Ánh Liên (VNTB) Nhân bộ film của đạo diễn trẻ Bùi Hồng Điệp được phát sóng trên VTV, trong đó nhấn mạnh: 'Một thế hệ được chứng kiến và cảm nhận không gian và thời gian của ngày 30/4/1975, một thế hệ được sinh ra đúng thời điểm đất nước thống nhất'.
Có những đứa trẻ sinh ra đúng vào thời điểm thống nhất, nhưng liệu tự do của chúng có phải là khác nhau?
Thực ra, mỗi cái tên gắn liền với sự kiện 1975 hay bất kỳ một sự kiện trọng đại nào đó của quốc gia về sau đều mang những hoài vọng lớn, nhưng trong nhóm tên đó, ít bao giờ nhận ra dòng tên 'Tự do' hay 'Độc lập', mà thay vào đó là 'Giải Phóng, Quốc Thắng, Thống Nhất, Hùng Dũng, Hòa Bình'. Và bao nhiêu người mang tâm thế là 'tôi là công dân tự do' hoặc hiểu đúng về nghĩa của sự tự do?
Bao nhiêu năm qua, Việt nam liên tục cải thiện tình hình tự do của mình, và tự do của Việt nam là tự do rất,... khuôn khổ. Tự do nơi mà người dân bị hạn chế nhiều quyền, trong đó có quyền được bầu chọn lãnh đạo có năng lực xây dựng quốc gia, cũng là năng lực xây dựng tính tự do bên trong mỗi cá nhân, chủ thể của đất nước. Và vì thiếu đi yếu tố này, nên đức tính tự do trong mỗi công dân trở nên què quặt, sự què quặt nhiều đến nỗi, chính bản thân mỗi công dân lại sinh ra cái tính từ chối tự do, hoặc sợ tự do.
Nếu một lần trở về vùng đất Nghệ - Tĩnh, sẽ thấy không ít sự hiện diện của những nhóm người từ bỏ tự do hoặc sợ tự do ấy. Nhóm người mà bản thân nó được cái gắn cái tên rất kêu 'Hội cờ đỏ', nhóm người mà luôn hy vọng một sự khải hoàn của năm 1975 với sắc đỏ vàng. Và nhóm người từ bỏ sự tự do trong công dân, đưa mình vào khuôn khổ - hàng lối của cái gọi là 'đội ngũ toàn đảng'.
Sự từ chối tự do của một nhóm người không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình xây dựng tự do cá nhân, nhưng khi nhóm người này sử dụng cách thức bạo lực (thường được ghi nhận ở nhóm thiếu tính tự do), tìm cách chà đạp, ngăn cản hoặc thậm chí là 'treo cổ sự tự do', thì lúc đó là một di họa. Đó là những hành vi phản nhân quyền, và cũng vì thế mà vào ngày 27/03/2018, tổ chức BPSOS đã công bố tập hồ sơ 'Hội Cờ Đỏ' bằng tiếng Anh, trong đó có 2 phụ đính, là 2 bản báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai.
Không ai được sinh ra là công dân tự do cả, nhưng họ có thể sinh ra trong một đất nước thiếu tự do về mặt chính thể. Vấn đề tiếp theo là, họ cần lựa chọn sự tự do, và sự tự do ấy bao gồm những điều kiện cần thiết như: dấn thân vì quyền tự do và trả giá cho quyền tự do.
Việt nam không thiếu những trường hợp đó, đó là các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm,... những con người đến từ lao động tự do, giới bác sĩ, luật sư, nông dân. Và tập hợp của những người như vậy được gọi chung là 'nhóm đấu tranh nhân quyền'.
Đấu tranh nhân quyền không phải là đấu tranh để thành lập đảng phái chính trị, hay tìm cách xây dựng lực lượng cách mạng. Mà đấu tranh nhân quyền là dùng quyền ghi nhận trong hiến pháp để có thể tiến hành thực hiện và ghi nhận quyền tự do của chính mình. Quyền tự do đơn giản nhất là xuống đường và biểu thị quan điểm; quyền tự do tiếp theo là tự do và bầu cử.
Vì tự do là món quà đặc biệt, đặc biệt ở chỗ nó rất khó để hình thành và dễ dàng bị xóa bỏ; nên tiến trình đòi hỏi và xác lập quyền tự do trở nên có nhiều vấn đề hơn. Vấn đề lớn nhất trong đó là nhận thức được tự do căn bản và sự thái quá của tự do để kiềm giữ mình. Cụ thể, tự do là vận động con người trong giá trị pháp luật, chứ không phải là nhân danh tự do để làm điều xằng bậy. Thứ hai, tự do phải là tự do chung, chứ không phải là hệ chiếu của sự tự do cá nhân. Thứ ba là, tự do phải gắn liền với hệ thức nhân quyền nói chung để không gây nguy hại đến lợi ích của cộng đồng.
Tự do - cho đến nay vẫn đang ươm mầm tại Việt nam, những người đấu tranh hiện nay là những con người dấn thân nhất, ôn hòa nhất. Họ có thể không sinh ra trong thời điểm của sự kiện 1975, 1986,... nhưng họ hiểu hơn hết giá trị tự do, giá trị của việc được làm người. Nhiều trong số này cho biết, sự tự do của họ không phải là sự đòi hỏi cho cá nhân họ, mà là cả cho con cháu họ được hưởng thụ.
Không ai sinh ra là công dân tự do, nhưng họ có quyền được tự do cho mình và con cháu sự tự do. Và trong những người được xướng danh vì nhân quyền, không có những cái tên đặc biệt trong thời khắc 1975, mà tên họ có thể mộc mạc hơn như Cấn Thị Thiêu, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,... nhưng hành vi đấu tranh và dành quyền tự do đã tạo cho cái tên ấy trở nên đặc biệt, mặc dù nó bị giam cầm trong vòng lao lý.
Câu biểu ngữ của nhà nước Việt nam, trong đó yếu tố độc lập có thể đại diện là 1975, nhưng tự do chắc chắn là những con người đấu tranh nhân quyền, và hạnh phúc là đời con cháu, là dân tộc Việt nam.
No comments:
Post a Comment