VOA Tiếng Việt/02/01/2018
Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank, đối mặt án tử về tội tham ô, lạm dụng quyền hạn
Những người phạm tội tham nhũng ở Việt Nam có thể thoát án tử hình nếu nộp lại phần lớn số tiền tham nhũng, theo một điều trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018.
Một luật sư cho rằng quy định mới “có khả năng lớn” giúp chính quyền thu hồi tiền thất thoát mà không làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Điều 40 của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên năm 2018, xác định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án “chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ” thì không thi hành án tử hình với họ.
Tuy nhiên, điều luật mới cũng quy định rằng đây không phải là điều kiện duy nhất, mà còn đi kèm với việc người bị kết án phải “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng” hoặc “lập công lớn”.
Theo điều luật, nếu người phạm tội thỏa mãn các điều kiện kể trên, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ “chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân”.
“Các gia đình này, không chỉ là những người thân mà cả những bạn bè của họ, tìm mọi cách để đóng góp, với hy vọng rằng người thân hoặc bạn bè được thoát án tử hình. Tôi nghĩ rằng cái này khả năng xảy ra cũng khá lớn”Luật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Trần Vũ Hải phân tích với VOA rằng điều luật đó có hai mục đích, vừa nhằm giảm số lượng hình phạt tử hình ở Việt Nam cho phù hợp với xu hướng của thế giới, vừa nhắm đến thúc đẩy việc thu hồi tiền hoặc tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
Trong một số cuộc họp chính thức hoặc gặp gỡ cử tri, gần đây nhất là một hội nghị hôm 28/12/2017, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải “tăng cường phòng, chống, xử lý nghiêm” các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ông yêu cầu “đẩy nhanh” việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng và “thu hồi tối đa” tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Theo nhận định của luật sư Hải, có thể để đạt mục đích thu hồi tiền hoặc tài sản trong các vụ tham nhũng, các thẩm phán “sẽ mạnh dạn tuyên án tử hình” với kỳ vọng rằng những người nhận án tử hình sẽ tìm cách khắc phục.
Với kinh nghiệm tham gia bảo vệ một số thân chủ trong các vụ liên quan đến tham nhũng, ông Hải cho rằng sẽ “không phải là quá khó” để các gia đình của những bị cáo khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại 3/4 giá trị thất thoát trong các vụ tham ô, tham nhũng số lượng lớn:
“Các gia đình này, không chỉ là những người thân mà cả những bạn bè của họ, tìm mọi cách để đóng góp, với hy vọng rằng người thân hoặc bạn bè được thoát án tử hình. Tôi nghĩ rằng cái này khả năng xảy ra cũng khá lớn”
Đây là những tội tham nhũng, cho nên bảo các bị cáo đó không đủ tiền cũng là trường hợp hiếm xảy ra. Thực tế, các gia đình các bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục. Về sự nghiêm minh, tôi nghĩ là án chung thân cũng thể hiện sự nghiêm minh.Luật sư Trần Vũ Hải
Điều luật mới đi vào áp dụng dẫn đến một số bình luận trên mạng xã hội rằng một số bị cáo sẽ chịu bất lợi vì không khắc phục được hậu quả, đồng thời việc cho phép nộp lại tiền hay tài sản tham nhũng để thoát án tử hình dường như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Từ góc nhìn chuyên môn và căn cứ vào thực tế trải qua, luật sư Hải đưa ra ý kiến:
“Đây là những tội tham nhũng, cho nên bảo các bị cáo đó không đủ tiền cũng là trường hợp hiếm xảy ra. Thực tế, các gia đình các bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục. Về sự nghiêm minh, tôi nghĩ là án chung thân cũng thể hiện sự nghiêm minh”.
Luật hình sự sửa đổi được thông qua hồi cuối tháng 6/2017, một vài tháng trước khi xuất hiện những diễn biến đáng chú ý liên quan đến một loạt các đại án tham nhũng.
Trong số các vụ như vậy, nổi lên hai vụ đình đám là ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, “đầu thú” nhà chức trách Việt Nam hồi tháng cuối tháng 7/2017; và ông Đinh La Thăng, một đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực, bị bắt và truy tố hồi cuối tháng 12 cùng năm.
No comments:
Post a Comment