Wednesday, November 7, 2018

Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Đảng cử, đảng bầu?

RFA-2018-11-06  
Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội hôm 23 tháng 10 năm 2018.
 Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội hôm 23 tháng 10 năm 2018.AFP
Ngày 4/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi họp công bố quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 và Tổ giúp việc.
Ban này do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, sáu người khác gồm Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tổ giúp việc gồm 12 người, do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Tổ trưởng.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nộ nói rằng ban này chỉ khác tên chứ không phải là ban mới:
Cái ban đấy thì vẫn thường có, cứ mỗi lần chuẩn bị đại hội đảng thì họ lại lập ra Ban chuẩn bị nhân sự, bây giờ gọi là Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tôi thì tôi gọi là một ban quái gở.
Nhiệm vụ của ban này là để đi tìm những cán bộ rồi đưa vào danh sách để các đại hội bầu ủy viên trung ương, Bộ chính trị, và tất nhiên dự trù những cá nhân để bầu Bộ trưởng, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Chủ tịch quốc hội. Ban này tìm người, lập danh sách rồi lên danh sách gọi là quy hoạch cán bộ. Ban này quyền hành to lắm đấy.
Đáng lẽ ai được bầu thì ra đại hội ứng cử, giới thiệu, tranh luận, tranh cử để được bầu. Ở đây là lên danh sách theo kiểu trước đây gọi là “đảng cử dân bầu”. Bây giờ thì “đảng cử, đảng bầu”. Mà cử là do ban quy hoạch này cử đấy. Coi như họ chọn trước. Ví dụ bầu ba người thì chọn trước 4, 5 người rồi đem ra bầu.
RFA: Một trong những yêu cầu chọn người được đưa ra là trình độ, hiểu biết phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế... và loại bỏ ngay những người có biểu hiện suy thoái. Giáo sư nghĩ sao về yêu cầu này?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Người ta nói thế thôi chứ thực chất là chọn người cùng phe cánh với họ, cùng chạy chọt với họ. Nói cho hay thì ai chả nói được. Họ nói là phải làm cho liêm khiết, cho tử tế, cho đúng đắn, phải chọn cho được người có tài có đức. Họ tạo ra địa chỉ để chạy chức chạy quyền. bây giờ ông nào muốn vào trung ương, ông nào muốn vào tứ  bộ trưởng thì phải biết, phải đến gặp mấy người trong ban.
Hiện nay họ đưa ra một quyết định rất dở hơi rằng ra đại hội thì đại biểu không được giới thiệu người mà chỉ được bầu trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị. Cấp ủy cũ thì dựa vào danh sách của mấy ông trong Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Các ông này lựa chọn thay cho đại hội.
Phải loại bỏ ra khỏi danh sách những người biểu hiện suy thoái, thực ra là loại bỏ những người không ăn cánh với họ. mà muốn loại thì dễ lắm, chỉ cần sơ hở một câu nói nào đó thôi. Thực chất họ loại vì không ăn cánh, không phải trong phe nhóm. Việc tiêu cực là chắc chắn xảy ra.
RFA: Ban chỉ đạo chỉ đưa danh sách rồi ra đại hội sẽ bầu. Tức là cũng có bầu bán. Như vậy có dân chủ hay không, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Tôi thấy chẳng có dân chủ gì cả. Chỉ là dân chủ giả hiệu thôi, bởi mọi người chỉ được bầu trong danh sách chọn sẵn. Cách làm như thế này là hạn chế những người có uy tín, có năng lực, có tài năng nhưng không cùng phe cùng nhóm. Không chấp nhận ứng cử của những người mà họ cảm thấy họ đủ trình độ và năng lực. Nếu muốn được nằm trong danh sách bầu thì phải vào cho được cái quy hoạch của người ta.
Cách làm như thế này là một dạng độc tài độc đoán chứ chẳng dân chủ gì hết.
Người ta sẽ có mẹo, có cách để chọn người họ muốn. Ví dụ đưa ra danh sách 10 người để bầu ra 5 thì trong các buổi họp, người ta sẽ có cách vận động, thảo luận để nói nên bầu cho ai. Lúc ấy cũng có một chút gọi là “dân chủ”, tức là được lựa chọn 5 trong 10 người. Họ không ép buộc vì nó rõ ràng quá, nhưng họ sẽ tìm cách vận động để hướng dẫn cho người bỏ phiếu.
RFA: Cám ơn Giáo sư đã dành thời gian cho RFA.

No comments:

Post a Comment