SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 14 Tháng 11 diễn ra cuộc gặp lần thứ ba của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn với dân oan Thủ Thiêm.
Một phóng viên ảnh của báo VnExpress hé lộ trên mạng xã hội ảnh chụp một số người dân, hầu hết là phụ nữ, leo rào cao hơn 2 mét nhưng vẫn không được cho vào hội trường gặp lãnh đạo.
Các báo cho biết, ông Phong được ghi nhận chỉ tiếp “đại diện 50 hộ dân ba phường An Lợi Đông, Thủ Thiêm và An Khánh có giấy mời”, còn những người dân từ các phường khác không có “suất” và cả giới phóng viên thì chỉ được xem qua màn hình ti vi.
Báo VnExpress tường thuật: “Bên ngoài hội trường, nhiều người dân đề nghị lực lượng kiểm soát an ninh cho vào trong sảnh theo dõi buổi làm việc qua màn hình. Không được chấp thuận, một số người trèo qua hàng rào, la hét cho rằng ban tổ chức làm trái với thông báo trước đó.”
Và tương tự như hai cuộc gặp trước, những gì dân oan Thủ Thiêm nhận được là Chủ tịch Phong tiếp tục hứa hão: “Chính phủ đang rà soát khu tái định cư 160 héc ta ở Thủ Thiêm. Từ sáng tới giờ có rất nhiều ý kiến bức xúc. Hiện, chính phủ đã thành lập tổ công tác để làm rõ vấn đề này, kết quả thế nào sẽ thông báo đến cô bác. Chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm của mình là giải quyết chuyện Thủ Thiêm trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho người dân. Còn ai sai phạm phải xử lý theo pháp luật.”
Báo Zing dẫn lời một dân oan “kỳ cựu”, bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi, ngụ phường An Khánh, người có 14 năm đi Hà Nội theo đuổi vụ kiện: “Dù người dân sẵn sàng góp ý giải quyết, có vẻ lãnh đạo thành phố không sẵn sàng. Ai là lãnh đạo Sài Gòn thời kỳ đó [những năm 1990, 2000] thì phải chịu trách nhiệm về việc này.”
Một số blogger liệt kê những dự án đang nằm trong khu tái định cư 160 héc ta ở Thủ Thiêm và cáo buộc chính quyền CSVN ăn cắp của dân để giao cho các doanh nghiệp bất động sản: Palm City của Trần Thái, Tiến Phước và Keppel Land; Lake View của Novaland; Khang Điền…
Đến nay, các buổi tiếp dân oan Thủ Thiêm của bí thư Thành Ủy hay chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn hầu hết vẫn mang nặng tính hình thức và chỉ để tuyên truyền trên mặt báo theo kiểu mô tả của chính quyền là “dân vận”. Cũng vì vậy mà thay vì để ý đến phát ngôn của quan chức trong các buổi gặp, cư dân mạng chỉ quan tâm đến những chuyện bên lề và tình tiết mà họ không thấy các báo đăng tải.
Sau buổi tiếp dân oan Thủ Thiêm hôm 14 Tháng 11, nhiều blogger chỉ bàn tán về chi tiết ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng ban Tiếp Dân của Thanh Tra Chính Phủ dự buổi này và “rút kinh nghiệm”, không còn đeo đồng hồ Rolex và cầm xì gà như trong buổi tiếp dân Thủ Thiêm hôm 7 Tháng 11. (T.K.)
No comments:
Post a Comment