HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo điện tử Zing hôm 12 Tháng Mười Hai cho hay, Ban Quản Lý Đường Sắt thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải vừa thông báo đến Tháng Chín, 2018, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông mới có thể chạy thử và vận hành chính thức “sớm nhất vào cuối năm 2018.”
Thời điểm đó đánh dấu 10 năm kể từ khi dự án được thực hiện (Tháng Mười Một, 2008). Tờ báo nói “dù Bộ Giao Thông-Vận Tải đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc tổng thầu nhưng có nhiều vướng mắc khách quan dẫn đến phải lùi kế hoạch chạy thử, khai thác thương mại.”
Một đại diện ẩn danh của Ban Quản Lý Đường Sắt nêu các nguyên nhân gây chậm trễ vận hành tuyến đường sắt này được ghi nhận là: việc giải ngân gói $250 triệu bị tắc nghẽn, năng lực quản lý điều hành của tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm trong công tác thiết kế, thi công, lập hồ sơ nghiệm thu… Lẽ ra tuyến Cát Linh – Hà Đông đã chạy thử hồi Tháng Mười, 2017 và theo dự định sẽ khai thác thương mại trong quý II năm 2018. Theo báo Zing, hiện dự án này “đã hoàn thành 95% khối lượng công việc, 5% chưa xong là việc lắp đặt các thiết bị tại nhà ga.”
Hồi Tháng Năm, nhà chức trách cho người dân đi thăm đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông tại ga La Khê ở Hà Đông. Các báo Việt Nam ở thời điểm đó chỉ ghi nhận ý kiến tích cực và sự phấn khởi của quan chức và người dân. Tuy vậy, mạng xã hội tràn ngập nghi ngờ và những lời chê bai về màu sắc và thẩm mỹ của nhà ga, cũng như đoàn tàu.
Tuyến đường sắt này dài 13 km, gồm 12 ga, thực hiện từ Tháng Mười Một, 2008 và dự kiến hoàn thành Tháng Mười Một, 2013, với tổng mức đầu tư hơn $552 triệu. Chủ đầu tư của dự án này là Cục Đường Sắt Việt Nam và nhà thầu là Tập Đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc theo vốn đầu tư ODA. Tuy nhiên, dự án này liên tục bị ghi nhận chậm tiến độ, đến Tháng Mười năm 2011 mới chính thức triển khai và đội vốn đầu tư lên hơn $868 triệu.
Hồi Tháng Sáu, báo điện tử của Đài Truyền Hình Việt Nam tường thuật: “Trong quá trình thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhiều vụ tai nạn do sập giàn giáo, rơi thép hay sập rào chắn hết sức nghiêm trọng đã xảy ra.”
Ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok, bình luận: “Thái Lan quyết định xây đường sắt nối nước họ với Trung Quốc, có phần chạy qua Lào. Nhưng sẽ chỉ dùng tiền của Thái Lan để xây, Trung Quốc chỉ hỗ trợ kỹ sư và thiết kế. Ai cũng biết, kẻ nào chi tiền thì kẻ đó là chủ và được quyết định. Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể hết lần này đến lần khác đội giá, chậm tiến độ và làm tình làm tội Thái Lan như họ vẫn đang làm với Việt Nam ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được.”
Liên quan đến tuyến đường sắt này, hồi năm 2015, ông Đinh La Thăng, thời điểm đó còn là bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải gây tranh luận với phát ngôn: “Nhà thầu Trung Quốc trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Với phương thức tổng thầu EPC nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment