NINH BÌNH, Việt Nam (NV) – Chiều hôm 27 Tháng Chín, thi hài Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang được đưa về chôn cất tại khu đất ở quê nhà, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn.
Báo Zing tường thuật tại hiện trường: “Hàng ngàn người dân vây quanh khu mộ chủ tịch nước, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh lễ tang. Nhiều người trèo lên cây, mái nhà, nóc xe hơi và các điểm cao xung quanh khu mộ.”
Tuy quốc tang đã kết thúc nhưng những bàn tán về khu chôn cất ông Quang vẫn còn râm ran trên mạng xã hội.
Tuy các báo Việt Nam hiện không còn nhắc gì đến diện tích của khu đất an táng nhưng nhà báo Trần Thị Sánh của báo Đất Việt công khai viết trên trang cá nhân: “Khác với mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa (tỉnh Quảng Bình) với thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông và mộ cố Thủ Tướng Phan Văn Khải nằm bên mộ vợ giữa vườn cây trái trong tư gia ở huyện Củ Chi, khu mộ của Chủ Tịch Trần Đại Quang lại hoành tráng rộng tới 3 héc ta đang được gấp rút thi công ngày đêm với sự tham gia của hàng trăm công nhân, kỹ sư, hàng trăm ô tô, xe tải, xe lu các loại, hàng trăm nông dân cùng biết bao nguyên vật liệu như đá xanh, gỗ quý, gạch ngoại, xi măng… cùng những con đường, con kênh, cây cầu với nhiều ngọn đèn cao áp sáng trưng.”
“Không hiểu đây là nguyện vọng, là di chúc của Chủ Tịch Quang hay chủ trương của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, của những người đang sống? Đây là tiền lệ rất xấu cho những cán bộ cao cấp khi mất và tốn kém hơn nhiều lần nếu như an táng tại nghĩa trang Mai Dịch,” bà Sánh viết.
Cùng thời điểm, blogger Đỗ Nam Trung, người có quê ở xã Quang Thiện, khẳng định trên trang cá nhân rằng khu chôn cất ông Quang không phải chỉ “3 héc ta” như một số báo Việt Nam vội đăng rồi sau đó xóa chi tiết này, mà thực tế còn to hơn nhiều.
Blogger này viết: “Để làm vẻ vang cho dòng họ Trần và chuẩn bị hậu sự cho mình, Quang đã về quê tung tiền ra mua lại một mảnh đất ruộng rộng 100m, dài 640m, diện tích 64,000 m2 (tức 6.4 héc ta). Sau đó Quang phù phép biến nó từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi xây dựng lại cho khang trang, sạch sẽ. Với mảnh đất vuông vắn này, ai cũng có thể đoán Quang dự định sẽ xây dựng cả một công trình đồ sộ trên đó.”
Cũng nhân sự kiện thời sự, nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ chia sẻ lại một bài viết từ hồi 2002 về nghĩa trang Mai Dịch, nơi mà ông thấy “không có sự cao to khác thường của bất cứ ngôi mộ nào”, dù đó là mộ của hai lãnh đạo cao cấp CSVN là cựu Chủ Tịch Nước Tôn Đức Thắng hay cựu Tổng Bí Thư Lê Duẩn.
Hồi Tháng Hai, 2018, báo VnExpress cho hay, nghĩa trang Mai Dịch sẽ được nâng cấp thành công viên nghĩa trang với quy mô 5.8 héc ta.
Thời điểm đó, mạng xã hội dấy lên chỉ trích dự án chi 1,400 tỷ đồng ($59.7 triệu) để xây “nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp” rộng 120 héc ta ở xã Yên Trung, ngoại thành Hà Nội.
Lập luận chính để phản đối đề xuất này được dẫn chứng từ trường hợp các quan chức CSVN qua đời gần đây đều chọn xây lăng mộ ở quê mình, thay vì được chôn cất chung với nhau ở một nghĩa trang và bị giới hạn về kích cỡ ngôi mộ.
Người ta cũng đồn rằng hai cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu hiện cũng đã xây xong khu lăng mộ “rộng vài héc ta” tại quê nhà của họ để chuẩn bị cho “hậu sự”. (T.K.)
No comments:
Post a Comment