Khánh An-VOA -11/12/2017
Tài xế dùng tiền lẻ để kéo dài thời gian thu phí khi đi qua trạm BOT trên quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12/2017.
Sau Cai Lậy, trạm thu phí số 1 BOT quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12 bị giới tài xế dùng tiền lẻ để phản đối việc trả phí qua trạm, khiến cho giao thông khu vực bị ùn tắc nhiều giờ.
Một tài xế ở Hưng Yên không muốn nêu danh tính vì vấn đề an ninh cho biết, người dân bức xúc vì phải trả khoản phí rất cao trên quốc lộ 5B cũ để “hoàn vốn” cho dịch vụ mà họ không sử dụng là quốc lộ 5B mới. Ngoài ra, tài xế này nghi ngờ rằng “phải có người rất to đứng đằng sau chống lưng” thì trạm BOT ở Hưng Yên mới tồn tại được sau nhiều năm người dân liên tục phản đối.
Giải thích thêm về nguyên nhân bất bình của người dân, anh nói với VOA tối 11/12:
“Nhà đầu tư thu [phí] QL 5B (QL5) cũ để hoàn vốn cho QL 5B mới, tức đoạn quốc lộ từ thành phố Hà Nội xuống thành phố Hải Phòng, nhưng dân tình quê hương em không chịu. Đường cũ vẫn sử dụng bình thường, nhưng bây giờ người ta lại ép dân lái xe phải đi trên QL 5B mới. Không ép được thì họ quay sang tăng phí bên kia lên để ép lái xe phải đi bên này. Nói chung, bây giờ dân ở đây đang rất bức xúc”.
Theo tài xế này, phí qua trạm trên QL5 cũ đã bị tăng lên quá cao và bất hợp lý. Cụ thể, mức phí dành cho xe trọng tải 2,4 tấn của tài xế này đã tăng vọt từ 25.000 đồng lên 55.000 đồng/lượt, trong khi mỗi năm anh đã đóng hơn 1 triệu tiền lệ phí bảo trì đường bộ.
Tin cho hay, vì biết trước “kịch bản” phản đối qua lời kêu gọi của cánh tài xế trên mạng, nên giới hữu trách địa phương đã chuẩn bị sẵn nhiều tờ tiền hiếm 100 đồng và huy động xe cẩu “khủng” để sẵn sàng đối phó với việc phản đối thu phí của tài xế. Tuy nhiên, khi tài xế bắt đầu dùng chiêu trả tiền lẻ và đòi thối tờ tiền hiếm 100 đồng, giao thông khu vực vẫn bị ách tắc nhiều giờ trong ngày 11/12.
“Biết là không hiệu quả nhưng bọn em có rất nhiều tiền lẻ. Chiêu tiền lẻ thì nhà nước không thể chống được. Ở đây, lưu lượng xe Hà Nội-Hải Phòng rất đông, có thể gấp 3 lần so với Cai Lậy. Mà mức phí đi trên cao tốc rất đắt, hơn 200.000 đồng từ Hà Nội xuống Đồ Sơn, Hải Phòng. Đấy là xe em xe nhỏ. Xe lớn còn đắt hơn”, tài xế không muốn nêu tên nói.
Cũng trong ngày 11/12, trang tin Việt Nam Mới dẫn lời Ban quản lý trạm thu phí QL5 nói đã nắm được thông tin biển số và các tài xế trả tiền lẻ qua trạm, và nói thêm rằng thông tin về ùn tắc giao thông vào buổi sáng là “không đúng”.
Xác nhận với VOA về cuộc “phản đối ôn hòa” của người dân trên QL5, tài xế trả lời VOA nói anh “không sợ” nếu bị công an mời làm việc và giới tài xế sẽ tiếp tục “đánh” BOT trên QL 5 và nhiều nơi khác để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.
“BOT là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đang hoành hành. Ngoài ra, các cụ dạy một câu rằng ‘Con giun xéo mãi cũng quằn’. Nó phải chống. Bắt buộc nó phải chống thôi. Vì miếng cơm manh áo, nó phải chống thôi”, anh nói.
“Không ai muốn gây lộn với ai cả. Không có anh em tài xế nào muốn ra đấy cãi nhau ì xèo. Công việc của mình rất nhiều, ra đấy chẳng được ích lợi gì, nhưng mà bắt buộc phải làm vì lợi ích của mình. Giống như em, đi một lần đã hết 110.000 đồng, cả đi và về. Số tiền đó so với thợ phu hồ vất vả thì đã chiếm hơn một nửa ngày công của họ rồi”.
Đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư quyết định đồng loại tăng mức phí đường bộ tại tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và QL5. Để né các trạm thu phí trên đoạn đường này, cánh tài xế đã đi đường vòng và các đường liên xã, liên huyện khiến những con đường này bị hư hỏng nặng.
BOT là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đang hoành hành. Ngoài ra, các cụ dạy một câu rằng ‘Con giun xéo mãi cũng quằn’. Nó phải chống. Bắt buộc nó phải chống thôi. Vì miếng cơm manh áo, nó phải chống thôi.Một tài xế ở Hưng Yên
Ngày 4/9, hàng trăm người dân huyện Văn Lâm và Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã cùng với các tài xế vây quanh trạm thu phí Văn Lâm trên QL5 để phản đối việc thu phí. Nhưng phản đối của người dân vẫn không mang lại thay đổi gì sau đó. Thậm chí, một số tài xế còn bị “cảnh cáo”, theo tài xế ẩn danh.
Anh nói thêm:
“Đấu tranh để tìm công bằng cho chính bản thân là rất khó vì mình cứ phải đấu tranh làm sao cho ôn hòa. Không ra mặt được. Bên này là xã hội chủ nghĩa mà, nên mình vẫn phải theo cái xã hội chủ nghĩa thôi”.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) xây dựng theo hình thức BOT. Việc thu phí trên QL5 đã được Chính phủ Việt Nam thông qua để công ty này có thể hoàn vốn trước thời hạn giao dự án cho Nhà nước.
Tối 11/12, VOA không thể liên lạc được ngay với đại diện của VIDIFI để hỏi phản ứng trước cáo buộc của cánh tài xế.
Hiện có khoảng 15.000 – 16.000 lượt phương tiện qua trạm QL5 mỗi ngày, phần lớn là xe tải và phải đóng mức phí từ 45.000 đồng/lượt – 200.000 đồng/lượt, theo Vietnamnet.
Trước Hưng Yên, trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang, đã "gây sốt" trên cả nước vì cuộc "biểu tình" tiền lẻ của các tài xế, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức phải hạ lệnh dừng thu phí ở trạm này từ 1 - 2 tháng, kể từ ngày 4/12.
No comments:
Post a Comment