Trúc Giang (VNTB) Liệu có gì liên quan giữa tập đoàn Vingroup, tập đoàn FLC với các phi vụ làm ăn liên quan MobiFone và các chủ tịch, bí thư một số tỉnh?
Bản đồ quy hoạch dự án của FLC tại Quảng Ngãi. |
ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra phục vụ công chúng, vừa đăng một bài báo (https://www.propublica.org/article/trump-inc-podcast-vietnam-casino) mô tả những mối quan hệ, và sự dàn xếp đằng sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12 năm 2016.
Cá cược và tướng Hóa
Bài báo ProPublica nói trên cho thấy dường như doanh nghiệp đã ‘lobby’ – vận động hành lang bằng mọi cách, mọi lúc cho chuyện làm ăn của mình, bất kể chính khách đó là Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hay một Thủ tướng của Nhà nước Cộng sản.
Không chắc có liên quan, nhưng nếu để ý chút sẽ nhận ra rằng vào tuần cuối tháng 1-2017, nghĩa là hơn 4 tuần lễ sau cuộc điện thoại của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP có tên “quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2017. Bộ Tài chính là nơi chấp bút nội dung của Nghị định này.
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trao đổi với tư cách cá nhân, rằng hơn mười lăm năm về trước, ông đã nhiều lần nêu vấn đề cần luật hóa về cá cược. Khi ấy, nơi “bàn ra” mạnh mẽ nhất là ngành công an. “Tôi biết đây là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến bất đồng, vì thế có thể rất khó nói… Nhưng cá cược thể thao là phổ biến ở các nước và họ đã quản lý khá tốt. Còn ở Việt Nam, dù không được phép, không nói ra nhưng ai cũng biết ở nhiều nơi vẫn xảy ra”. Ông Dũng nhận định.
Cũng chia sẻ với tư cách cá nhân, một cán bộ thuộc cơ quan an ninh chính trị nội bộ, cho hay rất có thể ai đó trong ngành công an đã cố tình “bàn ra” về chuyện luật hóa cá cược nhằm để họ tiếp tục “độc quyền bảo kê”. Vụ tướng Hóa của C50 xộ khám vừa rồi có thể là một liên tưởng (dù dè dặt!).
Mặc cả lại vai vế quyền lực?
Băn khoăn đặt ra nhân vụ bài báo “lobby” qua đường dây điện thoại mà ProPublica vừa tung ra, là có hay chăng ai đó mượn cớ “củi lò” nhằm để triệt, hoặc mặc cả quyền lực với các ông trùm làm ăn như Vingroup, FLC?
Trong phi vụ mua bán nhượng quyền giữa AVG với MobiFone đình đám hiện nay, nhìn dưới giác độ thuần kinh doanh, thì chuyện vài ngàn tỷ đồng đối với Vingroup dường như chỉ là rủi ro lường trước của canh bạc áp phe. Những giá trị bất động sản mà tập đoàn này đầu tư rãi khắp Việt Nam lên tới những con số ngàn ngàn tỷ đồng. Các chính khách ủng hộ cho Vingroup trong chuyện làm ăn, dễ nhận ra là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và tiếp nối là đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ông Phúc từng là phó cho ông Dũng). Điều này cũng tương tự như dàn xếp cú điện thoại giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 12 năm 2016. Không hẳn là tiêu cực. “Lại quả”, hay “hoa hồng” còn tùy vào cách hiểu.
Giờ đây, với chính sách “nhất thể hóa” một số chức danh giữa cơ quan đảng và nhà nước, thì quyền lực phải được mặc cả lại với vai trò không thể thiếu trong mọi hoạt động là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.
Như vậy thì nên hiểu như thế nào về tập đoàn FLC đang “bá đạo” ngay cả lúc được cho là lò đốt tham nhũng của ông Tổng Bí thư đang phần phật lửa? Không chỉ có dự án “thần tốc” ở tỉnh Quảng Ngãi, tập đoàn FLC còn được các địa phương trải thảm mời gọi, ứng tiền trước giải phóng mặt bằng, ở Quảng Bình, Bình Định...
Thậm chí hồi trung tuần tháng 4-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng tuyên bố huy động “toàn bộ hệ thống chính trị” phục vụ dự án “chủ yếu để hỗ trợ doanh nghiệp FLC làm thủ tục và giải phóng mặt bằng chứ không có cái gì đâu”. Số ‘tiền tươi – thóc thật’ mà tỉnh xuất chi hỗ trợ cho FLC lên tới 500 tỷ đồng. (Trích nội dung hôm 27-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi do ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu,tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Sơn để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sắp tới).
Dự án FLC Hạ Long từng bị Chính phủ tuýt còi! |
Trước đó, cuối tháng 3-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh dừng ngay việc thi công Dự án FLC Halong bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) thuộc địa bàn TP Hạ Long, Quảng Ninh để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên vào thời điểm đó, FLC Halong bay Golf Club & Luxury Resort gần như đã xong phần thi công cơ bản. Một năm sau, FLC tiếp tục đầu tư dự án tương tự ở Quảng Ngãi mà vẫn chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Nếu FLC không có người chống lưng cỡ to trong Bộ Chính trị, thì trong bối cảnh hiện nay, chắc hẳn sẽ không nơi nào dám tuyên bố mạnh miệng “huy động cả hệ thống chính trị” như tỉnh Quảng Ngãi.
“Cũng khó hiểu là những tỉnh nghèo như Quảng Ninh, Quảng Ngãi lại bất chấp Luật Ngân sách Nhà nước để rộng tay xuất tiền ngân sách đến vài trăm tỷ đồng để giúp FLC trong giải tỏa đền bù. Chắc chắn số tiền gọi là ứng trước, tạm ứng này của quan đầu tỉnh là vi phạm pháp luật!”. Luật sư Trần Thành bàn luận, và tin rằng chắc chắn Bí thư tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ dẫu có ‘ăn mật gấu’ cũng không dám cùng ông Trần Ngọc Căng “huy động cả hệ thống chính trị” để giúp FLC. Thế nhưng trên thực tế thì việc “huy động cả hệ thống chính trị” đang diễn ra…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, VNTB đăng tải dựa trên nguyên tắc của Điều 19 - Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
No comments:
Post a Comment