Friday, March 23, 2018

LHQ: 'Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa'

Theo BBC-7 giờ trước 


Các lao động nữ của Samsung bị dọa kiện hoặc đuổi việc nếu "nói chuyện bất lợi về công ty với người bên ngoài," theo báo cáo của IPEN.Bản quyền hình ảnhDIMAS ARDIAN/GETTY IMAGES
Image captionCác lao động nữ của Samsung bị dọa kiện hoặc đuổi việc nếu "nói chuyện bất lợi về công ty với người bên ngoài," theo báo cáo của IPEN.
Các chuyên gia nhân quyền LHQ ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước tin công nhân nữ ở hai nhà máy Samsung ở Việt Nam, và các nhà hoạt động về quyền của người lao động, bị "hăm dọa và sách nhiễu" sau khi họ nêu lo ngại về tình trạng lao động ở các nhà máy.
LHQ nghe tin tác giả chính của báo cáo, bà Phạm Thị Minh Hằng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã được yêu cầu đến gặp giới chức ngày 19/3 sau khi trở về từ một cuộc họp ở Thụy Điển, theo thông cáo.
"Chúng tôi rất lo âu khi biết các nhà nghiên cứu biên soạn bản báo cáo bị giới chức chính quyền yêu cầu tới gặp để nói chuyện," các chuyên gia của LHQ viết trong bản thông cáo.
Tuy nhiên, BBC được biết cuộc gặp trên là để nhằm 'làm rõ thông tin'.
Đại diện của Samsung cho BBC biết hãng này đã bắt đầu điều tra các cáo buộc này và "sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và chuyên gia Liên Hiệp Quốc để làm rõ vụ việc".
Hôm 21/3, một đại diện của Samsung Electronics ở Seoul gửi phản hồi chính thức cho BBC:
"Là một hãng sản xuất toàn cầu, chúng tôi coi trọng tất cả các nhân viên tại các cơ sở sản xuất của chúng tôi trên toàn thế giới và chúng tôi cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn và luật lệ lao động địa phương và quốc tế. "
"Chúng tôi có quy tắc ứng xử toàn cầu và hướng dẫn ứng xử kinh doanh mà tất cả nhân viên toàn cầu phải tuân theo để bảo vệ và tôn trọng nhân quyền. "
"Chúng tôi xem xét những lo ngại của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc một cách rất nghiêm túc. Chúng tôi đã có hành động để điều tra và sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và chuyên gia Liên Hiệp Quốc để làm rõ vụ việc."
Đây không phải là lần đầu tiên đại diện của CGFED được mời làm việc.
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, CDFED trong tháng 11/2017 đã hai lần được yêu cầu tới dự họp cùng một số ban ngành của tỉnh Bắc Ninh và đại diện Samsung "để giải quyết kiến nghị của Samsung".
CGFED cho biết họ sau đó được yêu cầu không công bố bản báo cáo bằng tiếng Việt, tuy bản tiếng Anh và tiếng Hàn đã được loan tải trên trang web của IPEN.
"Chúng tôi đã 'được tư vấn' là 'không được công bố' do 'báo cáo này ảnh hưởng đến hình ảnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam'. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn chưa được phép công bố báo cáo," bà Minh Hằng nói với BBC hồi đầu tháng 12/2017.

'Không thể chấp nhận hăm dọa công nhân và nhà hoạt động'

Bản thông cáo báo chí hôm 20/3 của LHQ viết rằng "không thể chấp nhận được khi các nhà nghiên cứu và các công nhân báo cáo tình trạng lao động mà họ cho là không đảm bảo, bị đe dọa bởi giới chức tư hay công."
"Giới chức chính quyền và các công ty liên quan phải đảm bảo một không gian xã hội dân sự để đảm bảo môi trường lao động phù hợp cho các lao động nữ tại các nhà máy."
Các chuyên gia LHQ còn cho biết: "Chúng tôi cũng đã yêu cầu Samsung minh xác về cáo buộc rằng các công nhân trong các nhà máy cũng bị đe dọa kiện tụng nếu họ nói chuyện với người bên ngoài nhà máy về tình trạng lao động theo sau việc báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái."
Thông cáo ghi, việc hăm dọa các nhà hoạt động và các công nhân không chỉ vi phạm về quyền tự do ngôn luận mà còn dung dưỡng cho hành vi của những kẻ lạm quyền và vi phạm quyền lợi người lao động.
"Những vi phạm làm giảm uy tín trách nhiệm và nghĩa vụ của chính phủ và các công ty trong việc tôn trọng nhân quyền phù hợp với Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Nhân quyền," các chuyên gia nói.
Biểu tình trước trụ sở của Samsung hôm 3/3: người biểu tình cầm theo di ảnh của 79 công nhân Samsung đã qua đời vì các căn bệnh mãn tĩnh, được cho là gây ra bởi các hóa chất tại nhà máy của Samsung.Bản quyền hình ảnhJEAN CHUNG/GETTY IMAGES
Image captionBiểu tình trước trụ sở của Samsung ở Hàn Quốc hôm 3/3: người biểu tình cầm theo di ảnh của 79 công nhân Samsung đã qua đời vì các căn bệnh mãn tĩnh, được cho là gây ra bởi các hóa chất tại nhà máy của Samsung.
Các chuyên gia của LHQ ở đây bao gồm các báo cáo viên đặc biệt, ông Baskit Tuncak và David Kaye và bà Anita Ramasastry, chủ tịch Nhóm Công tác của LHQ về nhân quyền và các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp.
Thông cáo của LHQ cũng cho biết họ nghe tin giới chức về lao động Việt Nam đang điều tra về các phát hiện nêu trong bản báo cáo về Samsung.

Bản báo cáo của IPEN viết gì?

Hôm 6/11/2017, mạng lưới tổ chức phi chính phủ IPEN công bố báo cáo về tình trạng lao động khắc nghiệt của công nhân nữ tại các nhà máy của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh và Phổ Yên, Thái Nguyên.
Báo cáo của IPEN nói rằng các công nhân nêu ra tình trạng cực kỳ mệt mỏi, ngất xỉu và chóng mặt tại nơi làm, và tình trạng sảy thai xảy ra rất phổ biến.
Công nhân phải đứng suốt ca làm việc từ 8 đến 12 giờ, làm việc thay phiên theo ca ngày đêm, bất kể cuối tuần. Thậm chí, những công nhân có thai thường đứng suốt ca làm việc để tránh bị công ty trừ lương vì nghỉ nhiều.
IPEN kêu gọi Samsung hãy "công bố báo cáo của bên tư vấn để vấn đề này có thể được đánh giá độc lập."
Những phát hiện chính của CFEGD và IPEN sau khi phỏng vấn các lao động nữ tại các nhà máy của Samsung
Image captionNhững phát hiện chính của CFEGD và IPEN sau khi phỏng vấn các lao động nữ tại các nhà máy của Samsung
IPEN cũng dẫn một nghiên cứu trước đó có tên "tổng quan ngành công nghiệp điện tử và vấn đề với công nhân Samsung ở Việt Nam" năm 2014, theo đó nói trong năm 2013 tại xưởng sản xuất của Samsung đã xảy ra sáu vụ sẩy thai, trong đó có một trường hợp thai nhi bảy tháng tuổi chết lưu.
IPEN yêu cầu Samsung "minh bạch công bố danh sách đầy đủ các hóa chất sử dụng tại các cơ sở sản xuất và mô tả việc kiểm soát hóa chất", và nói rằng "Ở Hàn Quốc, Samsung thường xuyên từ chối cung cấp thông tin về hóa chất sử dụng để tránh các công nhân bị bệnh đòi bồi thường."

Samsung bác bỏ báo cáo

Ngay sau khi báo cáo được công bố, Samsung nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.
"Báo cáo này chưa có cơ sở khoa học mà mang tính quy chụp, bởi chỉ phỏng vấn 45 người trong số 160.000 lao động tại Samsung VN rồi đưa ra kết luận," ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics VN được báo chí trong nước trích lời.
Ông cũng nói nhiều nội dung trong báo cáo "đều sai sự thật" và "tùy tiện".
Đại diện Samsung nói rằng IPEN đã "không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam", theo báo Dân Trí hôm 23/11/2017.
Samsung khẳng định rằng các nữ công nhân có thai không bị đối xử tệ, và môi trường làm việc đảm bảo an toàn về mặt hóa chất.
Vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam là 1 trong 10 doanh nghiệp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen trong Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp vì người lao động" năm 2017 vì có chế độ đặc biệt cho nhân viên nữ mang thai; ký túc xá sạch đẹp với trang thiết bị tiện nghi, hiện đại.
Ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói công ty này có nhiều chế độ ưu đãi các nữ lao động đang mang thai bao gồm chế độ ăn đặc biệt, nhiều ngày nghỉ thai sản và các cơ sở tiện nghi cho việc nuôi chăm sóc con tại nhà máy.
Ông còn nói với báo Lao động Thủ đô rằng công ty vẫn chi trả 70% lương cơ bản cho nữ lao động và 6 tháng nghỉ thai sản.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục có chính sách ưu tiên và hỗ trợ tốt hơn cho LĐ nữ mang thai và nuôi con nhỏ," ông Bang Hyun Woo nói.

No comments:

Post a Comment