Hòa Ái, phóng viên RFA 2018-01-02
Cá chết trên một bãi biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP
Thảm họa môi trường biển miền Trung xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy thép Formosa thải độc tố ra biển và đến giữa năm 2017, cơ quan chức năng Việt Nam tuyên bố nước biển khu vực nhiễm độc đã an toàn tuyệt đối cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng ở 4 tỉnh Bắc miền Trung được ổn định. Tuy nhiên, các nạn nhân cùng dư luận khẳng định hậu quả của thảm họa môi trường Formosa vẫn còn đó.
Vẫn chưa nhận được bồi thường
“Từ ngày biển chết đến giờ tiền không có. Bây giờ nhiều người bỏ quê đi hết, không ai muốn ở lại vì quê hương không có việc gì làm hết.”
“Nói chung tính theo tuổi mà kê khai để được đền bù. Nhưng khi tiền đền bù về thì không một ai tuổi từ 15 đến 18, 19 nằm trong danh sách được nhận bồi thường.”
Trên đây là một vài chia sẻ của các nạn nhận bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây ra.
Mặc dù vào cuối tháng 8 năm 2017, Nhà nước Việt Nam cho biết đã chi trả được 95% tổng số tiền đền bù thiệt hại đến các nạn nhân ở 4 tỉnh, bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế và đời sống của người dân tại khu vực biển Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa về cơ bản đã được ổn định; thế nhưng, hầu hết những người dân địa phương ở khu vực này mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc trong những ngày cuối năm 2017 đều nói rằng cuộc sống của họ rất vất vả và vẫn còn rất nhiều người chưa nhận được tiền bồi thường.
Từ ngày biển chết đến giờ tiền không có. Bây giờ nhiều người bỏ quê đi hết, không ai muốn ở lại vì quê hương không có việc gì làm hết
-Nạn nhân thảm họa Formosa
Những ngư dân tiếp tục bám trụ vào nghề biển than thở việc đánh bắt rất thất thường, nhiều khi đánh bắt về đem bán mà không được hòa vốn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hải sản bị phá sản vì không được Chính phủ hỗ trợ theo như lời kêu gọi thu mua hải sản ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra và đã không tiêu thụ được trong thời gian dài. Các dịch vụ du lịch vẫn ế ẩm và hằng chục ngàn lao động vẫn không có việc làm. Nhiều gia đình phải dắt díu, bồng bế con thơ tha phương tìm kế sinh nhai.
Tha phương cầu thực
Tỉnh Hà Tĩnh, nơi tâm điểm xảy ra sự cố môi trường biển Formosa hồi tháng 4 năm 2016, được Tổng cục Thống kê Việt Nam ghi nhận có số lượng xuất khẩu lao động gia tăng đáng kể, theo chính sách do Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cùng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đề ra nhằm cố gắng tạo cơ hội cho mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa có một người đi xuất khẩu lao động, để giúp cho gia đình ổn định cuộc sống tốt hơn.
Song song đó là chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang nghề chăn nuôi và trồng trọt tại quê nhà. Một số ngư dân chia sẻ với RFA rằng những làng ven biển thì không có đất để trồng trọt hay chăn nuôi, vả lại để bắt đầu học hỏi kiến thức chuyển đổi ngành nghề ở tuổi đời không còn trẻ không phải là điều dễ dàng. Một ngư dân ở Quảng Bình cho biết chương trình chuyển đổi nghề không khả thi tại địa phương:
“Chuyển qua chăn nuôi, trồng trọt mà địa bàn Quảng Bình toàn là cát sa mạc, cho nên cái này là vô vọng lắm.”
Thưa kiện Formosa bị đàn áp
Còn số phận của các nạn nhân quyết định khởi kiện nhà máy Formosa đòi được bồi thường thiệt hại bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng hơn. Hàng trăm giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc và Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị chính quyền ngăn cản, đàn áp, đánh đập khi họ đang trên đường đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện vào ngày 14 tháng 2 năm 2017. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án đối với vụ việc hàng ngàn người dân, ở huyện Lộc Hà, hồi đầu tháng 4 năm ngoái tập trung biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện để yêu cầu được giải quyết việc đền bù sau một năm sự cố Formosa xảy ra. Trong cùng thời điểm đầu tháng 4 năm 2017, hàng trăm người dân mang theo ngư cụ ra chặn Quốc lộ 1A tại khu vực xã Kỳ Nam, đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa cũng bị khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Người dân, ngư dân ở Nghệ An đã từng làm đơn đi khởi kiện... chỉ nhận lại được sự căm thù và sự trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền mà thôi; bằng các hình thức đàn áp, xuyên tạc, vu khống đủ mọi điều và nhất là dùng các côn đồ lập ra ‘Hội Cờ Đỏ’ để trấn áp người dân và giáo dân là những người đi đệ đơn khởi kiện Formosa và đòi Formosa bồi thường
-Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam
Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam, thuộc Giáo phận Vinh vào tối ngày 2 tháng Giêng năm 2018 nói với RFA về hậu quả mà giáo dân đi khởi kiện Formosa bị nhận lãnh trong năm qua:
“Người dân, ngư dân ở Nghệ An đã từng làm đơn đi khởi kiện, đã từng yêu cầu bồi thường, đã từng kêu cứu lên Quốc hội và Chính phủ thì chỉ nhận lại được sự căm thù và sự trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền mà thôi; bằng các hình thức đàn áp, xuyên tạc, vu khống đủ mọi điều và nhất là dùng các côn đồ lập ra ‘Hội Cờ Đỏ’ để trấn áp người dân và giáo dân là những người đi đệ đơn khởi kiện Formosa và đòi Formosa bồi thường.”
Bên cạnh đó, trong năm 2017, các nhà hoạt động vì môi trường còn bị chính quyền truy nã, bắt giữ và cầm tù do họ tích cực đưa tin liên quan đến hậu quả của thảm họa Formosa. Họ là Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Bình, Trần Thị Xuân và Nguyễn Văn Hóa.
Thủ tướng không giữ lời
Vào hạ tuần tháng 6 năm 2017, Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam công bố rằng nước biển tại bốn tỉnh miền Trung gánh chịu thảm họa Formosa đã an toàn tuyệt đối, có thể tắm biển và nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, thông tin này không mang lại niềm phấn khởi nào cho dân chúng địa phương 4 tỉnh Bắc Trung Bộ cũng như các nhà khoa học ở trong nước. Ngay sau khi Tổng cục Môi trường công bố như vừa nêu, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét công bố của Tổng cục Môi trường chưa thật là cẩn trọng vì chưa đủ mẫu hay đủ số liệu để chứng tỏ rằng đã thật sự an toàn từ 20 km trở vào ven biển. Giáo sư Lê Huy Bá lý giải rằng trầm tích kim loại nặng ở tầng đáy rất khó khắc phục và khả năng tự làm sạch của biển đối với kim loại nặng là rất khó.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng từng lên tiếng khẳng định:
“Vùng biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.”
Về phía người dân địa phương 4 tỉnh Bắc miền Trung thì đa số chia sẻ với chúng tôi rằng họ mong muốn biển được trở lại như xưa vì bao đời nay họ đã gắn bó với biển và mưu sinh cũng dính liền với nghề biển. Nhưng dường như, mỗi ngư dân trao đổi với RFA đều kết thúc với nỗi niềm lo lắng trong cuộc sống hiện tại rằng “Nói chung thì mọi thứ đều là con số 0”.
Vùng biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa
-Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Thông tin mới nhất liên quan nhà máy Formosa là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, vào trung tuần tháng 12 năm 2017, ra quyết định phạt hành chính 560 triệu đồng đối với sai phạm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa đã chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp có số lượng 100 ngàn kg trái với quy định về bảo vệ môi trường.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ các nạn nhân bởi thảm họa môi trường biển Fomosa mà cả dư luận trong ngoài nước cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không giữ lời khi ông tuyên bố ngay sau khi thảm họa Formosa xảy ra rằng “Chính phủ theo dõi sát sao hoạt động của Formosa Hà Tĩnh và sẽ đóng cửa nếu họ tái phạm”, và được chính Thủ tướng nhắc lại tại buổi làm việc với Formosa và chính quyền Hà Tĩnh hồi cuối tháng 7 năm 2017.
No comments:
Post a Comment