Ánh Liên (VNTB) Quân đội Bắc Việt được đánh giá là oai hùng, tự tôn,… Trong bộ phim ‘The Vietnam war’, giới chiến binh Bắc Việt cũng nhận được sự ghi nhận về ý chí sắt đá, tinh thần kỷ luật, quyết tâm chiến đấu, sự thiện chiến. Và tại cuộc gặp với đại tướng McNamara, Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp khẳng định, ‘lo sợ’ không có trong tư duy quân sự của chúng tôi (ý chỉ quân đội cộng sản).
Nhưng qua thời bình, có vẻ tướng tá quân đội trở nên mỏng manh và yếu đuối hơn, và họ bắt đầu ‘lo sợ’ nhiều thứ hơn. Vào năm 2014, khi được đặt câu hỏi tại sao thời chiến chỉ có 36 tướng, mà giờ nhu cầu phong tướng lại quá cao, nó có phải xuất phát do nhu cầu tác chiến, đáp lại ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP lúc đó đã khẳng định: Trung tướng đối với Giám đốc các trường, học viện chính trị và Chính ủy thì là trung tướng, giờ hạ xuống 'anh em rất tâm tư'. Những tưởng câu nói nêu trên đã bộc lộ phần nào một xu hướng tạm thời về chuộng hình thức (cấp bậc) trong đội ngũ sĩ quan cao cấp, nhưng giờ đây, sau 4 năm họp lại, ‘tâm tư’ đã thay bằng cụm từ có phần nặng nề hơn: buồn, tủi thân.
ĐB đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được |
‘Đã nói một trong những lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia, nhưng làm thế này thì anh em bên quân đội buồn, tủi thân’.
Và chủ nhân của phát ngôn này là ĐB Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt nam, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Anh Hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân.
Với tuổi đời và chức vụ như đề cập trên, rõ ràng, ‘chiến sĩ Nguyễn Văn Được’ trong thời chiến không hề mỏng manh, mà phải là cực kỳ dũng mãnh, không màng lợi danh mà phải là luôn trong tinh thần chiến đấu và quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nhưng giờ đây, cũng chiến sĩ ‘oai hùng’ năm xưa đó, lại thể hiện một quan điểm rất chi là dễ vỡ và có phần nhỏ mọn, tính toán. Đó là, tướng công an được phong như thế nào thì quân đội phải tương xứng như thế. Nhưng nếu xét trên cơ sở ‘tương xứng’, thì quan điểm của ĐB Được cũng có thể hiểu được phần nào, ít nhất là đảm bảo sự công bằng trong quyền lực vũ trang. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thể hiện tính chất ‘kèn cựa’ giữa hai lực lượng vũ trang này về mặt nhà nước, và nhà nước bằng cách nào đó buộc phải ‘gánh’ nếu không muốn sự ‘bất bình’ trong nhóm tướng tá đôi bên.
Nếu ĐCSVN lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam chu cấp ngân sách, tính chất ‘ganh nhau’ từng chút một nêu trên là một vết nứt giữa hai lực lượng vũ trang, và nếu Nhà nước Việt Nam xử lý không khéo léo thì tương lai có thể một trong hai sẽ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ theo một mức độ nào đó.
Ở một góc nhìn khác, sự ‘ganh nhau’ lần này về hình thức là đòi hỏi sự công bằng, nhưng đồng thời, nó là hệ quả của việc phong tướng tá tràn lan trong thời bình, nhất là thời kỳ mà sử dụng hàm tướng tá để lôi kéo phe phái như trước đây. Hay chính khách Việt Nam đã biết ‘nịnh’ giới lãnh đạo cấp cao để làm lợi vị thế chính trị của mình. Rõ ràng, nếu ông TBT Nguyễn Phú Trọng có một sự can thiệp hợp lý nhằm xử lý ổn thỏa hiểm họa ‘tỵ ganh’ này, thì ông thúc đẩy sự công bằng hóa trong cả hai lực lượng, theo đó, Tỉnh đội trưởng (Quân đội) và Giám đốc (công an) phải nằm cùng trần quân hàm với nhau, và trong thời bình này nên là hàm Đại tá. Việc tiến hành thế này cũng đồng thời giải quyết cả khâu lạm phát tướng, ‘tâm tư’ cũng như giảm bớt nguồn ngân sách chi ra cho ‘chế độ’ các tướng tá. Tuy nhiên, việc này cơ bản là khó, bởi sự phấn đấu của các tướng tá, sự trung thành tuyệt đối với ĐCSVN của cả hai lực lượng đều bị gắn chặt bởi lợi quyền mà ĐCSVN ban tặng, trong đó có hàm lẫn phúc lợi hưu trí.
Câu chuyện phát ngôn của ĐB Được và ĐB Thanh trước đó cũng được xem là yếu điểm của chế độ mà ông Nguyễn Phú Trọng hoặc những người như ông cần phải giải quyết, một mâu thuẫn tồn tại phức tạp trong một mâu thuẫn.
Câu chuyện buồn và tủi thân của tướng quân đội một lần nữa cho thấy có sự tương đồng hệ cơ cấu quyền lực của nhà nước Việt Nam hiện nay với hệ cơ cấu quyền lực của Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc), một nhà nước được dựng lên bởi cuộc khởi nghĩa, duy trì bởi các lãnh tụ và phong tướng đến 2.000 người để đảm bảo giữ vững trụ cột quyền lực. Và nhà nước Thái Bình Thiên Quốc tiêu vong chính là khi quyền lực bè cánh chia rẽ sâu sắc cũng như mất lòng dân. Điều này có nghĩa là gì? Nhà nước Việt Nam cũng sẽ vậy, nếu như không kiểm soát được khả năng phong tướng cho cả hai lực lượng, vừa hình thành sự đố kỵ hai bên, vừa khiến lòng dân không hề yên, xuất phát từ quan điểm của ĐB Được: một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia.
No comments:
Post a Comment