Phương Thảo (VNTB) Cái bắt tay lịch sử của hai vị lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc ở Bàn Môn Điếm hôm thứ Sáu tuần qua đã làm cho không ít người Việt phải bùi ngùi hối tiếc. Cũng là cái cảm giác họ có được như khi bức tường Berlin sụp đổ vì nhận ra rằng lịch sử quá nghiệt ngã cho một đất nước cũng từng bị chia đôi, và từng tự hào là quốc gia đầu tiên trong số 3 quốc gia trên thế giới bị chia cắt được thống nhất.
Một nước Đức thống nhất không tốn một viên đạn. Người dân Đông Đức không còn phải tìm cách vượt tường qua phía Tây để cầu mong một cuộc sống dễ thở hơn. Đông Tây hợp nhất để giờ đây Đức trở thành trụ cột của châu Âu với nền kinh tế hùng mạnh.
Cái bắt tay mang tính biểu tượng lịch sử của Kim Jong Un và MoonJae-in không dẫn đến thống nhất Hàn quốc và Triều tiên như Đông và Tây Đức, nhưng đã làm cho người ta có một cái nhìn khác về Kim Jong Un, một người cộng sản, là con ông cháu cha gộc và có thời gian du học tại Thuỵ sỹ.
Hai vị lãnh đạo nắm tay nhau qua mốc biên giới. Ảnh: BBC |
Một Kim Jong Un tươi cười, bước qua biên giới để bắt tay, nói chuyện và thậm chí pha trò với người đồng nhiệm Hàn Quốc để ký kết một tuyên bố chung nhằm đạt được mục đích chung trong việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều tiên. Hai nhà lãnh đạo Un và Moon đã hơn hẳn Việt nam 43 năm trước khi tránh được cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn không đáng có để bằng mọi giá “ thống nhất đất nước”.
Những ngày cuối tháng 4 này ở nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tập họp lại để tưởng niệm “ngày quốc hận”, tưởng niệm những người đã bỏ mạng trên đường vượt biển và biểu tình chống nhà cầm quyền Việt nam vì những vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, trong nước, người dân được nhà nước cho nghỉ lễ, ăn mừng “ngày giải phóng” dù rằng trong số họ không phải ai cũng có thể ăn mừng. Chỉ tên gọi thôi cũng đã đủ để thấy rằng dù 43 năm trôi qua, nhưng sự hoà giải giữa hai bên quốc cộng vẫn gần không thể nào có được dù quốc gia đã thống nhất về mặt địa lý.
Có những người cho rằng đó là lý do người Việt hai bên vẫn coi nhau như kẻ thù và đã đến lúc gạt bỏ lòng thù hận để có thể bắt tay làm hoà. Có thể lý giải đó là do sự khác biệt về ý thức hệ mà người ta không thể dung hoà với nhau cũng như đánh đồng nhà cầm quyền với tổ quốc.
Người Việt tỵ nạn hay chống cộng không có mục đích lật đổ chính quyền cộng sản. Vài trăn ngàn người Việt chống cộng ở hải ngoại không thể nào có đủ khí tài để làm một cuộc đảo chính hòng lập lại một Việt Nam Cộng Hoà. Người Việt chống cộng vẫn nhiệt tình đóng góp hỗ trợ lũ lụt hay quyên góp thiện nguyện, ký thỉnh nguyện thư và thu thập chữ ký để lên tiếng bảo vệ môi sinh và nhân quyền thì không thể nói họ vẫn nuôi dưỡng hận thù với người trong nước. Điều cần phải xác định sự hận thù, không chấp nhận dung hoà với những sai trái bất cập là đối với chính thể hiện tại chứ không phải với cá nhân người Việt trong nước.
Nhà cầm quyền Việt nam vẫn mong hoà hợp, hoà giải dân tộc nhưng đã có được bước tiến tới mức nào? Hàng năm vào dịp này, nhà cầm quyền vẫn có lời kêu gọi hoà hợp hoà giải giữa người Việt với nhau vì tình “bầu – bí” và ý kiến trích dẫn được ưa thích vẫn là những lời của ông Hồ Chí Minh đã viết từ năm 1946. Trong đó có đoạn “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang" (Hồ Chí Minh -Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 280 – 281).
Điểm này thôi đã làm cho sự hoà giải trở thành không tưởng khi vô hình trung làm cho người ta nghĩ rằng những người chống cộng, đề cao cờ vàng là những người lầm đường lạc lối và cần có sự bao dung, cảm hoá từ phía khác. Người cộng sản vẫn luôn chọn ở thế ban phát và dạy bảo chứ không phải ở vị thế của những người bằng hữu.
Với nhà cầm quyền thì cộng sản thì đây lại là nỗi lo, khi cho rằng ý tưởng đó chính là “xuyên tạc tinh thần hòa hợp, cản trở người lương thiện trở về quê hương, nhẫn tâm chống phá, xâm hại đất nước đã sinh ra họ' cũng như những ai có tư tưởng đó là “người lấy đối đầu và mặc cả làm điều kiện hòa hợp.”
Thật ra sự hoà giải không cần phải kêu gọi người ta quên đi hận thù, quá khứ mà phải chỉ cần chứng minh được chế độ cộng sản hiện hành thật sự là một chế độ do dân vì dân, tôn trọng nhân quyền, thượng tôn pháp luật, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt.
Hà Nội luôn kêu gọi hoà giải hoà hợp thì liệu chỉ cần đề nghị chính phủ Indonesia cho phép dựng lại bia tưởng niệm thuyền nhân ở đảo Galang, mở cửa cho người dân tự do thăm viếng nghĩa trang Biên Hoà, thừa nhận sai sót trong cải tạo tư sản, thôi ăn mừng "ngày giải phóng" và thoát Trung. Chỉ làm được chừng đó thôi, không cần kêu gọi, người ta cũng sẽ tự gác bỏ quá khứ, hướng tới tương lai.
Hàng năm ở Hoà lan có ngày 4 tháng 5 tưởng niệm những nạn nhân đã bị thiệt mạng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vào ngày này, Quốc vương và Hoàng Hậu sẽ đi đặt hoa ở Quảng trường Dam ở thủ đô Amsterdam, cả nước sẽ có hai phút mặc niệm những người xấu số lúc 8 giờ tối. Ngày 5 tháng năm là ngày mừng giải phóng, đó là lúc ăn mừng Hoà lan thoát khỏi sự xâm lược của Phát xít Đức.
Liệu khi nào thì chính quyền Việt nam có được hành động mang đậm tình người như vậy thay vì chỉ là một ngày ăn mừng “ đại thắng” trên những tang thương vẫn không thể được phép liền da của những người miền Nam trước đây?
No comments:
Post a Comment