HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hy vọng thu được hơn nửa tỷ đô la khi loan báo bán bớt cổ phần của một nhà máy lọc dầu, một công ty phân phối xăng dầu và một công ty điện lực dầu khí.
Chỉ ít ngày sau khi mỏ chiến dịch quảng cáo rầm rộ bán cổ phần công ty bia rượu Sabeco, hôm 9 Tháng Mười Hai, người ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam đem bán thêm một số công ty quốc doanh lớn cho các nhà đầu tư. Đây là một chỉ dấu được giới phân tích thời sự cho rằng Việt Nam muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các công ty quốc doanh để đối phó với các khó khăn tài chính.
Ngân sách ngày càng thâm thủng nhiều hơn và song song thì nợ công cũng chồng chất lên mãi, bán bớt tài sản của các công ty quốc doanh giúp chống đỡ với các khó khăn và bớt tùy thuộc vào vay nợ thêm.
Qua các con số cổ phần được rao bán, Hà Nội hy vọng thu về ít nhất $297 triệu từ việc bán đấu giá 20% cổ phần của Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) và ít nhất hy vọng thu được $155 triệu khi bán 7.79% cổ phần của nhà máy Lọc Hóa Dầu và công ty hóa dầu Bình Sơn.
Bên cạnh đó, Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng hy vọng giúp chế độ thu được khoảng $122 triệu khi bán bớt cổ phần.
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam công ty quốc doanh PV Oil trực thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) được cổ phần hóa và bán bớt một phần vốn nhà nước tại xí nghiệp này. Vốn điều lệ của PV Oil là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cổ phần Petro Vietnam nắm giữ chiếm 35.1% vốn điều lệ.
Theo quyết định trên, số cổ phần “bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp” chiếm 0.18% vốn điều lệ. Còn cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho “nhà đầu tư chiến lược” chiếm 44.72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10,000 đồng/cổ phần.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil “với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.” Quyết định cũng nói rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13,400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành Phố Sài Gòn.
Về việc cổ phần hóa công ty mẹ – Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại xí nghiệp này, nhà nước vẫn nắm giữ 51% . Phần còn lại bán “ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp” số cổ phiếu chiếm 0.118% , bán đấu giá công khai số cổ phiếu tương đương 28.28%.
“Mệnh giá 10,000 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần ra công chúng khởi điểm là 14,400 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại thời điểm thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược,” theo tin của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.
Ba ngày trước khi có tin loan báo bán bớt cổ phần trong một số công ty quốc doanh liên quan đến xăng dầu, người ta vẫn thấy có những lờn than phiền về chính sách kinh tế tài chính của Việt Nam thay đổi như chong chóng làm giới đầu tư ngoại quốc ngần ngại.
Tại buổi hội thảo do Phòng Công Kỹ Nghệ Việt Nam, Cục Đầu Tư Nước Ngoài phối hợp với Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam diễn ra hôm Thứ Năm, 7 Tháng Mười Hai, 2017, ông Herbert Cochran, giám đốc của Liên Minh Xúc Tiến Thương Mại Việt Nam phát biểu rằng luật lệ hay thay đổi của Việt Nam làm cho nơi này trở thành địa chỉ đầu tư nguy hiểm của giới đầu tư ngoại quốc.
Như gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam mói là sẽ tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, lại còn “áp” thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các loại nước nước giải khát bên cạnh một vài sắc thuế khác. Nhiều nhà sản xuất đã phản ứng khá mạnh khi nói giá cả trên thị trường sẽ tăng vọt, thiệt hại cho cả nhà sản xuất cũng như giới tiêu thụ.
“Chúng tôi quan ngại về những thay đổi gần đây về chính sách và quy định, thấy không nhất quán với thông lệ quốc tế. Những thay đổi đó làm nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đối diện với nhiều nguy cơ và trở ngại sử dụng vốn đầu tư của họ,” ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội phát biểu trong cuộc hội thảo.
Theo thống kê Cục Đầu Tư Nước Ngoài, Việt Nam hấp dẫn được khoảng $33.1 tỷ đầu tư ngoại quốc trong 11 tháng của năm 2017, gia tăng đến 82.8% so với năm ngoái. (TN)
No comments:
Post a Comment