Friday, January 12, 2018

Cần một thể chế phân quyền để làm sạch bộ máy nhà nước

“…Ông Đoàn Ngọc Hải vẫn còn là Đảng viên ĐCS, nên Đảng vẫn sẽ lựa vị trí nào đó bổ nhiệm thôi. Còn thất sủng thì cũng về làm Ban Kinh tế của Đảng ủy Thành phố vậy. Chẳng qua ông Hải mất đi phúc lợi béo bở ghế phó chủ tịch một quận lớn nhất nước mang lại mà thôi, chứ ông không mất trắng…”
doanngochai06
Đoàn Ngọc Hải từ chức phó chủ tịch quận
Nói về tham vọng ai cũng có, việc một người ngồi ở ghế quyền lực cao muốn thực hiện những âm mưu để mưu cầu cho bản thân đâu phải chỉ tồn tại trong chính quyền độc tài, mà nó cũng tồn tại trong thể chế dân chủ. Nhưng sự khác nhau là, ở thể chế dân chủ, chính thể chế nó sẽ làm sạch bộ máy nhà nước bất kể người đó là ai và chức vụ gì, còn trong thể chế độc tài thì cậy kẻ có quyền cao hơn trừng trị kẻ có quyền thấp hơn. điều này vô cùng nguy hiểm, vì nó là cái vòng luẩn quẩn, kẻ tham nhũng này trị kẻ tham nhũng khác, tội đồ chưa lộ trừng trị tội đồ bị lộ.

Ngày 17 tháng 6 năm 1972, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) tóm được 5 “tên trộm” tại khách sạn Watergate ở Washington D.C nơi Đảng Dân Chủ họp. Thật bất ngờ, FBI phăng ra nguồn gốc những “tên trộm” lại dính dáng tới những nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon. Và sự việc mới vỡ ra rằng, tổng thống Nixon cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ém đi vì FBI cũng nằm trong hành pháp dưới quyền Tổng thống. Thế nhưng chỉ cần một mối rò rỉ, lập tức hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein công bố lên tờ uy tín bậc nhất Hoa Kỳ, tờ Washington Post. Chỉ cần đến thế, Quốc hội Mỹ lập ủy ban điều tra để luận tội nhằm truất phế Tổng thống. Còn tư pháp thì cũng điều tra song hành với lập pháp (như ta biết điều tra của lập pháp là tìm bằng chứng để tước bỏ chức tước của tổng thống, còn tư pháp điều tra tội theo luật hình sự để bỏ tù tổng thống) chuẩn bị vào cuộc nếu Nixon bị quốc hội truất phế. Nhìn thấy hết đường phủ nhận, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.
Chỉ cần lỗ xì nhỏ, báo chí khui được, hành pháp nhảy vào, tư pháp nhảy vào. Ta thấy một cơ chế phân lập 3 quyền không chịu sai khiến bởi cá nhân nào, không chịu khống chế bởi nhánh quyền lực nào nó đã thi hành sự thanh lọc bộ máy tuyệt vời như thế nào? Hai (2) nhánh kia cứ theo luật mà làm, đến quyền lực cao tột đỉnh như tổng thống Hoa Kỳ còn không thể nào thoát thì nói chi đến những quan chức khác? Cái tuyệt ở tam quyền phân lập là bộ máy lọc sạch con người chứ không phải bậc “vĩ nhân thanh liêm” nào ra tay thay cho trời để hành đạo cả. Khi thể chế ra tay, nó bất vị thân, bất vị nể, bất vị sợ, và bất lợi dụng. Tất cả điều đó sẽ đảm bảo công lý.
Như ta thấy, từ quá trình điều tra, chuẩn bị luận tội và truất phế tổng thống, không hề có bóng dáng Đảng trong đó. Đó là công việc hoàn toàn của Nhà nước, một nhà nước phân quyền với nhánh này làm sạch nhánh kia nên bộ máy sạch là thế.
Còn vụ án Đinh La Thăng thì sao? Việc truy tố một quan chức tham nhũng trước đó hàng chục năm mà bộ máy nhà nước không đụng đến, giờ để Đảng nhảy vào xử lý tham nhũng. Việc nhà nước là công việc quốc sự, việc Đảng là việc băng nhóm sao để băng nhóm điều khiển chuyện quốc sự thay cho nhà nước? Đấy là mối nguy, vì sao? Chuyện quốc sự liên quan đến quyền lợi người dân, quyền lợi dân tộc, biên cương lãnh thổ. Vì lẽ đó mà các nước tiến bộ người ta loại bỏ tính đảng phái trong bộ máy nhà nước. Chuyện của hành pháp, chuyện của tư pháp, chuyện của lập pháp là việc chung không là của riêng đảng phái nào. Đảng phái chỉ là nguồn cung cấp nhân sự cho dân chọn vào nhà nước, hết. Nếu nhà nước là của riêng đảng phái, đến khi nó bán thì sẽ không ai có thể chặn nổi.
Bộ máy song trùng, trung ương, tỉnh, huyện, xã luôn có người đứng đầu bộ máy Đảng là bí thư, người đứng đầu nhà nước cấp đó là chủ tịch. Chức vụ trong đó, bộ máy Đảng bổ nhiệm người cho bộ máy nhà nước chứ không có chuyện ngược lại. Như vậy việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức chẳng qua là từ chức trong bộ máy nhà nước, ông vẫn là đảng viên ĐCS. Đến kẻ thất sủng như Nguyễn Văn Bình còn được Nguyễn Phú Trọng cho về giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông Đoàn Ngọc Hải vẫn còn là Đảng viên ĐCS, nên Đảng vẫn sẽ lựa vị trí nào đó bổ nhiệm thôi, như phó giám đốc một sở chẳng hạn. Còn thất sủng thì cũng về làm Ban Kinh tế của Đảng ủy Thành phố vậy. Chẳng qua ông Hải mất đi phúc lợi béo bở ghế phó chủ tịch một quận lớn nhất nước mang lại mà thôi, chứ ông không mất trắng. Còn 3 năm nữa hết nhiệm kỳ, nếu dạng cơ cấu thì hết nhiệm kỳ này ông sẽ lên chức, vậy thôi. Việc nghỉ chức vụ nhà nước sẽ không ảnh hưởng gì chức vụ của ông sau 3 năm nữa.
Đất nước bị thao túng bởi một đảng phái là vậy. Nếu Đoàn Ngọc Hải từ chức phó chủ tịch quận thì ông vẫn sẽ tiến xa hơn trên đường quan lộ nếu ông là diện cơ cấu. Đâu phải như chức vụ dân cử đâu mà từ chức là mất tất cả? Nhưng dám từ chức như ông vẫn là một trường hợp lóe sáng, dù rằng sự lóe sáng này như đóm lửa trong màn đêm tăm tối chỉ toàn là sự lì lợm và trơ trẽn của giới chính trị CS. Dù không bì với sự từ chức của xứ người ta, nhưng ông vẫn xứng đáng để được khen.
Đỗ Ngà

No comments:

Post a Comment