Sunday, August 12, 2018

Học sinh lớp Một bắt đầu chui đầu vào “vòng kim cô”


Giang Nam (VNTB) Ngày xưa chưa lâu lắm, học sinh khi nghỉ học vì bất cứ lý do gì (ốm đau bệnh tật, bản thân không muốn đến trường học nữa, hoặc bỏ học đi học nghề, thông thường nhất là chuyển qua trường khác theo sự thay đổi nơi ở của phụ huynh) sẽ đến trường nộp đơn xin rút học bạ. Nhà trường nhận đơn của phụ huynh, ký học bạ đã ghi đúng kết quả học tập, thế là xong. Nếu học sinh muốn vào học trường nào khác thì sẽ nộp đơn và học bạ cũ, ban giám hiệu xét học bạ thấy đủ điều kiện qui định của trường thì chấp nhận, vậy là ổn.
***
Ngày nay qui chế thủ tục chuyển trường đã bất ngờ khác hẳn.
Theo qui chế mới, từ lớp 1 trở lên khi chuyển trường phải theo kiểu “thuyên chuyển công chức”, thậm chí gần giống như thủ tục “luân chuyển cán bộ lãnh đạo cao cấp”.
Phụ huynh phải làm đơn xin học nộp cho trường mới, BGH ghi tạm Giấy tiếp nhận (ghi chú điều kiện là khi có đủ hồ sơ qui định sẽ nhận).
Phụ huynh mang tờ Giấy tiếp nhận ấy quay lại trường cũ, xin được Giấy Chuyển Trường, lúc này mới được rút học bạ ra.
Quay lại trường mới nộp hồ sơ mới là đủ. Tối thiểu phụ huynh phải mất ba tua đi lại bất chấp khoảng cách hai nơi cũ mới xa hàng trăm, hàng nghìn cây số.
Hồ sơ học sinh lớp Một bắt đầu chui vào vòng kim cô quản lý của “hệ thống chính trị”, được quản lý chặt chẽ, liên tục.
Tôi xin kể câu chuyện của một ông giáo già bạn tôi vừa mắc vòng rắc rối “qui chế chuyển trường kinh khủng” của Bộ GD-ĐT.
Ông giáo nguyên là giảng viên đại học sinh sống ở tỉnh A đã lâu năm nên không biết qui chế mới của hệ phổ thông. Con cháu ông sinh sống ở tỉnh B, nay vì công việc dự định chuyển về sống ở tỉnh A. Ông có một cháu ngoại vừa học xong lớp Một ở tỉnh B nay cũng theo ba mẹ nó về tỉnh A. Ông xin Giấy tiếp nhận cho cháu vào lớp Hai ở một trường tiểu học tỉnh A. Sau đó mang Giấy tiếp nhận quay lại trường tiểu học cũ ở tỉnh B xin Giấy Chuyển Trường. Rút học bạ kèm theo Giấy khen xuất sắc năm học lớp Một, quay về tỉnh A. Tuy nhiên lại có sự thay đổi, cha mẹ cháu lại nhận công việc làm ở tỉnh C. Gia đình chuyển đến định cư ở tỉnh C, nộp hồ sơ học bạ vào một trường tiểu học gần nơi cư trú ở tỉnh này. Hiệu trưởng xem Giấy Chuyển Trường ghi tên nơi đến là trường của tỉnh A nên không nhận hồ sơ mặc dù học bạ đầy đủ, rõ ràng. Hiệu trưởng trường tiểu học tỉnh C chỉ ghi cho một Giấy tiếp nhận đưa cho phụ huynh bảo quay lại tỉnh B xin Giấy chuyển trường (lần 2) đến đây nộp thì sẽ nhận.
Đường xa nhiều trăm cây số, phụ huynh của bé đành phải cắn răng chấp hành.
Khi quay lại “trường cũ” (nhưng chẳng còn có “tình xưa”) ở tỉnh B, phụ huynh nói khó, trình bày hoàn cảnh gia đình thuyên chuyển có sự thay đổi, cái gương mặt vô cảm của nữ hiệu trưởng tiểu học ở tỉnh A kia vênh lên, phủi tay từ chối ký giấy chuyển trường lần thứ 2. Thị nói rằng thị chỉ ký giấy chuyển trưởng một lần.
Ông giáo già nghe vậy giận lắm, ông chửi tiên sư cha chúng nó. Cháu ông học xong lớp Một, đương nhiên lên lớp Hai ở nơi nào nó muốn và phù hợp điều kiện tối thiểu là ngôi trường đó ở nơi gia đình cư trú. Vì sao phải được sự đồng ý giới thiệu của trường cũ ? Đó là cái chỗ tồi tệ nhất của Bộ GD-ĐT khi đặt ra qui chế này.
Ông giáo dự tính sẽ khiếu kiện hiệu trưởng trường tiểu học cũ ở tỉnh B. Hoặc tìm một tờ báo, chẳng hạn Dân Trí, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… nhờ họ đăng tải vấn đề này. Bởi vì ông biết chắc chắn rằng ông sẽ thắng.
Để tìm hiểu thêm, ông thuật câu chuyện với một người học trò cũ nay đang làm giám đốc Sở GD tỉnh A. Ông hỏi về luật lệ mới trong ngành giáo dục phổ thông và hỏi rằng hai vị hiệu trưởng tỉnh B và C đã xử sự đúng hay sai. Và ông cần thủ tục khiếu kiện như thế nào cho hợp lệ. Giám đốc sở tỉnh A cười cười nói rằng cả hai hiệu trưởng nơi cũ và mới đều… khó tính. Thôi thầy đừng khiếu kiện mất thời gian công sức lại mệt người. Để con lo cho. Giám đốc liền bấm điện thoại gọi cho người đồng nhiệm ở tỉnh B. Vài phút sau có kết quả. Giám đốc Sở tỉnh B liền gọi cho Trưởng phòng giáo dục huyện nơi quản lý cái trường tiểu học cũ ấy. Xong việc… Phụ huynh lại lặn lội đến trường lần thứ 4 mới nhận được Giấy Chuyển Trường, lần này mụ hiệu trưởng cũ ra vẻ giữ thể diện, sai phó hiệu trưởng ký giấy.
Kết
Ông giáo già cũng góp ý với người giám đốc Sở tỉnh A và phân tích rằng Bộ Dục đã sai trái khi đặt ra qui chế. Em nên góp ý với họ điều chỉnh qui chế này vì quyền lợi học sinh và phụ huynh. Người giám đốc Sở thận trọng không nhận xét gì về lãnh đạo Bộ, chỉ hứa sẽ góp ý Bộ khi thuận lợi.
Mặc dù việc rắc rối của cháu ông đã giải quyết xong, thực ra là nhờ ngẫu nhiên ông có người học trò tử tế làm chức lớn, nhưng ông vẫn tâm tư buồn bực. Ông nghĩ về những phụ huynh khác không có cái may mắn như ông thì sẽ bị bọn hiệu trưởng quan liêu vô cảm kia hành hạ ra bã như thế nào.
Ông vẫn nghĩ mãi không ra, vì sao lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại nghĩ ra cái qui chế phi lý và khắc nghiệt đó. Họ không biết rằng, tuy chỉ là một qui định có vẻ nhỏ nhoi, nhưng thực chất là vi phạm nhân quyền, vi phạm Luật bảo vệ quyền trẻ em, dẫm lên Luật giáo dục?
Phải chăng vì họ thực hiện một tư duy chính trị phải quản lý nắm đầu người dân từ khi là một đứa trẻ lớp Một liên tục trong một cái vòng kim cô “xin-cho” ?
Ngày nay các thể loại trường học đã nở tung như nấm sau mưa. Trường công lập, trường tư thục và trường quốc tế. Tuy nhiên riêng trường công vẫn giữ thái độ kênh kiệu chảnh choẹ vì họ biết dân nghèo Việt Nam vẫn chiếm đa số, sống chết vẫn phái bám vào trường công. Thiên hạ thường gọi đó là “thói kiêu ngạo cộng sản”.
Thiên hạ mải chú ý theo dõi thảm hoạ chấm thi tú tài và tuyển sinh đại học năm nay, liệu có cho rằng chuyện tôi kể trên là chuyện lặt vặt, lẻ tẻ hay chăng ?

No comments:

Post a Comment