, khi các nhà hảo tâm sẵn lòng bỏ gạo vào cây ATM để chia sẻ với cộng đồng, nếu thấy người nghèo đi bộ tới lấy thì nên giúp đỡ họ bằng cách nào đó để về nhà an toàn, không bị nhiễm dịch giữa đường hoặc không bị vấp ngã do tuổi cao giữa đường. Bởi cuộc sống là vậy, nhiều khi đi suốt ngày kiếm nửa lon gạo không ngã, nhưng mới nhận được vài lon gạo của đời ban tặng thì té sấp mặt… Và thiết nghĩ, trong cuộc đời này, chẳng ai bình thường mà đi chọn mình sẽ làm kẻ khốn khó để đi ăn hớt của người nghèo một ký rưỡi gạo, mặc cho đời sỉ vả, mạ lị (tất cả các thông tin trên báo chí và các comment trên mạng xã hội đều mạ lị họ). Và, có những cái nghèo không thể giải thích, cũng như có những cái nghèo biến triệu phú thành đứa nghèo trong chốc lát… Và hãy để mọi người được tự do để thấy mình nghèo thật hay nghèo giả. Bởi ngụy giàu hay ngụy nghèo đều có lý do riêng của nó, sự thông cảm, chia sẻ của xã hội dễ giúp người ta trở nên tử tế và ăn năn (nếu có) hơn. Tất cả lời nguyền rủa, sỉ vả đều khiến cho tâm hồn trở nên xơ cứng, chai lì, thậm chí thù hận.
Hãy cứ cho nếu còn cho được và hãy cảm ơn người nhận dù họ là ai, bởi đơn giản, cái nghèo là một khái niệm vô cùng, vẫn có những kẻ xây hàng tá biệt phủ nhưng mở miệng là than nghèo, nhưng cũng có những người khi hữu sự thì gạo không có để ăn nhưng vì một thứ gì đó giống như công việc đặc trưng, họ phải giữ cái mác “nhà giàu” kinh niên trong nỗi khổ của người rỗng ruột. Xin hãy mở lòng thương yêu và từ tâm. Đừng mắng nhiếc người nghèo. Giả sử Bill Gate chọn làm người nghèo để vào nhận một ký rưỡi gạo từ thiện, thì xin hãy tôn trọng sự nghèo trong chốc lát của ông ấy. Bởi mỗi cái nghèo đều có lý do và căn cội, tâm linh của nó. Hãy cho vui vẻ và cho trong yêu thương, ân cần!
No comments:
Post a Comment