SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hãng Uber B.V của Hòa Lan đâm đơn kiện Cục Thuế thành phố Sài Gòn và theo báo Tuổi Trẻ hôm 31 Tháng Mười Hai, 2017 dẫn lời ông Trần Ngọc Tâm, cục trưởng Cục Thuế thành phố này nói họ “làm đúng luật nhưng vẫn phải thận trọng” trước vụ kiện.
Hôm 29 Tháng Mười Hai, tòa án thành phố Sài Gòn xác nhận đã thụ lý vụ kiện của Uber B.V.
Trước đó, Cục Thuế Sài Gòn yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần (VietcomBank, EximBank, SacomBank, ACB, Vietinbank) cưỡng chế tài khoản của hãng Uber từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018 đến 10 Tháng Giêng, 2018. Trong thời gian này, tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V sẽ chuyển vào tài khoản cơ quan thuế thay vì chuyển ra nước ngoài cho đến khi Cục Thuế Sài Gòn thu đủ khoản nợ 53.3 tỷ đồng ($2.35 triệu), theo báo Tuổi Trẻ.
Tổng số nợ mà Cục Thuế Sài Gòn đòi truy thu hãng ứng dụng gọi xe là 66.68 tỷ đồng ($2.94 triệu). Bộ Tài Chính Việt Nam đứng về phía Cục Thuế Sài Gòn, bác khiếu nại của Uber về quyết định truy thu 66.68 tỷ đồng. Ngày 13 Tháng Mười Hai, Cục Thuế Sài Gòn ra tối hậu thư yêu cầu Uber nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày. Tuy vậy, đến thời hạn chót, do Uber chỉ nộp 13.3 tỷ đồng ($586,530), Cục Thuế Sài Gòn yêu cầu các ngân hàng cưỡng chế tài khoản của hãng ứng dụng gọi xe.
Đến thời điểm này, Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn đã buộc cục trưởng Cục Thuế Sài Gòn “tạm đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế tài khoản Uber.”
Trong một bài khác, báo Tuổi Trẻ nói “thu nhập của Uber phát sinh từ Việt Nam thông qua các tài xế để cung cấp dịch vụ trong thời gian từ 6 đến 12 tháng liên tục. Căn cứ theo quy định về xác định cơ sở thường trú của pháp luật Việt Nam, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa hai chính phủ và kết quả thanh tra thuế tại Công Ty Uber Việt Nam, cơ quan thuế xác định các lái xe được xem là các cơ sở thường trú của Uber B.V Hòa Lan tại Việt Nam. Do Uber B.V Hòa Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú nên có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.”
Không chỉ Tuổi Trẻ mà các báo Việt Nam khác khi tường thuật về vụ kiện này đều chỉ dẫn lời giới chức ngành thuế hoặc Bộ Tài Chính mà bỏ qua lời của phía Uber hoặc luật sư đại diện hãng này. Các báo cũng đồng loạt đăng bài theo hướng “đòi công bằng cho taxi trước Grab và Uber.”
Trong khi đó, lên tiếng trên mạng xã hội, một số nhà hoạt động, luật sư lại bày tỏ sự ủng hộ việc Uber kiện Cục Thuế Sài Gòn. Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết trên trang cá nhân: “Ủng hộ các bạn dùng luật để làm việc với nhau. Các bạn kiện cục thuế Sài Gòn khác với Trần Huỳnh Duy Thức kiện Sở Thông Tin Truyền Thông Sài Gòn mười mấy năm trước. Đừng sợ.”
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ cho hay, Cục Thuế Sài Gòn dự toán năm 2017 phải thu 238,882 tỷ đồng ($10.53 tỷ) để đạt chỉ tiêu thu ngân sách, nên trong tuần cuối cùng của năm 2017, cơ quan này phải đặt mục tiêu thu 2,525 tỷ đồng ($111.3 triệu) mỗi ngày. “Trước nhiệm vụ nặng nề này, vừa qua Cục Thuế Sài Gòn đã áp dụng hàng loạt biện pháp để đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế,” tờ báo viết. (T.K.)
No comments:
Post a Comment