Wednesday, November 14, 2018

Quan ngại thông tin cá nhân bị rò rỉ trên mạng

RFA-2018-11-14  
Một cửa hàng trong hệ thống của Thế giới di động và Điện máy xanh. (Ảnh minh họa)
 Một cửa hàng trong hệ thống của Thế giới di động và Điện máy xanh. (Ảnh minh họa)-RFA
Sự việc bắt đầu từ ngày 7/11, trên diễn đàn Raiforums.com một thành viên của diễn đàn đã đăng tải thông tin về việc đang nắm giữ hơn 5 triệu khách hàng và hơn 31.000 bản ghi lịch sử giao dịch của công ty Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy xanh. Ngoài ra hơn 5 triệu email khách hàng và hơn 61.000 email nội bộ của Thế giới Di động cũng được cho là bị lộ.
Ngay sau đó, đại diện truyền thông của TGDĐ ông Đặng Thanh Phong lên tiếng khẳng định với báo chí rằng, các thông tin được lan truyền trên mạng về việc này đều là giả và hệ thống của TGDĐ vẫn an toàn và hoạt động bình thường.
Cục An toàn Thông tin của Bộ Thông tin- Truyền thông vào cuộc điều tra cho hay chưa nhận thấy có dấu hiệu tấn công các thành phần hệ thống liên quan thông tin cá nhân bị công bố và khẳng định thông tin rò rỉ là không đúng.
Anh Huy Nguyễn chuyên viên công nghệ từng làm việc tại FPT chia sẻ với chúng tôi rằng thông tin đó có thể là giả. Anh cho biết:
“Em nghĩ là giả vì mấy đứa check info thì bảo là toàn tài khoản fake, chưa thấy cái nào báo là ngon cả, trừ thằng post thông tin nên check cũng khó. Kiểu như nguyên cái thẻ Credit card nó post số thẻ không có tên người chủ thẻ và cũng không có ngày hết hạn, số cvv cũng không có, kiểu vậy bố ai check ra được. Em chỉ thấy FB rầm rộ thôi còn báo chính thống thì chỉ đăng 1 ngày, có thể Thế giới Di động xử lý truyền thông tốt. Em cũng mua hàng bên đó mấy lần rồi nhưng mấy đứa em nó test có xài được đống thẻ đó đâu.”
 Tại Việt Nam thì vấn đề nhận thức về an ninh mạng cũng đã được tốt nhưng thật tốt hơn chưa thì tôi khẳng định là chưa, bởi vì đôi khi các doanh nghiệp đầu tư chưa đúng mức và đúng cách.
- Nguyễn Tử Quảng
Vụ việc Thế Giới Di Động chưa kịp lắng, vài ngày sau hàng loạt dữ liệu của Concung.com và công khai thông tin khách hàng được cho là của công ty FPT cũng bị tung lên mạng.
Anh Nguyễn Tử Quảng, tổng giám đốc Bkav Việt Nam cho chúng tôi biết vụ việc thông tin của TGDĐ có thể giả nhưng thông tin bên trang mạng Concung có thể là thật.
“Xung quanh việc này còn nhiều nội dung cũng chưa được rõ, ví dụ nội dung của Thế giới Di động bị hacker đưa lên mạng ấy thì bên Cục An toàn Thông tin của Bộ Thông tin- Truyền thông họ đã kiểm tra và thấy những thông tin đó không có thật. Chúng tôi cũng có giả định là việc đó không có thật và chưa hoàn toàn đúng; còn thông tin website của Concung thì có thể là đúng.”
Vụ việc đã làm nhiều người xôn xao vì lo ngại các thông tin nhạy cảm sẽ bị lộ ra ngoài. Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng lo lắng vấn đề lộ thông tin chỉ là một phần, điều quan trọng là bị quấy nhiễu bởi quảng cáo, như chị A sống tại quận Gò Vấp cho biết:
“Thật ra cái vấn đề mà liên quan đến vấn đề bảo hành thì buộc mình cũng phải cung cấp thông tin, tại vì bây giờ bảo hành chỉ cần đọc số điện thoại thôi không cần phiếu bảo hành nữa là có thể được bảo hành rồi nên buộc phải cung cấp số điện thoại, còn email thì chị hạn chế lắm. Lúc trước thì cũng không có để ý nên xin thì cũng cứ cho còn bây giờ nó phát tán rộng quá rồi, nhiều nơi cứ gọi đến quấy rối mình thì mình cũng hiểu ra những cái nguồn mà mình cung cấp cho siêu thị Thế giới Di động hoặc các đơn vị mình từng mua hàng. Ban đầu xin thông tin để bảo hành sản phẩm thôi nhưng chị nghĩ đó cũng là cái nguồn để nó bán thông tin cho nên sau này chị không cung cấp nữa.”
Đồng ý với điều này một người dân khác cũng cho rằng, anh không quan ngại việc thông tin tài khoản bị lộ mà chỉ phiền nhất là cứ bị gọi quảng cáo. Bởi vì, các công ty muốn bán sản phẩm thì sẽ tìm kiếm nguồn thông tin khách hàng bằng nhiều cách khác nhau, do đó tin tặc có thể dựa vào điều đó để bán thông tin khách hàng cho các công ty có nhu cầu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. AFP
“Thật sự phải nói là thời buổi công nghệ mới rồi, tất nhiên các thông tin bảo mật ai cũng muốn rồi nhưng mà thông tin mình mà cứ bị quảng cáo này kia, thì khi mình mua hàng là có số điện thoại thông tin mình rồi. Đôi khi mới đầu cũng thấy khó chịu nhưng thời buổi bây giờ thì nó bình thường đừng làm tổn hại gì xã hội thôi. Thời gian đầu khó chịu lắm vì đi đâu nó cũng biết nhưng nghĩ lại thời buổi không phải 4.0 nữa mà là 4.1 luôn rồi.”
Theo một số chuyên gia công nghệ cho rằng, vấn đề bảo mật thông tin tại các công ty dù lớn hay nhỏ luôn được quan tâm hàng đầu. Nhưng tại Việt Nam vấn đề bảo mật thông tin thì vẫn chưa được đầu tư đúng mức, cho nên sớm hay muộn cũng bị tin tặc tấn công rồi sau đó mới đầu tư cho bảo mật.
Ông Nguyễn Tử Quảng đồng ý điều đó và chia sẻ với chúng tôi:
“Ví dụ như vụ Thế giới Di động thì nó chưa rõ ràng nhưng chúng ta cũng không khẳng định TGDD bị thâm nhập lấy dữ liệu nhưng việc các doanh nghiệp bị lấy cắp dữ liệu như vậy là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra và nó là vấn đề chung của thế giới. Tại Việt Nam thì vấn đề nhận thức về an ninh mạng cũng đã được tốt nhưng thật tốt hơn chưa thì tôi khẳng định là chưa, bởi vì đôi khi các doanh nghiệp đầu tư chưa đúng mức và đúng cách.”
Ngoài ra, ông Quảng còn cho biết thêm vấn đề an ninh mạng này là những vấn đề không phải là quá mới và nó diễn ra thường xuyên trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Ông cho rằng có dấu hiệu của một sự lợi dụng bất thường nên mọi người bình tĩnh xem xét kỹ trước khi quyết định để không rơi vào bẫy của tin tặc.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị tin tặc tấn công lấy cắp thông tin người dùng. Vài năm trở lại đây nhiều nhà cung cấp mạng, các cơ quan chính phủ Việt Nam và ngay cả hệ thống an ninh hai sân bay lớn Tân Sơn Nhất và Nội bài cũng thường xuyên bị tin tặc đột nhập.
Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam phải hứng chịu 6500 vụ tấn công mạng. Trong năm ngoái, những mã độc hệ thống máy tính gây thiệt hại cho Việt Nam 540 triệu đô la Mỹ.

No comments:

Post a Comment