Friday, January 12, 2018

Thủ tục nhiêu khê, nhiều xe bị CSGT giam oan

Thủ tục nhiêu khê, nhiều xe bị CSGT giam oan
Xe vi phạm được chở về kho bãi ở TP.HCM. Ảnh: HTD

(PL)- Với quy định hiện hành, khi người vi phạm được giao xe để tự giữ thì chiếc xe không “sứt đầu” cũng “mẻ trán”.

Phản ảnh của Pháp Luật TP.HCM trong hai số báo vừa qua cho thấy đang có nhiều bất cập, phát sinh trong việc áp dụng quy định tạm giữ xe vi phạm giao thông.
Hoặc CSGT đã lạm dụng hình thức tạm giữ xe với lý do để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt dẫn đến sự quá tải, gây khổ sở cho người vi phạm và cho cả cơ quan quản lý nhà nước; hoặc CSGT vin vào quyền giam xe để “hù” người vi phạm nhằm mục đích tư lợi nào đó. Tình trạng này cần phải được ngành CSGT gấp rút chấn chỉnh, không để tồn tại quá lâu.
Tuy nhiên, có điều cần phải bàn thêm là ngay cả khi CSGT chủ động hướng dẫn người vi phạm làm thủ tục tự giữ xe theo đúng quy định thì khổ chủ cũng hết sức trần ai. Đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của Điều 78 Nghị định 46/2016 (số báo ngày 9-1 đã trích dẫn) thì đã đành là phải bị giam xe để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính (VPHC), bởi nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Còn lại, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì Luật Xử lý VPHC cho phép người vi phạm nếu có địa chỉ rõ ràng hoặc có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì được tự giữ xe.


Thế nhưng Thông tư 47/2014 của Bộ Công an đang có nhiều quy định không sát, dẫn đến việc ít (nếu không muốn nói là không có) trường hợp nào được “hưởng lợi” từ chính sách ân giảm trên của Luật Xử lý VPHC.
Cụ thể, Thông tư 47 yêu cầu người vi phạm muốn tự giữ xe và có điều kiện tự giữ xe thì phải gửi đơn (kèm theo bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, hoặc giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác) đến cơ quan có thẩm quyền tạm giữ xe. Trong vòng hai ngày (hoặc năm ngày nếu vụ việc phức tạp) cơ quan này sẽ xem xét, quyết định việc giao xe cho người vi phạm giữ. Tương ứng, cơ quan có thẩm quyền sẽ tạm giam xe từ lúc ra quyết định tạm giữ xe cho đến lúc giao cho người vi phạm tự giữ.
Như vậy, ngay cả khi người vi phạm thuộc trường hợp được ân giảm thì xe cũng bị tạm giữ vài ngày. Tức kiểu nào thì CSGT cũng sẽ đưa xe về tạm giữ một thời gian. Trong điều kiện bảo quản không tốt như lâu nay, chiếc xe khi được giao trả lại cho khổ chủ tự giữ hẳn không tránh khỏi “sứt mẻ”. Vậy có nên tiếp tục duy trì các thủ tục khiến đôi bên đều bị phiền toái và người vi phạm phải gánh thêm thiệt hại?
Thiết nghĩ Bộ Công an cần sửa đổi Thông tư 47 theo hướng tạo thuận lợi ngay từ đầu cho người vi phạm trong các trường hợp luật định được tự giữ xe thông qua biên bản giao xe để tự giữ, chứ không phải là quyết định tạm giữ xe. Khi đó, việc chứng minh về các điều kiện theo yêu cầu có thể bổ sung sau. Kèm theo đó, các chế tài có liên quan đến vi phạm giao thông hay vi phạm trong việc tự giữ xe phải được CSGT khẩn trương xử lý để tránh gây thêm nhiều mắc mứu không hay.
Cách nào giảm số lượng xe vi phạm bị tạm giữ?
Luật Xử lý VPHC đã quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện (trong đó có phương tiện giao thông) chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết. Luật này cũng quy định cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm nếu đáp ứng được một số điều kiện hoặc có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì được tự giữ phương tiện. 
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, Nghị định 46/2016 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định cụ thể những trường hợp được tạm giữ phương tiện.
Theo đó, người có thẩm quyền chỉ được tạm giữ phương tiện trong các trường hợp được liệt kê cụ thể tại Điều 78 của nghị định. Riêng với trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt thì có thể thực hiện khi có bất kỳ hành vi vi phạm nào được quy định tại Nghị định 46.
Tuy nhiên, với số lượng xe vi phạm quá lớn bị tạm giữ thời gian qua đã gây ra khó khăn trong việc bố trí nơi trông giữ xe và nhiều hệ lụy khác. Đơn cử như việc lãng phí của cải xã hội khi những chiếc xe bị hư hại trong quá trình bị tạm giữ.
Như vậy, nếu các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nghị định 46; không lạm dụng hình thức tạm giữ với lý do để xác minh tình tiết và áp dụng triệt để, đầy đủ các quy định pháp luật liên quan thì việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm sẽ không trở nên quá tải và gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn tổ chức, cá nhân vi phạm như hiện nay.
Bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊNTrưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý VPHC, Sở Tư pháp TP.HCM
NGUYÊN THY

No comments:

Post a Comment