Friday, March 23, 2018

Gạc Ma! Vòng tròn bất tử hay vòng tròn bức tử?!

Lê Thiên (Danlambao) - Hôm nay 23/3/2018, tờ Việt Báo của CSVN đăng lại bản tin trên báo Nhân Dân: "Trả lời câu hỏi của phóng viên việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục ra thông báo điều chỉnh quy chế về nghỉ đánh bắt cá trên biển, bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: 'Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982'". (1)

Thông tin trên đây khiến chúng tôi lại day dứt về Hoàng Sa-Trường Sa và không khỏi thắc mắc “Gạc Ma! Vòng tròn bất tử hay vòng tròn (thòng lọng) bức tử?”Thân mời quý độc giả cùng chia sẻ.

Ngày 14/3/2018, trang tiếng Việt của Hãng Thông tấn BBC từ Anh Quốc có bài “Báo chí VN ‘mạnh mẽ’ viết về Gạc Ma 1988”. Không rõ trang tin này muốn khen hay châm biếm đây?

BBC ghi nhận “Truyền thông Việt Nam đưa tin đậm nét trong ngày 14/3, đánh dấu 30 năm xảy ra đụng độ với Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa, làm 64 người Việt chết.”

Duyệt qua các báo lề đảng

BBC cho biết báo Quân đội Nhân dân hôm 14/3 đưa tin nơi này tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; nơi kia, tổ chức Lễ cầu siêu với nghi thức thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma của Việt Nam. Kế đó là báo Giáo dục Việt Nam cho hay ngày 14/3, tại Nghĩa trang Liệt sỹ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), trước phần mộ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương đã diễn ra lễ tri ân tưởng nhớ 64 liệt sỹ. Rồi báo Lao Động ngày 14/3/2018 có bài “Chiến sĩ Gạc Ma trong lòng đồng đội” mô tả lính của một đơn vị Hải quân CSVN “tưởng nhớ đồng đội tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”. Trong khi Báo Tiền Phong (và báo Thanh Niên) qua bài “30 năm hải chiến Gạc Ma: Còn ngồi đó một bà má Gạc Ma…” kể về người mẹ “nay đã 91 tuổi ngồi bệt trên cái ghế bằng tre cũ mòn, đưa bàn tay thô sần quệt vội giọt nước mắt, nhớ con trai là Phan Tấn Dư đã nằm lại sau trận hải chiến Gạc Ma (Trường Sa) từ 30 năm về trước.” Hoặc nữa bài“Người về từ Gạc Ma” của báo Một Thế Giới nói về Lê Hữu Thảo (Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh), “một là nhân chứng của trận hải chiến ngày 14.3.1988. Đã 30 năm về đất liền, cuộc đời của cựu binh Trường Sa Lê Hữu Thảo trải qua nhiều thăng trầm.”… Ấy là chưa kể về những bài báo “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” hay “Vòng tròn bất tử Gạc Ma”“Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma”… trên các báo Đất Việt, Zing, VNExpress…

Thật ra, các bài báo trên chỉ nêu ra những lễ giỗ, dâng hương, dâng hoa lẻ tẻ của một vài nhúm người tại những địa phương và những đơn vị hải quân cấp thấp hoặc kể lại một vài chuyện cá nhân của người lính này hay bà mẹ lính khác rơi vào cảnh đau thương đơn độc bị quên lãng chứ không đi sâu vào nội dung chính yếu của cái gọi là “cuộc chiến Gạc Ma” đưa đến cái chết thảm khốc của 64 lính hải quân CSVN.

Thấy vậy, không phải vậy

Sau lời khen một số báo “lề”, BBC có câu thòng dành cho báo chính thống như sau: “Hôm 14/3 không có tin đăng về ngày này [ngày Gac Ma 14/3/1988] trên các trang chính thống lớn như Nhân Dân, Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam”. Các lễ tưởng niệm của người dân yêu nước thương nòi đứng ra tổ chức hay tham gia thì lại bị quấy phá sách nhiễu bằng nhiều cách vừa bẩn thỉu vừa thô bạo và cũng vừa… trẻ con! Trẻ con là trò nhảy sol đố mì, bẩn thỉu là dựng ra đàn thú “dư luận viên” mang xe ra chạy, rồ ga bấm còi inh ỏi hoặc bày trò đẽo đá đục đường, cho tung đất bụi vào đám đông người dân đang trang nghiêm niệm hương dâng lễ. Thô bạo hơn là sử dụng tới “bạo lực cách mạng” bắt bớ, hành hung tàn nhẫn những người tổ chức hay tham gia lễ tưởng niệm. 

BBC nêu trường hợp cụ thể: “Một nhà hoạt động bị công an Việt Nam tạm giữ sau khi tham gia lễ tưởng niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma sáng 14/3 tại Hà Nội.”Bản tin ngày 15/3/2018 của Báo Tiếng Dân ghi nhận tin trong ngày 14/3/2018 như sau: “Ở Hà Nội, đã xảy ra những vụ bắt giữ người dân tham gia tưởng niệm sự kiện Gạc Ma. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, vợ nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã bị an ninh bắt và sách nhiễu. Sau đó bà Hạnh bị tụt huyết áp và phải vào viện. Nhà hoạt động Trương Dũng cũng bị hành hung lúc ông Chênh đến gặp phía an ninh hỏi tình hình bà Hạnh.”

Một bài báo lạ trên Tuổi Trẻ Online

Điều lạ là từ đống báo lề đảng, người dân trong nước bất ngờ moi ra được một bài báo lạ, có dấu hiệu vượt lề! Hay người ta đang chơi trò cút bắt gì đây?! Mời quý độc giả cùng đọc và phán xét. Bài báo của Tuổi Trẻ ngày 14/3/2018 có tiêu đề: “30 năm ngày 14-3: Bài báo đầu tiên về thảm sát Gạc Ma” của Lê Đức Dục – Đức Bình. 

Bài báo của Tuổi Trẻ mở đầu như sau: “Lật chồng báo Nhân Dân của 30 năm trước, trên trang nhất số báo ra ngày 15-3-1988 là hình ảnh và bài tường thuật lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ như thủ tướng hiện nay) nước CHXHCNVN. Trang báo chạy tít đậm màu đen: ‘Hôm qua, 14-3-1988, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, lễ viếng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cử hành trọng thể’.

Ở tiểu đoạn Nước mắt trên bờ, máu loang ngoài biển, bài báo ghi nhận: “Buổi sáng hôm đó, 14-3, khi ở đất liền người dân Việt Nam đang cử quốc tang nguyên thủ quốc gia của mình, thì cùng thời điểm đó tại Gạc Ma súng địch đã nổ và những người con đất Việt đã ngã xuống máu nhuộm đỏ một vùng Biển Đông.” Đoạn văn trên đây cho chúng ta thấy rõ ràng không hề có hải chiến Gạc Ma, mà chỉ có thảm sát Gạc Ma mà quân sát nhân là bọn Trung cộng xâm lược! Nhưng oái oăm thay, thực tế lại quá phũ phàng: “… 30 năm đã trôi qua nhưng trên trang báo đã ố vàng màu thời gian, tất cả bối cảnh lịch sử vẫn lặng im ngưng đọng ở đó.”

Vì sao có sự lặng im ngưng đọng? 

Tuổi Trẻ tiết lộ: Các báo Cộng sản Hà Nội, đặc biệt tờ Nhân Dân ngày 15/3/1988 và những số báo kế tiếp sau đó tới 10 ngày không hề có một chữ, một lời về biến cố Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tuổi Trẻ còn sao chụp lại hình ảnh tờ báo Nhân Dân ngày 15/3/1988 đã ố vàng như là chứng tích lịch sử về nỗi đau lịch sử của cả dân tộc VN và hành vi bán nước ô nhục của tập đoàn CSVN:

(Sao in từ báo Tuổi Trẻ Online ngay 14/3/2018)

Có thể nào lấy cái đám tang của một Chủ tịch HĐ Bộ Trưởng làm cái cớ để thủ tiêu bao nhiêu cái đại tang của Tổ Quốc? Máu của 64 chiến sĩ hải quân loang cả một vùng biển khơi mà xác thì không được phép vớt để có được một lễ tang tươm tất đã đành, mà cả sự kiện một vùng biển đảo của Tổ Quốc bị kẻ thù đánh cướp trắng trợn bằng sức mạnh của súng đạn… cũng bị cả một tập đoàn cầm quyền lấp liếm là sao? Ở đây xin có lời tán dương tờ Tuổi Trẻ “can đảm” tố giác trước công luận cả nước về việc giới cầm quyền CSVN đã ém nhẹm tới 10 ngày cuộc thảm sát trên đảo Gạc Ma (từ 14/3/1988). Sau đó vào ngày 24/3/1988 tờ Nhân Dân mới có bài tường thuật, song cũng chỉ úp úp mở mở với tiêu đề dài dòng: “Cuộc tiến công bằng tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn [Trường Sa]”. Báo Nhân Dân là tiếng nói chính thức duy nhất của “đảng ta” ở vào thời điểm 1988, thời thượng trị (chứ không phải thịnh trị) của CSVN trên cả nước, thì uy lực của Nhân Dân là thế nào, ai sống dưới chế độ kềm kẹp của CS thời “vô sản chuyên chế” ấy đều rõ.

Vì sao? Vì sao? Và vì sao?

1968-1988! Mậu Thân 1968, CS Bắc Việt nhờ vào súng ống, đạn dược, quân lương, quân dụng, tiền bạc của Trung Cộng mà “tiến công” VNCH! Phải chăng đó là món nợ lớn của CSVN với CS Tàu? Đến hai mươi năm sau chưa trả hết nợ? Thế nên, phải chăng CS Tàu cũng “tiến công” đòi nợ CS Việt Nam vào Tháng Ba 1988? CSVN buộc phải trả, nhưng lấy gì mà trả món nợ khổng lồ nếu không trả bằng máu dân, trả bằng đất đai lãnh thổ và lãnh hải của Tổ Quốc? Ấy là chưa nói tới Tàu cộng đã âm thầm đẩy người Tàu sang Việt Nam đóng vai “lính cụ Hồ”. đổ máu cho CS quốc tế cướp lấy Miền Nam Việt Nam!

64 mạng người VN và hải đảo chiến lược quan trọng của Tổ Quốc ở Trường Sa: Chẳng phải chỉ mỗi đảo Gạc Ma, mà còn cả các đảo Cô Lin, Len Đao cũng ngấp nghé toan cướp…!

Ấy là chưa kể trước đó, ngày 31 tháng Một, 1988, Tàu Cộng đã đổ quân lên bãi cát Chữ Thập của Việt Nam. Ngày 18 tháng Hai, Tàu Cộng tiếp tục đổ quân lên bãi Châu Viên và ngày 26 tháng hai, Tàu Cộng bãi Ga Ven của Việt Nam.

Như vậy, cuộc thảm sát ở Gạc Ma ngày 14/3/1988 không phải là một cuộc động binh đột ngột, bất ngờ. CSVN không thể bào chữa rằng họ không tiên liệu.

“Xa đất liền, anh em ai mất ai còn, chưa thể biết!”

Tác giả bài báo của Tuổi Trẻ “30 năm ngày 14-3: Bài báo đầu tiên về thảm sát Gạc Ma” mở đầu bài viết bằng cách đi vòng vòng: “Sự kiện ngày 14-3 [Trung cộng đánh chiếm Gạc Ma] xảy ra ở vùng đảo Sinh Tồn – một vùng lãnh thổ của Tổ quốc ta ở xa đất liền nên chúng ta mới chỉ được nghe thông báo qua hệ thống thông tin…”

Thì ra thế! Ở xa đất liền nên “đảng ta” dễ dàng bưng bít thông tin đến nỗi một nhà báo của báo đảng – báo Nhân Dân chỉ nhận được tin sau 10 ngày xảy ra biến cố! Mặt khác, trong bài [phần đầu tờ Nhân Dân do Tuổi Trẻ sao chụp], tuyệt nhiên không có một lời, một chữ nào về biến cố 64 lính hải quân CSVN bị CS Tàu giết chết ở đảo Gạc Ma! 

Đau đớn và uất hận hơn nữa khi đọc những dòng báo sau đây của tờ Tuổi Trẻ ngày 14/3/2018: “Nỗi đau đất liền, nỗi đau ngoài biển cùng chồng chất. 30 năm đã trôi qua nhưng trên trang báo đã ố vàng màu thời gian, tất cả bối cảnh lịch sử vẫn lặng im ngưng đọng ở đó.”

Hoặc “tin về cuộc thảm sát ở Gạc Ma dội về. Tất cả thông tin vẫn chỉ từ những dòng tin điện từ Trường Sa. Anh em ai mất, ai còn... chưa thể biết.”

Thậm chí, theo lời thuật của báo Tuổi Trẻ, hai tuần lễ sau cuộc thảm sát ngày 14/3/1988, “con tàu HQ605 [của Hải quân CSVN] vẫn nằm dưới thềm biển của đảo Len Đao và rìa đảo Gạc Ma, dưới đáy biển là con tàu HQ604 đang còn thi thể của anh em cán bộ chiến sĩ công binh hải quân”.

Bưng bít sự thật đến tàn nhẫn đến thế sao? Như vậy thì chuyện quân CS bỏ lại hằng hà xác chết hay người bị thương trên khắp các chiến trường Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, hay trên biên giới Việt-Hoa và trên đất Campuchia sau năm 1975… đến nay không ai biết là điều không lạ! Nói gì tới hàng hàng lớp lớp thường dân HUẾ bị chúng chôn sống hồi Tết Mậu Thân 1968!

Gạc Ma ngày 14/3/1988 không hề xảy ra cuộc đấu súng nào của hai bên! Không có giao tranh! Chỉ có thảm sát! Một bên ra tay bắn giết! Một bên bó tay chịu chết!

Cuộc thảm sát là hành động dã man của quân Tàu cộng, nhưng ai bảo là không có sự tiếp tay của “đỉnh cao” cầm quyền tại VN lúc bấy giờ? 

“Thiếu tướng Hoàng Kiền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh hải quân ngày đó đã phải đau đớn thốt lên: “14.3.1988 là ngày Trung quốc đưa quân xâm chiếm Trường Sa của ta chứ không có trận chiến nào ở đây!” như cựu Đại tá CSVN Phạm Đình Trọng tiết lộ trên Báo Tiếng Dân ngày 15/3/2018 qua bài “Không được đánh đồng người chủ Trường Sa với kẻ cướp Trường Sa”.

Gạc Ma! Ai ra lệnh? Lệnh gì?

Báo Giáo Dục Việt Nam với bài “Trường Đại học tri ân những liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma” nêu lên sự thể “64 chiến sĩ hải quân đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma, 11 đồng đội khác bị thương…. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo tổ quốc vẫn mãi khắc ghi trong lòng dân tộc.” Bài báo còn ghi nhận đó là “những anh hùng đã ngã xuống cho màu xanh của biển, màu cờ của tổ quốc...”, nhưng oái oăm thay! Phía “ta” có hành động gì chống lại quân thù đâu? 

Ở đây, chúng tôi không thể không nhắc lại lời tiết lộ của Tướng CS Lê Mã Lương về thủ phạm đã ra lệnh cho Hài quân CSVN trên đảo Gạc Mạc không được nổ súng chống lại cuộc tấn công của phía Trung Cộng vào ngày 14/3/2018. Tại Hội thảo Minh Triết Biển Đông ngày 14/6/2014, tướng Lê Mã Lương phát biểu: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh cho bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa, không được nổ súng. Và sau này có một câu chuyện và tài liệu đã rõ rồi, cho nên trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn và nói: Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”

Thủ phạm “ra lệnh không nổ súng” được chỉ đích danh là tướng Lê Đức Anh, Bộ Trưởng Quốc Phòng của CSVN lúc bấy giờ. Nhưng theo bài báo của Tuổi Trẻ thượng dẫn cùng nhiều chứng cứ khác, Lê Đức Anh chỉ là kẻ thừa hành, là kẻ truyền lại mệnh lệnh từ Bộ Chính Trị Đảng CSVN. Bộ Chính Tri chính là đám chóp bu đảng trị ấy! Cũng vậy, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Ung Văn Khiêm năm 1956 xác nhận “chủ quyền của Trung Cộng đối với Tây Sa và Nam Sa” tức phủ nhận Hoàng Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Khiêm chỉ là tên nô bộc làm theo lệnh Đảng! 

Cũng vậy, cái gọi là Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 long trọng tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (mà TC gọi là Tây Sa và Nam Sa), thì cái Công hàm ấy là con đẻ của Bộ Chính Trị Đảng CSVN mà Hồ Chí Minh là kẻ cầm đầu hơn là của người ký tên trên Công hàm – Phạm Văn Đồng! Ai trong Bộ Chính Trị thời đó? Chẳng phải các tay tổ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn…

Nhìn lại cuộc hải chiến Hoàng Sa

Vụ thảm sát 64 lính hải quân CSVN tại Gạc Ma 14/3/1988 không thể nào so sánh với cuộc chiến Hoàng Sa 19/01/1974 khi Trung Cộng xua quân đánh nhau với Hải quân VNCH, giết chết 74 Chiến sĩ Hải quân VN. Dù đang bị đẩy vào thế cô lập hoàn toàn sau Hiệp định Paris 1973, dù đang phải dồn hết nỗ lực đối đầu với CSVN từ Miền Bắc dẫm đạp lên Hiệp định Paris xua quân đánh phá toàn Miền Nam Việt Nam, Chính quyền VNCH vẫn quyết liệt bảo vệ biển đảo Việt Nam chống lại quân xâm lược từ Bắc Kinh. 

Trước khi 74 chiến sĩ Hải quân VNCH anh dũng đền nợ nước bên cạnh một số đồng đội khác bị thương nặng nhẹ cũng như nhiều chiến sĩ khác bị Trung Cộng bắt làm tù binh, Hải quân Việt Nam đã vô cùng anh dũng chiến đấu chống lại quân Tàu Cộng. Hải quân VNCH đã kiên cường đánh đắm ít nhất là hai chiến hạm, gây nhiều thương vong cho phía quân xâm lược.. 

Mặt khác, ngay sau trận hải chiến hào hùng của Hải quân VNCH, Chính quyền VNCH đã nhanh chóng lên tiếng yêu cầu quốc tế đòi Trung Cộng phải hoàn trả tức khắc các chiến sĩ Hải quân VNCH bị chúng bắt làm tù binh. Đồng thời cả Chính phủ lẫn Quân đội VNCH tổ chức lễ truy điệu và tuyên dương các Chiến sĩ Hải quân anh dũng chống quân xâm lược. 

Bên cạnh đó, nhân dân toàn Miền Nam Việt Nam đồng loạt rầm rộ xuống đường biểu tình mạnh mẽ phản đối quân Trung Quốc đánh cướp Hoàng Sa của Việt Nam hoan hô các chiến sĩ Hải quân VNCH vị quốc vong thân, và đòi Trung cộng hãy tức khắc trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam. “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam và mãi mãi là của Việt Nam”.

Song song với những hoạt động trên, Chính quyền VNCH liên tục thỉnh cầu các quốc gia không Cộng sản khắp thế giới mạnh mẽ lên án Trung Cộng xâm lược và đưa việc chúng dùng bạo lực quân sự cưỡng chiếm Hoàng Sa ra xử trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đồng thời ra nhiều tuyên bố, trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của VNCH đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể như:

“Tuyên cáo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực đảo Hoàng Sa" số 015/BNG/TTBC/TT ngày 19/1/1974.

“Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa" ngày 14/2/1974.

"Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" do Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, 1975 công bố.

"Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa", Tài liệu của Tổng cục chiến tranh chính trị, Cục tâm lý chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, 1974.

Tội phản quốc của tập đoàn CSVN

Chỉ cần nhìn lại cung cách đối phó dũng cảm và kiên quyết của Việt Nam Cộng Hòa – cả Chính quyền lẫn Quân đội và nhân dân – đối với Trung Cộng, trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, người Việt Nam cũng đã nhận rõ chính nghĩa thuộc về ai?

Còn toàn bộ tập đoàn CS Bắc Việt núp dưới danh nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì sao? Tuyệt nhiên họ không hề có một lời phản kháng hành động xâm lăng ngang ngược bằng vũ lực của Trung Cộng nhắm vào một phần lãnh thổ của Việt Nam (Hoàng Sa) trong khi vẫn oang oang cái loa lời bịp của đảng trưởng Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một… sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Công hàm 1958 của CS Bắc Việt còn sờ sờ đó. 

Lại chỉ 2 năm sau cuộc thảm sát Gạc Ma (1988), năm 1990 cả một “dàn lãnh đạo cấp cao” CSVN kéo đàn kéo lũ lục tục mò sang Tàu bái yết thiên triều, mập mờ bắt chước trò quỵ lụy thời phong kiến dâng lễ vật triều cống… Nhưng thật khốn nạn! Thay vì dâng vàng dâng bạc, đám vua phong kiến Cộng đảng Việt Nam thời nay lại mang cả giang sơn Tổ Quốc ra mà dâng hiến cho đám quan thầy Tàu cộng, xóa sử Việt, đẩy Ải Nam Quan sang Tàu và biến Thác Bản Giốc của ta thành thác Tàu! Cả cái dãy biên giới Việt-Hoa từ đông sang tây từ xưa giờ đang yên vị kể cả thời Pháp thuộc, nay bỗng nhiên bị diễn trò xiếc, xịch lui về bên trong lãnh thổ Việt Nam khiến Tàu cộng có thêm được một vùng đất “chủ quyền” khổng lồ trong lòng đất Việt! 

Thế nên, người dân Việt Nam không ai lấy làm lạ khi “TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh TBT Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nội bộ Trung Quốc từ ngày 3- 4 tháng 9 năm 1990, cũng hoan nghênh Cố vấn Phạm Văn Đồng cùng đi”. Hiệp định biên giới Việt-Trung được ký kết và hai bên cam kết giữ kín nội dung cam kết. Giang Trạch Dân (Tổng Bí Thư TC Giang Trạch Dân hý hửng đọc thơ Lỗ Tấn “Phong ba đã trôi, mối tình anh em vẫn còn, gặp nhau lại vui, bỏ qua hết thẩy hận thù” (Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu) tặng cho các “đồng chí Việt Nam”.“Các đồng chí Việt Nam tỏ ra hài lòng” (Dương Danh Dy: Hội Nghị Thành Đô, Nguyên nhân & Diễn biến, BBC 25/10/2014). Hội nghị Thành Đô diễn ra sau trận hải chến Hoàng Sa 1974, sau cuộc xâm lăng của TC vào lãnh thổ VN năm 1979, sau cuộc thảm sát Gạc Ma 1988. Như thế đã rõ ai phản nước, ai hại dân? Ai là dã thú đối với chính dân tộc mình?

Cho nên những trò lập Huyện đảo Hoàng Sa, đòi lại Hoàng Sa, dọa đưa Tàu Cộng ra Tòa Án Quốc Tế để lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa hay là những tuyên bố hùng hồn “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đều là những lời rỗng tuếch chỉ nhằm đánh lừa người dân trong nước; những trò diễn như sưu tập bản đồ hay săn tìm tư liệu về Hoàng Sa cũng nhằm lấp liếm tội ác; và cả cái trò tuyên bố đưa LỊCH SỬ Hoàng-Trường Sa vào học đường cũng là mưu ma chước quỷ, bịp bợm… đẳng cấp quốc tế!

Vậy chúng ta chần chờ gì nữa mà không cùng nhau hợp lực vạch mặt lũ bán nước, hại dân, tiễu trừ loài hổ mang mang nọc độc giết người. Kẻ phản quốc phải bị trừng trị đích đáng! Ngày 22/3/2018


______________________________________

Chú thích:

No comments:

Post a Comment