HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến cuối quý 3, 2018, có tới 13 trong số 17 ngân hàng của Việt Nam niêm yết thừa nhận tỷ lệ “nợ xấu” tăng lên, trong đó có ngân hàng “nợ xấu” tăng gấp đôi so với hồi đầu năm.
Hôm 13 Tháng Mười Một, 2018, báo VNExpress dẫn thống kê mới nhất của StoxPlus, một công ty chuyên phân tích các giải pháp thông tin tài chính, cho biết theo con số thống kê mới nhất thì tỷ lệ “nợ xấu” (nợ khó đòi) quý 3, năm 2018, tại các ngân hàng của Việt Nam nhìn chung đang có xu hướng nhích lên so với quý 2, với 13/17 ngân hàng niêm yết.
Trong số những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nếu tính về tốc độ tăng số dư “nợ xấu” (nợ khó đòi) thì Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng 34.5% lên mức 12,127 tỷ đồng (hơn $520.3 triệu) chỉ trong chín tháng đầu năm 2018.
Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại ngân hàng này chiếm tỷ trọng lớn nhất lên đến 72% trong cơ cấu “nợ xấu” và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong chín tháng qua (tăng 68% lên 8,739 tỷ đồng – hơn $374.9 triệu).
Đáng ngại hơn là tại Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV Bank), tính tới hết quý 3, số dư “nợ xấu” của ngân hàng này đang ở mức 17,000 tỷ đồng (hơn $729.3 triệu, tăng 21.1% so với cuối năm 2017) và gần cao nhất hệ thống ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đáng báo động khi số dư “nợ xấu” đến cuối quý 3 tăng lên 4.7% ở mức gần 9,400 tỷ đồng (hơn $403.3 triệu). Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 62%.
Trong khi đó, Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), dù đã mua lại toàn bộ “nợ xấu” đã bán cho Công Ty Quản Lý Tài Sản Của Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC), về cách cho vay, tổng “nợ xấu” của ngân hàng nay hiện đã tăng hơn 844 tỷ đồng (hơn $36.2 triệu), lên mức 3,426 tỷ đồng (hơn $146.9 triệu).
Tương tự, Ngân Hàng Quân Đội (MBBank) có số dư “nợ xấu” cũng tăng vọt lên đến 45% sau chín tháng đầu năm 2018.
Theo các chuyên gia ngân hàng, nguyên nhân “nợ xấu” ở nhiều ngân hàng của Việt Nam gia tăng thời gian qua liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng mất kiểm soát.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài Chính-Ngân Hàng, giải thích với báo VNExpress, vì “nợ xấu” có hai cấu phần nợ cũ và nợ mới. Trên thực tế, ở Việt Nam “nợ xấu” cũ chưa được giải quyết triệt để, thì “nợ xấu” mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong hai quý đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đã dùng hết room (hạn mức) tín dụng được giao.
Tuy việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng, nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân dẫn đến “nợ xấu” gia tăng.
Mặt khác, hiện nay đang diễn ra một thực tế là các ngân hàng cho vay thường chỉ dựa vào tài sản bảo đảm mà không chú trọng đến khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng.
Theo đó, các ngân hàng cứ mạnh tay cho vay theo tỷ lệ 70% đến 80% giá trị bất động sản và không quan tâm đến dòng tiền giải ngân có đi đúng mục đích không. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sau này ngân hàng không quản lý được dòng tiền kinh doanh, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, khiến “nợ xấu” gia tăng.
Trong khi đó, Tiến Sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia Tài Chính-Ngân Hàng, khuyến cáo tín dụng của Việt Nam đã ở mức khoảng 135% GDP, tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Đó là chưa kể, nếu đẩy mạnh tín dụng đang rất “nhạy cảm” và thiếu kiểm soát như trong thời điểm này, vòng luẩn quẩn “nợ xấu” sẽ xuất hiện trong vài năm tới.
Ông Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc Ngân Hàng HSBC Việt Nam, dự đoán từ năm 2019, vấn đề “nợ xấu” có thể sẽ lại là bài toán cho các ngân hàng của Việt Nam sau thời gian vừa qua tăng trưởng tín dụng tương đối “nóng,” bên cạnh những tác động bất ổn từ thị trường tài chính thế giới. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment