Ngày 1 Tháng Mười Hai, 2017, chế độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi tung ra một cú “móc túi” khiến xây xẩm mặt mặt người nghèo và doanh nghiệp: giá điện tăng vọt 6.08% thành 1,720.65 đồng/1kw, chưa kể thuế VAT.
“Giá điện bị ‘đánh úp’: Người dân kêu trời!” – một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam đang oằn mình nặng gánh lo toan về chuyện mưu sinh, vừa phải tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.
Nhưng cũng như bao lần xăng tăng giá, mọi chuyện có thể sẽ trở thành quen thuộc với chuyện tăng giá điện để trục lợi. Quen thuộc đến nỗi khi chính quyền cai trị đã nắm rõ được tâm lý cam chịu của dân Việt, động tác còn lại chỉ “tăng giá cứ như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi lêu toáng lên.”
Vào lần này, những kẻ “vặt lông vịt” không ai khác là “bạch tuộc EVN” (Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam) và Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản của tập đoàn này. Từ thời Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng,” Bộ Công Thương và EVN đã trở thành “sát thủ” với những cú tăng giá “bù lỗ vào dân” và “giết sống” người nghèo trong nạn xả lũ cực kỳ vô trách nhiệm của các hồ thủy điện.
Và cả giới quan chức chính phủ – những cái tên như Vương Đình Huệ và Nguyễn Xuân Phúc…
Còn giờ đây, Vũ Huy Hoàng đã “hạ cánh an toàn” mà chẳng phải chịu một trách nhiệm hình sự nào.
Và Bộ Công thương hiện thời vẫn chỉ là những con số tiếp theo – liền với dãy số trước.
Những con số tiền bạc và lợi nhuận…
Trong 2 năm rưỡi qua kể từ lần tăng giá gần nhất 7.5% vào Tháng Ba, 2015, nhóm trục lợi chính sách đã vừa âm thầm vừa lộ liễu thực hiện một chiến dịch vận động tăng giá điện. Không ít chiêu trò và thủ đoạn đã được sử dụng.
Ngân hàng thế giới thủ vai gì?
Chiêu “PR” chính sách độc đáo và có lẽ là thành công nhất là “quốc tế vận”:
Vào quý 1 năm 2015, EVN và Bộ Công Thương đã “đạo diễn” cho Ngân Hàng Thế Giới (WB) – tổ chức tài chính quốc tế là chủ nợ của EVN và của con nợ Việt Nam – đưa ra các “khuyến nghị” về tăng giá điện. Điều kỳ lạ là ngay sau đó, các chuyên gia của WB đã phóng ra khuyến nghị về giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 thì mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Còn vào năm 2015 đó, WB đã “chỉ đạo” giá điện phải tăng 20% với 6 tháng mỗi lần, tức gấp đôi tỉ lệ 9.5% mà EVN mưu tính.
Nhưng tại sao nhóm trục lợi chính sách lại cần đến WB và khuyến nghị tăng giá điện để “cứu” EVN?
Sau một thời gian dài bưng bít thông tin, cũng vào quý 1 năm 2015, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!
Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân,” phá sản là chắc chắn. Bởi vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30,000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2017, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.
Cho đến năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến $9.3 tỷ của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.
Nhưng $9.3 tỷ chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7.1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện thời, EVN chính là quán quân về “chúa chổm” trong tất cả các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước “nói mãi vẫn không chuyển” và “ăn của dân không chừa thứ gì.” Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.
Vai trò của Thủ Tướng Phúc – EVN?
Vào cuối Tháng Sáu, 2017, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, nhưng đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu “cậu ấm hư hỏng” này.
Trong đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh.”
Cũng trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của chính phủ thì nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…
Dung dưỡng độc quyền đã “nối giáo” cho chuyên chế tăng giá điện.
Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ Tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017, thay thế quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Tám, 2017.
Quyết định trên cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.
Lẽ đương nhiên, nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế!
Cùng với Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của “cá mập” EVN, cho đến lúc đó sự nghiệp “lobby tăng giá” của EVN đã thành công bước đầu.
Vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ Công Thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là “nhóm cá mập” hay “bạch tuộc,” chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm mà chưa cần đến việc Bộ Công Thương xin ý kiến chính phủ cho trường hợp tăng giá điện trên 10%, đã đã đủ để “bù giá vào dân.”
Theo đó và trong trường hợp “nhân đạo” nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá diện dưới 5% và được tăng hai lần một năm, nghĩa là giá điện ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.
Còn kém “nhân đạo” hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công Thương sẽ “trảm” dân. Nối tiếp truyền thống “đi đêm” và “bảo kê” từ thời Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng, đương kim Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này – nhân vật suýt thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong dự án Thép Hoa Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để “kết quả dân chúng” bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20%!
Dường như có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương và EVN.
Vào lần này, ông Phúc đã phủi tay và để chính Bộ Công Thương “trảm” dân.
Và “cậu học trò nghèo hiếu học?”
Một tháng rưỡi trước đêm tăng giá điện, có một cuộc họp của Ban Chỉ Đạo Điều Hành Giá của chính phủ. Trong cuộc họp này, khác hẳn với thái độ đầy nét dân túy vào đầu năm 2017 khi hứa hẹn trên mặt báo rằng về khả năng không tăng giá điện trong năm 2017, người được vài tờ báo nhà nước ca ngợi là “cậu thiếu niên nhà nghèo hiếu học và học rất giỏi” – Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ – đã đổi giọng.
Trong cuộc họp trên, ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu “Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể.”
Nhưng điều kỳ lạ là Bộ Công Thương đã “khẩn trương” đến mức ngay tại thời điểm có yêu cầu trên của ông Vương Đình Huệ, bộ này đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6.08%.
Hơn 6% là một tỷ lệ tăng cao và hoàn toàn có thể kích thích lạm phát tăng vọt, trong bối cảnh kinh tế ngập ngụa suy thoái và đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
Mặc dù giới lãnh đạo EVN và Bộ Công Thương cho rằng việc tăng giá điện chỉ khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng chưa tới 0.1% và không làm giảm GDP, nhưng trong thực tế từ năm 2011, một nhóm chuyên gia đã dựa trên mô hình giá Leontief với hệ số được cập nhật năm 2007 để xác định nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0.3% và khiến GDP giảm 0.04%.
Câu chuyện Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6.08% – trùng với chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ – để một tháng rưỡi sau đó đã bất ngờ công bố tăng giá điện đúng tỷ lệ 6.08%, cho thấy đây là một kịch bản đã được giới lãnh đạo ngành công thương, EVN và chóp bu chính phủ tính sẵn để đưa xã hội và người tiêu dùng vào thế đã rồi.
Cùng lúc, một chiến dịch vận động khác được PR trên mặt báo chí nhà nước, lấy ý kiến một số chuyên gia “phản biện trung thành” và đưa ra những nhận định thuần túy có lợi cho nhóm trục lợi chính sách, chẳng hạn như: “ngành điện đã ‘kìm hãm’ tăng giá trong vòng 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư. Do đó, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện là điều không thể tránh, nhất là trong bối cảnh cần cung cấp đủ điện phục vụ cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế của chính phủ…”
Cần nói thêm, trong một lĩnh vực khác hẳn điện lực là chủ đề nhân quyền, người cùng với Thủ Tướng Phúc có dấu hiệu “bảo kê” cho Bộ Công Thương và EVN tăng giá điện – Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ – đã trở thành tiêu điểm bị giới báo chí quốc tế và mạng xã hội bình luận chỉ trích: ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu Tháng Mười Hai, 2017, lời đề nghị “không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA” của ông Vương Đình Huệ đã thêm một lần nữa làm cho những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết phải nhận một bài học “đời đổi – não không đổi” từ phía giới quan chức Việt Nam. (Phạm Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment