“…Thủ tướng CS nói riêng và cả ĐCS nói chung, đều là một đám ăn hại, đầu óc kiểu Viên Thiệu không có khả năng điều hành đất nước. Đấy là điều không cần phải bàn cãi. Dân im lặng là chấp nhận sự tàn phá, tàn phá cả tương lai của con cháu…”
Để nuôi những doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, chính phủ phải ra những chính sách hỗ trợ cho nó. Làm người đứng đầu chính phủ, thủ tướng phải biết hoạch định những chính sách hợp lý và điều hành hiệu quả, không thể đụng đâu vá đó làm đất nước nát bét. Sự khác nhau của lãnh đạo có năng lực và lãnh đạo vô năng là ở tầm nhìn và khả năng tổ chức.
Người ta nói, người nhân viên - kẻ thừa hành là những người chỉ nhìn thấy một gốc cây, còn người lãnh đạo là người phải thấy cả rừng cây. Dưới quyền sếp là những người thừa hành có chuyên môn, nếu lãnh đạo ngu dốt thì thâý mọi người nói đều có lý. Thời Tam Quốc, Viên Thiệu quân số đông gấp 10 lần Tào Tháo. Viên Thiệu thì tánh đa nghi không quyết đoán nên nghe ai giải thích cũng thấy phải, cuối cùng không chọn được giải pháp tối ưu nên thường dẫn đến thất bại. Còn Tào Tháo? Quân ít, nhưng quan trọng là tầm của Tào Tháo hơn quá xa Viên Thiệu. Tào Tháo luôn hỏi ý tất cả các quân sư quanh mình, nhưng nghe để cân nhắc bài toán toàn cục chứ không nghe để làm theo. Thuộc hạ chỉ là kẻ cho ông ta thấy bức tranh cục một cách rõ nét hơn mà thôi. Như vậy, cách lắng nghe của Tào Tháo là cách lắng nghe của nhà lãnh đạo đúng nghĩa. Kết quả, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu.
Nhà quản trị tài ba thời nay cũng dùng thuộc hạ cách như vậy. Có người đứng đầu chính phủ dùng người quản trị đầu ngành dưới tay mình toàn là những người ưu tú trong ngành đó. Cách quản trị như vậy người ta gọi là kỹ trị. Họ rất giỏi, biết rất rõ trong nghành mà họ phụ trách, nhưng trên hết, họ là người thừa hành của một ông sếp nắm rất nhiều ngành nghề. Nếu thủ tướng là loại người như Viên Thiệu, nghe cấp dưới của mình nói luôn thấy chí phải mà không thấy bài toán lớn của riêng mình thì việc điều hành kinh tế đất nước tất dẫn đến thất bại.
Nếu nói các bộ ngành chỉ là những cây rừng, thì rõ ràng chính phủ là khu rừng. Chính vì điều đó, thủ tướng muốn điều hành kinh tế hiệu quả, phải có cái tầm của Tào Tháo. Phải biết lắng nghe, tổng hợp, cân nhắc rồi ra quyết định. Là người chơi cờ, chọn con nào đi trước và đi đến đâu nó quyết định sự thắng bại của ván cờ. Chính vì lẽ đó, người điều hành chính phủ tốt người biết đi nước cờ nào trước, và chọn con nào làm tiên phong. Tuy con cờ nào nói ra cũng có lí, nhưng là người chơi cờ thì phải biết ưu tiên nước đi.
Nhìn các đời thủ tướng Việt Nam, ta thấy họ là những người chơi cờ tồi. Vì sao? Trong công tác điều hành nền kinh tế đất nước, chính sách phải ưu tiên số 1 là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thuộc chính phủ, khác nước tư bản). Để kinh tế ổn định và phát triển, chính sách tiền tệ phải đảm bảo 3 yếu tố: thứ nhất tối đa hóa việc làm, thứ nhì giá cả hàng hóa ổn định, thứ 3 lãi suất dài hạn vừa phải. Nói nghe như đơn giản, nhưng cầm cương được 3 yếu tố này không dễ. Những yếu tố này tựa như con ngựa bất kham, nhưng mọi giá phải khớp được nó. Nếu cứ trượt giá mãi thì cả hộ gia đình và doanh nghiệp cứ bị thậm hụt chi tiêu vì trượt giá. Trượt giá là một tên móc túi vô hình, nỗ lực làm ra cho nhiều tiền mà mức sống không tăng. Điều này giống như cả xã hội chạy tại chỗ vậy, nỗ lực hết sức chỉ để chống tụt hậu chứ không thể phát triển. Nỗ lực thì không khá, mà không nỗ lực thì nghèo đi. Qua 32 năm được gọi là "đổi mới", không chính phủ của ông nào ghìm cương nổi còn ngựa trượt giá.
Chính sách thứ nhì quan trọng sau chính sách tiền tệ là chính sách thuế. Thuế là nguồn thu chính cho chính phủ, đồng thời nếu tính toán mức thuế hợp lý đất nước phát triển, nếu sai chính sách thuế, đất nước lụi tàn. Chính sách tiền tệ đúng đắn cộng chính sách thuế hợp lý sẽ nuôi được những doanh nghiệp mầm non thành doanh nghiệp đại thụ. Nếu cả 2 chính sách đó bất hợp lý, doanh nghiệp sẽ bị chết khô khi chưa kịp tỏa bóng mát, hoặc đèo dẹt không thể lớn nổi. (Ở đây xét những doanh nghiệp chân chính sử dụng chất xám xã hội làm ra giá trị gia tăng cao, không nói đến loại doanh nghiệp chiếm dụng).
Để nuôi cho doanh nghiệp phát triển, đừng để trượt giá đồng tiền trước đã, để trượt giá sẽ phát sinh ra lãi suất cao gây khó cho doanh nghiệp. Có như vậy doanh nghiệp mới vững bước đi lên. Để tạo bước khởi nghiệp tốt cho doanh nghiệp nội, ngoài chuyện trượt giá và lãi suất thì chính phủ còn phải dùng hàng rào thuế quan để che chở. Đánh thuế cũng phải tính toán, cho nên chính sách thuế phải mềm dẻo để vừa bảo vệ sự non trẻ của doanh nghiệp vừa buộc họ phải biết thích nghi với cuộc chơi hội nhập.
Làm thế nào để bảo vệ nền sản xuất non trẻ và dẫn dắt họ hội nhập? Phải đánh thuế hàng ngoại cùng loại với hàng nội cần bảo vệ và phát triển. Cùng mặt hàng, đánh thuế nhập khẩu để đẩy giá hàng ngoại lên cao, chừa thị phần giá thấp hơn cho hàng nội sống. Hàng nội sống và lớn mạnh rồi dỡ bỏ hàng rào thuế để hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng. Doanh nghiệp nào lớn không nổi cho nó chết, doanh nghiệp nào lớn mạnh thì làm chính sách dìu dắt nó để nó hội nhập. Còn không có doanh nghiệp nào lớn nổi thì đó là lỗi ở chính sách vĩ mô của chính phủ. Với Việt Nam, không doanh nghiệp nào lớn lên đủ sức để hội nhập dù đã có 32 năm mở cửa và được đủ thứ ưu đãi từ quốc tế. Với chính sách tiền tệ bất ổn và chính sách thuế bất hợp lý, Việt Nam đã hội nhập thất bại.
Chính phủ qua các đời thủ tướng cho thấy rõ họ thất bại ngay 2 chính sách nền tảng nhất. Thuế ô tô neo ở giá cao vĩnh viễn, đấy là ăn cướp không phải bảo vệ sản xuất trong nước. Ngay cả nền nông nghiệp số 1 thế giới như Mỹ, họ còn dựng hàng rào thuế quan chống bán phá giá cá tra-cá basa để bảo vệ nông dân họ mà? Họ đánh thuế thật nặng vào mặt hàng nhôm thép nhập khẩu từ Việt Nam để tránh gian lận thương mại của Trung Cộng nhằm bảo về nền sản xuất của họ kia mà? Ấy vậy mà anh nhà nghèo như Việt Nam lại miễn thuế cho nông sản Tàu? Đây là cách điều hành vô lối của những cái đầu rỗng tuếch. Điều hành đất nước mà hoặc chỉ làm theo mệnh lệnh, hoặc tự quyết thì cũng chẳng theo một trình tự ưu tiên nào.
Thủ tướng CS nói riêng và cả ĐCS nói chung, đều là một đám ăn hại, đầu óc kiểu Viên Thiệu không có khả năng điều hành đất nước. Đấy là điều không cần phải bàn cãi. Dân im lặng là chấp nhận sự tàn phá, tàn phá cả tương lai của con cháu.
Đỗ Ngà
No comments:
Post a Comment