Monday, December 11, 2017

B14

Trương Duy Nhất 
Theo RFA-2017-12-11  
Hình chụp trại giam B14
 Hình chụp trại giam B14  Courtesy Báo Công An Nhân Dân
Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng- Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng- Dương Tự Trọng cũng ở trại này.
Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu, từ khi bị bắt (26/5/2013 đến 20/1/2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục an ninh điều tra, Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Nhiều "tên tuổi" lớn khác, cũng từng "đi qua" B14 này: Phạm Thanh Bình, cùng toàn bộ nhóm “đầu não” của tập đoàn Vinashin. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, uỷ viên trung ương đảng Bùi Quốc Huy; cựu uỷ viên trung ương, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng, nhưng cũng đầy “huyền thoại” mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân.
Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.
Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỷ luật nên giam tầng 1, bên dưới.
Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi:
Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay “hừ hự” theo nhịp một hai- hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô:
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Bảo vệ tổ quốc!
- Thể dục - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo:
- N…g…h…i…ê…m!
- Ở tù – Khoẻ!
- Ở tù - Bảo vệ tổ quốc!
- Ở tù - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt:
- Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả?
Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi “khuyến mại” thêm câu nữa:
- Ở tù - Khoẻ!
Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn.
Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa.
Mấy hôm sau. Hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai, nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).
Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.
Tưởng tếu cho vui. Vậy mà cái trò “chủ nghĩa xã hội” ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng bốn rưỡi hơn, xong bốn hồi kẻng là chúng gõ tường “nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi!”.
Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng.
Chuyện thể dục “chủ nghĩa xã hội” ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hoà Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo “chủ nghĩa xã hội” kiểu này nữa.
B14, có điều rất đặc biệt: Họ không xoá bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kỳ “phản động”, chống Cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ “lũ X”… chi chít bốn vách tường.
Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc: “Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”, “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”.
Không biết, Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy?
Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên “nhà báo Trương Duy Nhất” trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể “thân quen”, giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn?
Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần, ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa, trong những giàn “đồng ca chó” đêm khuya vọng từ bên ngoài.
Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi “vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế?”.
Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.
Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông, không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

No comments:

Post a Comment