Theo BBC-3 giờ trước
Một luật sư bình luận với BBC rằng "sẽ có nhiều ý kiến trái chiều từ giới hoạt động nhân quyền về dự luật Đặc xá sửa đổi".
Tin cho hay các đại biểu Quốc hội hôm 7/11 thảo luận về dự luật Đặc xá sửa đổi.
Báo Tuổi Trẻ hôm 7/11 cho biết: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung rà soát và bổ sung các tội không đề nghị đặc xá, chủ yếu thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và chương về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh."
"Cụ thể, dự thảo Luật đặc xá sửa đổi quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án về một trong các tội: phản bội tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn và khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, và khủng bố."
'Ý kiến trái chiều'
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC hôm 7/11: "Tôi nghĩ quy định những tội nào được đặc xá, tội nào không thì phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của loại tội phạm đó và đặc điểm của thể chế chính trị."
"Đa số người dân sẽ đồng tình không đặc xá cho các tội: phản bội tổ quốc, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, khủng bố."
"Tuy nhiên việc quy định không đặc xá đối với các tội "bạo loạn và khủng bố chống chính quyền nhân dân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền."
"Nhưng nói thật là tôi không ngạc nhiên với quy định này. Vì một trong những thuộc tính của pháp luật Việt Nam là nó phản ánh ý chí của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền đương nhiên sẽ ban hành các quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị của mình. Đây là một sự thật hiển nhiên, không phải chỉ riêng đảng Cộng sản Việt Nam."
"Theo tôi, cái gốc của vấn đề không nằm ở chỗ không đặc xá đối với những tội "nhằm chống lại chính quyền nhân dân" mà nằm ở chỗ chính quyền đó có thực sự là của nhân dân hay không. Nếu chính quyền đó thực sự là của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng cầm quyền nào thì tôi hoàn toàn ủng hộ không đặc xá đối với những tội này."
Về một số trường hợp nổi bật
Đề cập về chuyện luật Đặc xá sửa đổi có phải là động thái mở đường cho chuyện trả tự do cho ông Trịnh Xuân Thanh trong những ngày tới, Luật sư Phùng Thanh Sơn nói: "Tôi không nghĩ như vậy."
"Bởi thông thường để trình một dự án luật, cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị ít nhất một hai năm trước đó (tức trước khi ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú") và để một luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực pháp luật thì thường phải mất ít nhất 6 tháng."
"Chỉ có thể nói dự luật là mở đường cho việc trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
- Luật có hiệu lực ngay khi được thông qua
- Các điều kiện đặc xá mà dự luật đưa ra phù hợp với tình hình của ông Trịnh Xuân Thanh hiện nay.
"Luật đặc xá năm 2007 trước đây cũng như dự luật hiện nay cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại mà người được đặc xá không phải đáp ứng các điều kiện đặc xá chung."
"Do đó, việc nhà nước Việt Nam trả tự do trước thời hạn cho một số tù nhân chính trị trước đây như blogger Mẹ Nấm và Luật sư Nguyễn Văn Đài là hoàn toàn có cơ sở pháp lý."
"Việc trả tự do trước thời hạn này xuất phát từ sức ép ngoại giao nên việc công bố sự kiện này cho người dân biết thì chẳng có lợi ích gì cho chính quyền cả. Trái lại, nó càng làm mất uy tín cho chính quyền. Người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao họ là tội phạm mà những nước tiến bộ lại ủng hộ và bảo vệ họ? Liệu bản án mà chính quyền Việt Nam dành cho họ có đại diện cho chính nghĩa hay không?"
"Để bảo vệ chế độ hiện nay thì khả năng Đảng đưa tội hoạt động lật đỗ chính quyền nhân dân vào diện được xem xét đặc xá là rất thấp, nếu không muốn nói là không bao giờ có."
"Nhà bất đồng Trần Huỳnh Duy Thức đang chấp hành hình phạt tù về tội "Hoạt động lật đỗ chính quyền nhân dân". Do đó, việc ai đó đặt hy vọng ông Thức được đặc xá theo cách thức này là chuyện hy hữu."
"Bởi lẽ, nếu chính quyền thực sự muốn đặc xá cho ông Thức thì không nhất thiết phải chờ dự thảo lần này đưa tội hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân vào diện được xem xét đặc xá mà có thể đặc xá theo trường hợp đặc biệt để "đáp ứng yêu cầu vì đối nội, đối ngoại", Luật sư Sơn nói với BBC.
Hồi tháng 7/2018, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với BBC rằng luật sư và gia đình sẽ tiếp tục làm đơn và hi vọng chủ tịch nước sẽ ân xá cho ông Thức.
Theo Luật sư Ngọc Trai, bắt đầu từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự mới có quy định mới về tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", và phân biệt rõ mức phạt cho hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội.
Với hành vi chuẩn bị phạm tội, tức tội danh ông Thức bị kết tội cách đây 9 năm, giờ chỉ ở trong khung phạt từ 1 đến 5 năm tù giam.
Ông cho biết mình và các luật sư đã "năm lần bảy lượt" gửi đơn ra nhiều cơ quan ban ngành, đề nghị xem xét việc đặc xá trả tự do cho ông Thức.
"Trong trường hợp xấu các cơ quan không hồi đáp, chúng tôi sẽ vẫn kiên trì và tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan," Luật sư Ngọc Trai nói.
No comments:
Post a Comment