Wednesday, May 2, 2018

Vụ lật xe lửa ở Bàu Cá năm 1982: Nghĩa trang của sự quên lãng


Nghĩa trang Đ.S 17-03-1982, nơi yên nghỉ của nhiều thân phận bị lãng quên sau tai nạn lật tàu 183 tại Bàu Cá cách nay 36 năm (Hình: Trần Cẩm cung cấp)
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Những ngày vừa qua, không chỉ nhật báo Người Việt, mà báo chí trong nước cũng bắt đầu khơi lại một vụ tai nạn xe lửa được xem là thảm khốc nhất trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam xảy ra tại ga Bàu Cá, tỉnh Đồng Nai, vào ngày 17 Tháng Ba năm 1982 khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Lý do sự kiện này được khơi lại bắt nguồn từ năm 2014, khi chị Trần Thị Cẩm, 59 tuổi, hiện sống ở Phú Nhuận, Sài Gòn, quyết tâm đi tìm tung tích anh trai và chị dâu mình, người mà chị cho rằng đã thiệt mạng trong tai nạn xảy ra từ 36 năm trước, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên chị và gia đình đã không thực hiện được tìm kiếm sớm hơn.
Trong quá trình tìm kiếm này, nhiều sự thật, nhiều câu chuyện đã lần lần được mở ra. Trong đó, chuyện về một nghĩa trang hiện còn hơn 100 ngôi mộ của những người qua đời trong tai nạn đó bị lãng quên khiến nhiều người kinh ngạc, cũng như chuyện làm sao tìm cho ra bản sơ đồ chôn cất những nạn nhân “vô danh” ngày ấy để thân nhân biết mà đến đưa hài cốt về là chuyện được quan tâm nhiều nhất.
Đào 200 lỗ huyệt, chôn hơn 100 hòm trong đêm
Trong kỳ 1 của loạt phóng sự này, chúng tôi có nhắc đến giấc mơ kỳ lạ của chị Trần Thị Cẩm về hình ảnh của một nghĩa trang chìm khuất trong cỏ dại hoang vu mà người anh trai chị “báo mộng” cho biết “Cẩm ơi, anh nằm chết ở đây!”

Ông Nguyễn Kim Hoạt, một trong những người đào huyệt chôn nạn nhân lật tàu ở ga Bàu Cá ngày 17 Tháng 3, 1982, và vẫn đang tiếp tục chăm sóc nghĩa trang này (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

Theo lời chị Cẩm, “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nghĩa trang là một cảnh tượng rất đau lòng, cây cỏ bụi bờ hoang vu, có nghĩa là mấy mươi năm rồi hình như không ai đặt chân tới.”
Và cũng trong lần đầu tiên tìm đến nơi này, chị Cẩm đã gặp một ông cụ ngoài 80 tuổi ngồi lặt điều trong vườn điều cách nghĩa trang không xa. Đó chính là ông Nguyễn Kim Hoạt, một trong số những người đã đào huyệt chôn cất nạn nhân thiệt mạng trong chuyến tàu định mệnh mang số hiệu 183 từ mấy mươi năm trước.
Nói chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại, ông Hoạt kể, “Tôi nhớ trưa hôm đó nghe báo có tai nạn lật tàu, tôi cùng với nhiều người dân trong ấp ra giúp chính quyền đào mộ. Họ nhờ chúng tôi đào 200 lỗ huyệt. Đào đến tối thì xong, lúc đó có xe tải chở hòm vô và chúng tôi chôn họ trong đêm.”
Theo lời ông Hoạt, “Bên trong hòm là đàn ông hay đàn bà, là xác nguyên vẹn hay bị gì chúng tôi không biết, chỉ biết là một người có trách nhiệm chỉ hòm nào đưa xuống huyệt nào thì chúng tôi cứ theo vậy mà mang hòm bỏ xuống và lấp đất lại thành mộ đất đàng hoàng. Còn việc họ có đánh dấu mộ đó là của ai không thì tôi không hề biết.”
Cũng theo ông Hoạt, “Lúc đầu chính quyền nhờ đào 200 huyệt, nhưng chôn không hết, chỉ có 117 hòm, nên những huyệt dư được lấp lại.”
“Ngay lúc đó thì không có mộ nào có bia hết. Tuy nhiên, sau đó có một vài mộ có bia bằng xi-măng, nhưng mà ít lâu sau thì những ngôi mộ đó cũng đều đã được bốc đi. Tôi nghĩ có lẽ đó là mộ của những người có giấy tờ, thân nhân biết tìm đến. Còn lại tất cả đều không có bia,” ông Hoạt nói thêm.
Tìm thân nhân trong nghĩa trang nhờ có sơ đồ, hình ảnh
Trong bài viết trước chúng tôi có nhắc đến trường hợp của anh Lý Thoại Phương, hiện ở Gò Vấp, Sài Gòn, là người không đi trong chuyến tàu định mệnh mang số hiệu 183, nhưng lại “may mắn” nhận được xác mẹ mình ngay tại hiện trường tai nạn, dù khi đó xác bà đã được gói vào bao nilong chuẩn bị đưa đi chôn.
Tuy nhiên, số người biết tin để chạy đến tìm người thân như anh Phương khi đó không nhiều. Thế nên những người hay tin sau đó phải đi nhận thân nhân mình trong một nghĩa trang cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 3-4 cây số.

Chị Trần Thị Cẩm, người đầu tiên “lật lại” hồ sơ tai nạn lật tàu khiến hơn 200 người chết vào ngày 17 Tháng 3, 1982 tại ga Bàu Cá (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

Trong số này có ông Tâm Trần, hiện đang ở Garden Grove, California, người có vợ và hai người con gái thiệt mạng trong tai nạn thảm khốc nói trên.
Ông Tâm kể, “Lúc đó tôi ở Nha Trang, mới ra tù cải tạo, còn bị giữ ở địa phương vì không có giấy tờ gì hết. Tai nạn xảy ra, có người biết tin báo về cho hay. Người nhà tôi mới lên đồn công an trình bày và bảo lãnh tôi ra để đi tìm vợ con.”
“Tôi đón xe đò đi vào đến nơi thì cũng đã hai ngày sau tai nạn. Hình ảnh tôi nhìn thấy rất hãi hùng. Các toa tàu bị lật, nát ra, đổ vỡ, rồi hàng hóa, hàng lý của khách đi tàu văng tung tóe, nhìn thấy sợ lắm. Nhưng xác người thì đã đưa đi hết rồi,” ông Tâm nhớ lại.
Ông nói tiếp, “Thực ra lúc đó mình cũng đâu biết là vợ con sống chết thế nào, chỉ biết là có đi trên chuyến tàu đó. Tôi đến cơ quan chính quyền địa phương hỏi thăm. Ai chết thì họ có danh sách, có hình ảnh để mình nhận dạng. Còn mình không tìm thấy tên, thấy hình ở đó tức là không chết ở đó mà đã đưa đi bệnh viện.”
Ông Tâm cho rằng do vợ ông có mang giấy tờ, các con ông cũng có nên khi “mình nói tên thì họ xem trong danh sách rồi chỉ mình ra nghĩa trang tìm.”
“Khi tôi đến thấy cũng có nhiều người đến đi tìm thân nhân. Vợ và hai con tôi không phải chôn cạnh nhau mà chôn lung tung hết, mình phải đi tìm một hồi mới ra,” ông Tâm kể.
Ông nói, “Do lúc đó xác mới chôn, lại thêm điều kiện quá khó khăn, tôi lại vừa mới ra tù nên tôi không bốc xác mang về liền mà để lại đó đến hơn một năm sau mới quay trở lại hốt cốt đem về.”
Ông Tâm cũng cho biết ông có được nhận số tiền 3 ngàn đồng gọi là tiền “bồi thường” hay “bảo hiểm” cho cái chết của vợ và hai con ông.
Cũng như anh Lý Thoạt Phương, ông Tâm cũng xác nhận một điều, rằng: khi đó có một sơ đồ đánh dấu vị trí chôn các nạn nhân. Nạn nhân có giấy tờ thì họ ghi lại tên tuổi vào quyển sổ. Nạn nhân không có giấy tờ thì họ chụp hình lại, hình đen trắng và ghi vị trí ngôi mộ phía sau mỗi tấm hình.

Ngôi mộ đôi trong Nghĩa Trang Đ.S 17-03-1982 (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

Điều này cũng trùng khớp với sự xác nhận của gia đình bà Phan Thị Tư hiện ở Nha Trang, người có mẹ mất trong vụ lật tàu 183.
Chị Cẩm kể, “Sau khi nghĩa trang được phát quang, thì ngoài một vài tấm bia có tên nạn nhân còn sót lại nhưng hài cốt đã được bốc đi, thì nơi đây chỉ có một ngôi mộ đôi được xây cất cẩn thận, và trên tấm bia có một ghi chú khá đặc biệt cùng với số điện thoại liên lạc.”
Theo số điện thoại đó, chị Cẩm gọi thì được biết đó là ngôi mộ của mẹ bà Phan Thị Tư. Ngày ấy, khi thấy người mẹ đi lâu không về, gia đình bà Tư đã đi nhiều nơi tìm kiếm và có đến cơ quan đường sắt ở đường Hàm Nghi, Sài Gòn để hỏi. Tại đây, gia đình bà Tư được đưa cho một số hình ảnh và sơ đồ nghĩa trang để xác minh người thân. Nhờ hình ảnh và sơ đồ đó mà bà Tư xác định ngôi mộ mang số B17 là mộ của mẹ mình.
“Bà Tư cùng người nhà tìm đến nghĩa trang, tìm đúng vị trí ngôi mộ và lấy đá sỏi viền xung quanh phần mộ đó như một kiểu làm dấu trong khi họ chưa có điều kiện làm bia hay bốc cốt mang về,” chị Cẩm kể lại những gì nghe được từ bà Tư.
Nhiều năm sau, gia đình bà Tư quay trở lại để xây mộ đá cho mẹ chứ không bốc cốt về quê do “vấn đề tâm linh,” thì lại phát hiện ra là có tới hai phần mộ viền đá sỏi và họ không thể nào xác định được cái nào là mộ của mẹ mình.
Chính vì vậy mà gia đình bà Tư quyết định xây chung một mộ đá cho cả hai phần mộ đó, và trên tấm bia ghi rõ dòng chữ “Trong hai ngôi mộ này có phần mộ mẹ chúng tôi. Phần mộ còn lại nếu có thân nhân xin liên hệ cùng chúng tôi để tìm hiểu. Liên lạc số điện thoại…”
Tuy nhiên, chị Cẩm nói, “Bao năm rồi vẫn không có một ai liên lạc với họ.”
Nhọc nhằn một cái tên, gian nan một bản sơ đồ
Ngày nay, sau 4 năm chị Cẩm thực hiện hành trình tìm kiếm tung tích anh trai và chị dâu mình, thì nhiều người nghe nhắc đến “Nghĩa trang Đ.S 17-03-1892.” Tuy nhiên, để có được tấm bảng tên cho nghĩa trang này cũng là một câu chuyện khá lạ lùng.
Chị Cẩm cho biết, “Từ năm 1982 sau khi chôn cất nạn nhân xong, người ta có xây tường rào cao 70cm xung quanh và nghĩa trang cũng có cái cổng nhưng không ghi dòng chữ nào.”
Ông Hoạt kể, “Ngày trước, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến nghĩa trang này, nhưng sau đó thì không ai chăm sóc nên cỏ dại mọc um tùm, che kín hết. Cho đến năm 2014, khi bà Cẩm tìm đến đây, bà ấy nhiệt tình quá, cứ lên thắp hương hoài, nên tôi mới nói với bà con trong ấp là người ta đã đến tìm như vậy thì thôi mình phát quang nghĩa trang cho sạch sẽ.”
“Đây là một nghĩa cử mà tôi không bao giờ quên. Sau đó thấy cổng đã xỉn màu đen như than, bà con lại bàn nhau sơn màu trắng cho bớt âm u, lại còn góp tiền định khắc hàng chữ nổi ‘Nghĩa Trang Tai Nạn Đường Sắt 17/3/1982’ để đánh dấu sự kiện tai nạn, đồng thời cho mọi người biết đó là nơi chôn người, vì thực tế khi phát quang rồi thì nhìn vào chỉ thấy đó bãi đất trống với trên 10 cái lỗ huyệt bốc rồi, không còn dấu tích gì của những ngôi mộ đất ngày trước. Ba mươi mấy năm, tất cả đều bị san bằng là điều tất nhiên thôi,” chị Cẩm cho hay.
Cũng theo lời kể của chị, “Khi đắp chữ lên cổng, bà con nhận thấy là nếu ghi đầy đủ như dự tính lúc đầu thì chữ quá nhỏ nên bà con ghi tắt là ‘Nghĩa Trang ĐS 17-03-1982.’”

Người dân tự sơn lại chữ “Đ.S” sau khi chính quyền đục bỏ tại Nghĩa Trang Đ.S 17-03-1982 (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

“Không dừng lại ở đó, người dân địa phương còn đóng góp tiền thuê đúc 100 bia ghi ‘Mộ VD’ (vô danh) cắm tạm 4 hàng theo dấu mấy mộ đã bốc. Việc khắc tên cổng và cắm bia nhằm mục đích bảo vệ sự tồn tại của nghĩa trang này,” chị Cẩm nói thêm.
Tuy nhiên, nói với phóng viên Người Việt, ông Hoạt cho biết thực tế chỉ có 80 bảng “Mộ VD” được cắm lên.
Giải thích lý do vì sao chỉ có 80 bảng, ông Hoạt nói, “Tôi đoán là trên 100 nhưng có một số lỗ họ đào rồi thì tôi nhắm còn lại chừng đó thì tôi làm 80 cái chứ thực ra các ngôi mộ không còn chia rõ ràng nữa.”
Kể từ sau ngày tìm được nghĩa trang này cũng như liên lạc được với thân nhân có người lâm nạn năm xưa, chị Cẩm đã liên tục đi nhiều nơi để kêu gọi sự giúp đỡ làm sao có được sơ đồ chôn cất năm xưa để những người như chị còn có thể biết đâu chính là nơi thân nhân mình đang yên nghỉ.
Chị nói, “Tôi đi đến ga Sài Gòn ở đường Hàm Nghi, rồi đến công an tỉnh Đồng Nai, là nơi xảy ra tai nạn, qua đến nơi lưu trữ hồ sơ có liên quan đến tai nạn đường sắt của tỉnh Đồng Nai, đến cả phòng kỹ thuật hình sự của tỉnh để hỏi, nhưng câu trả lời chung là: những người đang làm việc hiện tại đều là người mới, họ không biết gì đến tai nạn ngày đó, mà thậm chí có người biết loáng thoáng thì cũng không còn giữ lại bất kỳ hồ sơ gì liên quan đến những người thiệt mạng.”
Dù vậy, trước hành trình kiên trì của người phụ nữ này, cuối năm 2015, cơ quan đường sắt đã cho chỉnh trang lại tường rào và cổng vào nghĩa trang cho khang trang hơn. Nhưng họ lại gỡ bỏ hai chữ “Đ.S.”
“Người dân ‘bức xúc,’ tự cho sơn lại màu đỏ trên dấu chữ cũ cho đến hôm nay,” chị Cẩm kể. Đó là lý do hiện nay ai nhìn vào cũng sẽ thấy chữ “Đ.S” không phải là chữ nổi như những chữ còn lại.
Chị Cẩm cho biết, hiện mỗi năm 4 lần, vào các ngày 20 Tháng 11 (ngày đạo Công giáo tổ chức Lễ các linh hồn), Mùng 2 Tết, ngày 17 Tháng Ba (ngày xảy ra tai nạn) và Rằm Tháng Bảy (ngày xá tội vong nhân của đạo Phật), ông Hoạt cùng những người dân địa phương đến nhổ cỏ, dọn nghĩa trang và thắp hương những người đã khuất.
“Sở dĩ chọn 4 ngày này là để người theo đạo Phật và Công giáo đều dự được,” ông Hoạt giải thích thêm.

Cổng nghĩa trang chôn cất nạn nhân vụ lật tàu ngày 17 Tháng 3 năm 1982 lúc ban sơ (Hình: Trần Cẩm cung cấp)

Ước nguyện của người ở lại
Chị Cẩm nói, “Vào Tháng Mười, 2015, sau khi một vài tờ báo trong nước lên tiếng, ông Trần Ngọc Thành, nguyên là Chủ Tịch Hội đồng quản trị Đường Sắt Việt Nam đã ‘âm thầm về thăm nghĩa trang.’ Được tin này, tôi cùng bác Hoạt chạy đến và đề đạt bốn nguyện vọng.”
Các nguyện vọng đó là:
– Xin chỉnh trang lại hàng rào đã sụp đổ để bảo vệ dấu vết nghĩa trang.
– Xin cho tìm lại hình ảnh nạn nhân tử nạn và sơ đồ chôn cất 113 nạn nhân giúp thân nhân có căn cứ xác định mộ người thân.
– Khu đất chôn mộ đắp đất năm xưa giờ đây không còn dấu vết. Xin cho khai quật để xác định rõ số người nằm dưới (cho giám định lưu trữ mẫu ADN nếu có thể).
– Xây cho mỗi người một ngôi mộ nhỏ hoặc chỉ ô vuông gạch để không dẫm đạp lên.
Tuy nhiên, kết quả mà chị Cẩm đạt được đến giờ chỉ là hàng rào đã được chỉnh trang.
Còn những đề nghị khác rơi vào im lặng.
Anh Liêm Thanh Đoàn, hiện sống ở Orange County, một trong những người “nhảy tàu” liên tục từ năm 1978 đến năm 1990, cũng là người chứng kiến tai nạn lật tàu 183, nói với phóng viên Người Việt, “Tôi là người đi tàu suốt từ Nam ra Bắc, chứng kiến không biết bao nhiêu tai nạn xe lửa, nhưng tai nạn tàu 183 ngày đó là tai nạn để lại ấn tượng kinh hoàng nhất trong đời tôi.”
“Kể từ ngày đó, mỗi lần tàu qua đoạn đường này, dù xuôi hay ngược, họ đều kéo một hồi tàu dài, rất dài. Riêng với những người từng buôn chuyến mà biết chuyện, thì mỗi lần qua đây, họ đều lặng lẽ lấy chuối bày lên và thắp nhang,” người đàn ông gần 60 trầm giọng kể, cố đè lại tiếng khóc…
Đến bao giờ, những danh tánh, hình ảnh của người còn nằm lại nơi “Nghĩa trang Đ.S 17-03-1982” mới được công bố ra cho mọi người cùng biết, để, nói như anh Liêm, “là câu trả lời cho nhiều người biết lý do vì sao ngày đó có những người con, người mẹ, người chị, người anh, người bà của mình đã ra đi và mãi mãi không về…”
—-

No comments:

Post a Comment