“…Với việc bắt cóc Trịnh xuân Thanh, ông Trọng đã thành công trong việc ném chuột song cái bình cũng xem như là đã vỡ. Cái bình vỡ này không phải là Đảng Cộng sản các ông mà là nồi cơm bể của triệu triệu người VN…”
Nhân vụ án Trinh Xuân Thanh kiểm lại những cam kết của Việt Nam về tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo vệ nhân quyền trong Hiệp định PCA giữa EU và VN.
Liên minh Âu châu (EU) và Việt Nam (VN) đã có quan hệ ngoại giao từ tháng 10-1990. Từ đó tới nay đã có 3 hiệp định quan trọng được kí kết: Hiệp định Hợp tác khung (FCA), Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) và Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
Từ FCA (1995) tới PCA (2012) và EVFTA (2016)
Sau ít nhất là 32 lần tiếp xúc, đàm phán cấp cao giữa Chính phủ VN từ cấp bộ trưởng trở lên và EU từ cấp ủy viên (đối ngoại, thương mại…) trở lên, Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện/Partnership and Cooperation Agreement (PCA) ra đời năm 2012. Hiệp định này đã có hiệu lực, mở rộng và bổ sung cho Hiệp định Hợp tác khung/Framework Cooperation Agreement (FCA) kí năm 1995 và là căn bản cho Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và VN (EVFTA) đã được kí kết năm 2016. Hiệp định EVFTA lẽ ra được phê chuẩn cuối năm 2017để có hiệu lực, song việc phê chuẩn đã bị hoãn lại.
Bài này nhằm điểm lại những cam kết trên giấy trắng mực đen của Việt Nam về việc tôn trọng luật pháp quốc tế, việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong Hiệp định PCA để thăm dò tính khả thi của việc phê chuẩn EVFTA từ khi xảy ra "sự cố" bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.
Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) ràng buộc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền. Khi Hiệp định này được thỏa thuận thì phía VN chờ đợi những gì và phía EU đòi hỏi những gì?
Trong lúc bà Catherine Aston, đại diện EU nói rõ trong lời nói đầu của ấn bản chính thức của Hiệp định: "Hiệp định PCA dựa trên cơ sở các mối quan tâm và nguyên tắc chung như bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nền pháp trị và quyền con người" là tiền đề cho hợp tác trong các lãnh vực khác (Hiệp định, trang 5) thì mong muốn ưu tiên của VN rõ ràng nhất là: "Hợp tác phát triển đầu tư kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, y tế, du lịch.... góp phần tạo thuận lợi... để VN tăng cường hợp tác cùng có lợi... hướng tới sớm công nhận quy chế thị trường của VN". Trong lời nói đầu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh (Hiệp định, trang 3-4), ông Minh không nhắc tới tiền đề quyền con người hay nền pháp trị như bà C. Aston muốn nhấn mạnh. Sau này, Phó thủ tướng VN Vương Đình Huệ cũng đề nghị là không đưa vấn đề nhân quyền vào Hiệp định EVFTA.
Dù sao chăng nữa, 2 bên cũng thỏa thuận các nguyên tắc chung:
Điều 1 về cam kết đối với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế (Hiệp định, Chương I, trang 13): "Các nguyên tắc đó bao gồm vấn đề pháp quyền và nguyên tắc tự nguyện thực hiện cam kết quốc tế... Việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền như quy định trong Tuyên ngôn của Đại hội đồng LHQ… làm cơ sở cho các chính sách đối nội và đối ngoại của hai bên và tạo thành một yếu tố thiết yếu của Hiệp định này".
Chính phủ VN đã đặt bút kí cam đoan tôn trọng những điều kể trên song thực tế lại cho thấy là họ không màng tới những cam kết của chính họ. Ở trong nước thì người dân đã biết thế nào là dối trá của người cộng sản: từ cam kết đình chiến ăn Tết tới tổng công kích tết Mậu Thân 1968, từ việc hứa hẹn "học tập cải tạo 7 ngày" tới tù đầy hàng chục năm trời của binh lính VNCH sau 1975. Hay gần đây nhất là hứa hẹn rồi bội hứa của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ đất Đồng Tâm. Rồi những vụ bắt bớ, những bản án tù đầy nặng nề cho những người hoạt động nhân quyền trong nước. Song vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là lần đầu tiên (nếu không kể vụ xé Hiệp định Paris của miền Bắc VN năm1973) mà quốc tế nếm mùi bất tín, hứa cuội của nhà nước Việt Nam. Thế nào là "cam kết đối với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế" mà họ đã kí? Thế nào là "bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"? (Hiệp định, trang 4) như lời hứa của bộ trưởng Phạm Bình Minh trong lời nói đầu của Hiệp định PCA.
Điều 35 về "Hợp tác về nhân quyền" (Hiệp định, Chương 6, trang 47): "Các bên nhất trí hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền bao gồm việc thực hiện các văn kiện quốc tế về nhân quyền mà các bên là thành viên... Tăng cường hợp tác trong các thể chế liên quan tới nhân quyền của Liên hiệp quốc".
Những cam kết của VN liên quan việc tôn trọng nhân quyền ghi trong Hiệp định trở nên lố bịch khi so sánh với những đàn áp không nương tay trên thực tế của nhà nước VN đối với những người đấu tranh cho nhân quyền: từ vụ luật sư Nguyễn văn Đài bị bắt trên đường tới tham dự Đối thoại nhân quyền với EU tới những bản án vô lí cho Mẹ Nấm, ông Phạm Kim Khánh và nhiều người khác khi họ biểu đạt một cách ôn hòa những ý kiến của họ về những vấn đề trong xã hội. Có thể nói chắc rằng Chính phủ VN đã vi phạm trầm trọng những gì họ đã cam kết.
Hiệp định có dự liệu những biện pháp chế tài gì trong trường hợp vi phạm hay không thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp định?
Điều 57 về "Việc thục hiện nghĩa vụ" (Hiệp định, Chương VIII, trang 67): "Nếu một bên cho rằng bên kia không thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp định thì có thể đưa ra các biện pháp thích hợp… Các biện pháp được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế và tương xứng với với mức độ không thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp định này".
Đối với việc VN không thực hiện nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thì cho tới nay những biện pháp của EU lên tới mức cảnh báo bằng những nghị quyết hay thông điệp mà điển hình nhất là nghị quyết của Quốc hội Âu châu ngày 14-12-2017 lên án VN đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp tự do tín ngưỡng nhân trường hợp ông Nguyễn Văn Hóa, hay trước đó là thông điệp của ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU ở Hà Nội, lên án vụ kết án tù Mẹ Nấm.
Trong trường hợp vi phạm luật pháp quốc tế như vụ Trịnh Xuân Thanh thì nước Đức, thành viên EU, đã phản ứng cứng rắn: đuổi 2 nhân viên ngoại giao VN về nước, bãi bỏ việc miễn visa cho ngoại giao đoàn VN và đình chỉ hợp tác chiến lược. Nếu nhìn lại thái độ trọng thị của nước Đức khi đón tiếp cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm cách đây 2 năm như việc cho chiến đấu cơ hộ tống máy bay của ông Sang và bắn đại bác chào mừng thì thái độ khinh miệt của họ hiện nay cho thấy thất bại ngoại giao của Việt Nam thật là khủng khiếp.
Từ PCA tới EVFTA…
Hiệp định Thương mại tự do EVFTA cũng đòi hỏi nền tảng dân chủ và nhân quyền. Sau khi Hiệp định TPP không thành hiện thực vì Hoa Kỳ rút lui thì Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và EU (EVFTA) trở nên vô cùng quan trọng với nền kinh tế của VN. Hiệp định có thể đem lại lợi nhuận hàng tỉ USD cho VN nhưng cũng mở ra cơ hội béo bở cho những nhà đầu tư EU. Hiệp định có trọng tâm là lĩnh vực quan hệ thương mại giữa EU và VN nhưng cũng có nền tảng là Hiệp định PCA với những điều khoản về nhân quyền mà các đối tác của EVFTA cũng phải tôn trọng.Việc cử ông Vương Đình Huệ sang Âu châu đề nghị không đưa vấn đề nhân quyền vào EVFTA cho thấy nhà nước VN không bao giờ thực tâm muốn cải thiện vấn đề nhân quyền ở VN. Từ đó, câu hỏi đặt ra là liệu EVFTA có được phê chuẩn với những dữ kiện xấu như hiện nay?
Những người lạc quan cho rằng rồi cũng ổn, EU cũng muốn làm ăn với VN để kiếm lời vậy. Song liệu EU có sẵn sàng từ bỏ những nguyên tắc căn bản của họ về tự do dân chủ nhân quyền không? Có sẵn lòng tiếp tục hợp tác với một đối tác không tin cậy như Việt Nam không? Có lẽ là không.
Trong thực tế, EU cũng đã cấm vận Nga vì việc Nga chiếm bán đảo Krime của Ukraine mặc dù nền kinh tế của EU cũng bị thiệt hại vì việc cấm vận này.
Ném chuột… đã vỡ bình
Trong công cuộc "đả hổ diệt ruồi" theo chân Tập Cận Bình hay là trong cuộc chiến tận diệt đối thủ nội bộ, Tổng bí thư Trọng có nhiều câu nói ví von đại loạn như "chống tham nhũng là ta tự đánh ta", hay là "lò đã nóng rồi thì củi tươi cũng phải cháy". Ông Trọng cũng đã nói "ném chuột thì sợ vỡ bình" như là lời thú nhận sự khó khăn khi chống tham nhũng trong lòng Đảng Cộng sản.
Với việc bắt cóc Trịnh xuân Thanh, ông Trọng đã thành công trong việc ném chuột song cái bình cũng xem như là đã vỡ. Cái bình vỡ này không phải là Đảng Cộng sản các ông mà là nồi cơm bể của triệu triệu người VN một khi Hiệp định EVFTA vì vi phạm luật pháp quốc tế mà không được phê chuẩn, nghĩa là vô giá trị.
Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện PCA đã kí năm 2012 cũng không có giá trị vĩnh cửu (Hiệp định, điều 63, trang 68). Nó hết hạn sau 5 năm, có thể được tự động gia hạn song EU cũng có thể chấm dứt hiệu lực sau đó. Hơn thế nữa, liệu trong tương lai còn có quốc gia nào muốn làm "bạn, đối tác tin cậy của Việt Nam", kí kết những hiệp ước mà chắc rằng Việt Nam sẽ lại không thi hành?
Giờ đây Trịnh xuân Thanh đang ra trước tòa án, dân chúng nín thở theo dõi cách hành xử của các ông trong Đảng Cộng sản và phản ứng của EU để ước chừng hậu quả nồi cơm của dân VN bị bể tới mức độ nào.
T.K.Tran
Tham khảo bản tiếng Việt của PCA:
- bản tiếng Anh của EVFTA: trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2016/february/tradoc_154195.pdf
No comments:
Post a Comment