Phương Thảo (VNTB) – Nhà tù Đức cũng như nhà tù Hoà lan nổi tiếng là nhân đạo. Ở đó không có biệt giam, nếu bắt buộc phải áp dụng chỉ là một vài tiếng hay nhiều lắm là một ngày. Những phạm nhân không phải mặc đồng phục trại giam. Dân tình Hoà lan còn chế diễu khi được biết phạm nhân được phép coi phim sex trong trại giam. Các mức án nhẹ nhưng đánh vào lòng tự trọng của những con người tôn trọng sự thật, nhân quyền và trật tự công cộng.
***
Khi cho phép tù nhân một được tự lập một phần trong trại giam, mục đích của nhà tù Châu Âu là để cho cung cấp cho tù nhân những kỹ năng họ cần để tồn tại ở bên ngoài sau khi ra tù. Một quan chức Mỹ đến thăm một nhà tù ở Đức đã từng nói, “Nếu đối xử với các tù nhân như con người, họ sẽ hành động như con người.”
Ngày 25.7.2018 Tòa thượng thẩm Berlin đã tuyên án 3 năm 10 tháng tù cho bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, về 2 tội trạng: Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức, và hỗ trợ cưỡng đoạt tự do của 2 nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương trên lãnh thổ nước Đức.
Một điều chắc chắn rằng nhà tù nơi mà Nguyễn Hải Long phải ngồi gỡ lịch trong vòng 3 năm 10 tháng sẽ khác hẳn với nhà tù mà nhà nước Việt nam dành cho những người bị xử cùng một tội danh là “ hoạt động chống lại/chống phá nhà nước”.
Ở trong nhà tù Đức, Long sẽ có được phòng riêng dù chỉ là một giường đơn nhưng sẽ có đầy đủ các tiện nghi tối thiểu và còn có cả máy sưởi. Long còn có chìa khoá riêng cho phòng giam, và quản giáo muốn vào còn phải gõ cửa xin phép vì yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của phạm nhân. Trong trại giam sẽ có cả phòng tập thể dục, thư viện, máy tính có kết nối internet. Long còn phải làm việc và theo học các khoá học theo yêu cầu.
Phòng giam tù ở Đức dành cho Nguyễn Hải Long
Nếu đổi lại là một phiên toà Việt nam, Long sẽ không được quyền mướn 2 luật sư bào chữa, không được quyền thương lượng, không phải qua các cuộc xử kéo dài vài ba tháng mà sẽ chỉ là một phiên toàn gọn lẹ bỏ túi với một hai phiên xử chóng vánh. Và sau đó bản án dành cho Long sẽ ít nhất là 10 năm tù giam.
Trong khi bị giam giữ Long sẽ nhồi nhét trong một phòng giam với vài chục người khác, ngủ trên nền xi măng; nhà vệ sinh hay nhà tắm chỉ là một cái lỗ trên sàn, nước phải tự hứng đem tới để xài theo như lời của Will Nguyễn đã tường thuật lại khi vừa đặt chân xuống sân bay Houston đầu tháng 8 năm 2018 sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Chí Hoà ở Việt Nam.
Will Nguyễn cũng cho biết rằng vì là công dân Mỹ, và cả thế giới đang nhìn vào nên trong 40 ngày ở Chí Hoà cán bộ trại giam đã không dám làm một điều gì bất lợi cho Will Nguyễn. Dù bị còng tay khi ra toà, Will Nguyễn còn được mặc quần áo tinh tươm, áo sơ mi còn nguyên nếp gấp, không bị xô đẩy hay bị công an kèm chặt khi lên xuống xe để ra hầu toà.
Những người Việt Nam khác, không có cái may mắn của Nguyễn Hải Long hay Will Nguyễn chỉ vì khốn khổ thay họ là người Việt với quốc tịch Việt Nam và bị toà án Việt nam xét xử ngay trên đất Việt.
Những người Việt nam ấy không may mắn từ khi mới bị triệu tập lên đồn công an. Công an Việt Nam vẫn không bao giờ thừa nhận việc bức cung, nhục hình phạm nhân; nhưng lại có những người lên đồn công an rồi bỗng nhiên lại lăn ra chết. Danh sách nạn nhân chết ở đồn công an lên đến con số hàng trăm.
Đầu tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Hữu Tấn được công an Vĩnh Long cho biết “trong khi bị giam, ông Tấn đã lấy dao rọc giấy của điều tra viên khi ông ta vắng mặt để tự tử.”
Ngô Chí Tâm (40 tuổi) đến công an phường “làm việc” và đã tử vong vì “đã thắt cổ bằng dây thun quần” tháng 6 năm 2017 tại công an phường Tam Bình Sài gòn.
Võ Tấn Minh chết bất thường ngày 8 Tháng Chín, 2017 tại nhà tạm giữ công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Công an tung tin Võ Tấn Minh chết vì “đánh nhau” với các tù nhân khác nhằm che dấu các dấu tích nhục hình trên người nạn nhân.
Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện đã tử vong sau khi cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà ông làm việc ngày 2 tháng 8 năm 2018. Phía công an một lần nữa lại nói ông Hoàng Anh tự sát.
Những người bị đưa vào trại giam, nhất là các tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến thì sẽ bị đe doạ, ngược đãi, khủng bố tinh thần hay biệt giam bằng những cách mà không ai có thể nghĩ là có thể sẽ tàn ác được hơn như vậy.
Người ta đã nghe nói đến việc Mẹ Nấm không được mặc quần lót và sử dụng băng vệ sinh, bị các phạm nhân cùng phòng khủng bố bằng ngôn từ, ngược đãi đến độ phải tuyệt thực để phản đối.
Hay mới đây là những người bị giam trong trại giam Biên Hoà vì tội tham gia biểu tình phải đối luật đặc khu ngày 10/6/2018 bị đe doạ cho giam chung với những người bị bệnh HIV nếu kháng cáo mức án đã tuyên là án tù từ 8 đến 18 tháng về tội “ gây rối trật tự công cộng”.
Chính phủ Việt nam dĩ nhiên luôn phủ nhận việc ngược đãi, hành hạ tù nhân. Nhưng chỉ cần nhìn những người tù chính trị/ tù nhân lương tâm ra khỏi tù thì sẽ biết rõ họ đã phải trải qua những ngày tháng ra sao trong tù. Ra tù rồi còn phải đối diện những năm quản chế, bị triệt đường sống khi sức khoẻ đã bị giảm sút kinh khủng sau những năm tháng tù đày.
Tính người có phải đã tuyệt chủng trong trại giam và đồn công an? Chắc chắn là không vì Will Nguyễn là bằng chứng phạm nhân không hề bị ngược đãi trong trại giam. Nhưng mà tính người trong trại giam chỉ áp dụng một cách có chọn lọc, chỉ dành cho những người gốc Việt không có cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây.
Cần phải đối xử với tù nhân như một con người trong trại giam ở Việt nam như ở Đức và Hoà lan? Vẽ chuyện! Đã vô tù, thì chẳng còn là con người, có khi lại còn thua cả chó.
No comments:
Post a Comment