Paltalk Làm Báo
Thông Tin Trung Thực + Dân Chủ
Sunday, August 12, 2018
Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị kỷ luật vì post Facebook ‘về vận mệnh đất nước, dân tộc’
Nhà báo Ngọc Vinh tại Washington, DC trong chuyến đi du lịch Mỹ hồi Tháng Ba, 2017. (Hình: Facebook Ngọc Vinh)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV)
– Hôm 12 Tháng Tám, 2018, làng báo Việt Nam xôn xao trước tin ông Ngọc Vinh, một phóng viên kỳ cựu của báo Tuổi Trẻ, công khai trên mạng xã hội rằng mình đang bị tòa soạn “xử lý kỷ luật” vì các post Facebook, kèm theo thông báo của tổng biên tập.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, một trong các thư ký tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, viết trên trang cá nhân: “Không hề tâm tình, cảnh báo, hỏi han trao đổi, vị tổng biên tập quý hóa của tôi đã lạnh lùng thay mặt tuyên giáo và quan tòa ra một văn bản quy kết tội lỗi đầy đầu cho tôi, những tội lỗi mà có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình mắc phải: ‘Có dấu hiệu vi phạm pháp luật,’ rồi ‘gây chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’ và ‘đưa thông tin ko đúng sự thật, xuyên tạc vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.’”
Ông Ngọc Vinh cho biết thêm rằng một trong những post Facebook của mình bị “kết tội” là: “Tôi thật sự không hiểu vì sao cuốn sách về lòng yêu nước lại phải chịu số phận truân chuyên đến vậy? Yêu nước là phạm luật, kỵ húy à? Yêu nước mình là đụng chạm nước láng giềng à?” Post này được đăng kèm hình chụp bìa cuốn sách “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” bị đình chỉ phát hành chỉ sau vài ngày ra mắt.
Ông Ngọc Vinh cũng đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Là một công dân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, là một nhà báo có trách nhiệm và là một đảng viên luôn trăn trở về thời sự, tại sao tôi lại bị kết tội khi đặt các câu hỏi về vận mệnh của đất nước và dân tộc mình? Tại sao?”
Trong một post khác trước đó, ông Ngọc Vinh thổ lộ: “Giờ (tôi) chỉ còn có hơn một năm là về hưu, khép lại 42 năm dài cống hiến của cuộc đời, thế mà lại đụng thêm một lần kiểm điểm không muốn có nữa. Và lần này thì đúng là quá sức chịu đựng khi bị kiểm điểm vì những sự thật mà mình đã viết ra với tư cách một nhà-báo-công-dân.”
“Đừng ép tôi, quý vị! Nếu tôi giả dối với chính mình dù chỉ một lần thôi , tôi sẽ không thể viết ra nổi một dòng sự thật trên Facebook, và điều quan trọng hơn, tôi sẽ không đủ sức dạy dỗ con trai mình đi theo đường ngay lối thẳng. Vậy thì phải giải quyết câu chuyện này cho xong, như một người quân tử!”, nhà báo Ngọc Vinh viết thêm.
Hiện chưa rõ báo Tuổi Trẻ quyết định kỷ luật ông Ngọc Vinh ở mức độ nào và thẻ nhà báo của ông có bị thu hồi hay không. Tuy vậy, sự việc khiến người ta nhớ lại một trường hợp tương tự: Hồi năm 2015, nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm chức phó tổng thư ký tòa soạn của báo Thanh Niên Online và bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông thu hồi thẻ nhà báo chỉ vì một post trên trang cá nhân.
Post của ông Đỗ Hùng nhân dịp 2 Tháng Chín năm đó mang ý nghĩa tếu táo, trào lộng về một số chi tiết trong lịch sử Việt Nam, với các câu chữ viết toàn dấu sắc: “…Bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh Phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến…”
Sau vụ của ông Đỗ Hùng, dường như các tòa soạn báo “lề phải” thắt chặt hơn việc bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của phóng viên, nhân viên trên mạng xã hội. Do vậy, nhiều người làm báo chỉ có thể “mạnh miệng” trên Facebook khi họ đã nghỉ hưu hoặc trở thành phóng viên tự do, không hưởng lương của tòa soạn.
Hồi tháng trước, báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông dẫn lời ông Trần Thanh Lâm, vụ phó Vụ Báo Chí Xuất Bản, Ban Tuyên Giáo Trung Ương: “Hiện có tình trạng nhiều cơ quan báo chí, nhà báo bị mạng xã hội ‘dẫn dắt, định hướng’ thông tin ngược. Ví dụ, khi bàn về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, có một số nhà báo, cơ quan báo chí tham gia bình luận thiếu trách nhiệm, có một sự cổ vũ cho các thông tin trái chiều trên mạng xã hội. Có một số nhà báo thể hiện quan điểm hai mặt khác nhau, trên báo viết khác và trên mạng xã hội viết khác.”
Tờ báo cũng cho hay Hội Nhà Báo Việt Nam đang soạn văn bản hướng dẫn về “Chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” và đây là việc “đúng đắn, cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay.”
(T.K.)
No comments:
Post a Comment
Newer Post
Older Post
Home
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment