HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong việc tổ chức đám tang ông Trần Đại Quang, người tạm đóng vai chủ tịch nước thay thế ông đứng hàng thứ 17, một vị trí rất thấp trong ‘triều đình cộng sản’. Người dân chú ý vì bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đang đứng đầu nhà nước, với chức quyền Chủ Tịch Nước, đáng lẽ ngồi ngang hàng với ông Nguyễn Phú Trọng.
Dư luận bắt đầu “soi” từ lá thư bà viết về “nỗi buồn sâu sắc” khi ông Quang qua đời được đăng trên website của Văn Phòng Chủ Tịch Nước, bà dùng những câu chữ “lủng củng, tối nghĩa” hình như không được các thư ký sửa chữa giúp trước khi công bố. Người dân đồn nhau rằng đám đàn em của ông Quang trong văn phòng chủ tịch cố ý để lộ trình độ thấp, hay “cái dốt” của bà Thịnh cho thiên hạ chứng kiến.
Trong thư trên, bà gọi ông Quang là “anh” và kể lể chuyện vặt vãnh về việc phòng ăn của Phủ Chủ Tịch nay vắng bóng ông Quang. Nhưng lá thư không nêu được một “thành tựu” nào của ông Quang trong vai trò đứng đầu nhà nước. Đó là điều làm những tay chân của ông Quang bất mãn, họ nghi ngờ bà viết theo “chỉ thị” của các đối thủ với ông Quang trong bộ chính trị.
Hình ảnh bà Thịnh nhạt nhòa trong đám tang ông Quang trước hai nhân vật chủ trì nghi thức di quan là ông Nguyễn Phú Trọng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hôm 27 Tháng Chín, ông Mạc Văn Trang, Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền chủ tịch nước, đáng lẽ phải là phó ban lễ tang mới đúng, vì nhiều tổng thống các nước gửi thư chia buồn đến quyền Chủ tịch nước. Vậy mà trong danh sách ban lễ tang bà bị lép vế, xếp thứ 17 sau 16 ủy viên Bộ Chính Trị. Đây là ban lễ tang của nhà nước chứ có phải ban lễ tang của đảng đâu mà sắp xếp thứ bậc như vậy? Thật quá máy móc và rất chướng. Hơn nữa ban lễ tang làm gì mà đông tới 37 người?”
Tình trạng lép vế của bà Thịnh được giới quan sát lý giải là do bà được “cơ cấu” làm phó chủ tịch nước chỉ vì theo thông lệ của đảng CSVN, đó là vị trí dành cho nữ giới. Chẳng hạn, người tiền nhiệm của bà Thịnh là bà Nguyễn Thị Doan.
Bên cạnh đó, tuy ngồi vào ghế phó chủ tịch nước từ Tháng Tư, 2016, nhưng đến nay bà vẫn chưa lđược đưa vào Bộ Chính Trị mà chỉ là một trong số 178 ủy viên trung ương.
Dư luận cũng cho rằng, nếu như ông Quang không đột ngột qua đời hôm 21 Tháng Chín, việc ngồi ở ghế phó chủ tịch nước đối với bà Thịnh đã là “hết nấc”, vì lâu nay bà chỉ được làm tới cán bộ Liên Hiệp Phụ Nữ. Văn bằng cao nhất của bà được ghi nhận cũng chỉ là thạc sĩ ngành Xây Dựng Đảng do trường của đảng cấp cho.
Tuy là người ở vị trí thứ hai lãnh đạo nhà nước CSVN, nhưng bà Thịnh cũng không thấy nổi bật lên khi năm ngoái ông Quang đi Nhật chữa bệnh, vắng mặt nhiều tháng. Thậm chí, khi bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Chính phủ Myanmar đến thăm Hà Nội vào Tháng Tư, 2017, bà Thịnh cũng không được thay mặt ông Quang để đón tiếp. Bà Suu Kyi khi đó chỉ gặp ba trong bốn “tứ trụ” Việt Nam còn lại–tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội.
Chức quyền chủ tịch nước của bà Thịnh chỉ là nhất thời, chờ có người thật sự thay thế ông Quang. Hiện các ứng viên nặng ký nhất là Bí Thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng.
Người được lựa chọn dự trù sẽ được Quốc Hội CSVN “phê chuẩn theo chỉ thị” của Bộ Chính Trị tại kỳ họp vào Tháng Năm, 2019. (T.K.)
No comments:
Post a Comment