Friday, November 17, 2017

‘Đại biểu’ của người dân Việt Nam đòi ‘huy động 500 tấn vàng trong dân’

Vàng của người dân đang được các đại biểu do dân bầu lên đòi “huy động 500 tấn vàng trong dân.” (Hình: Đầu Tư)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Trong dân hiện đang có khoảng 500 tấn vàng và hơn $10 tỷ, đề nghị Ngân Hàng Nhà Nước có chính sách huy động.”
Đó là ý kiến của ông Lê Công Nhường, “đại biểu” cho người dân Việt Nam tại Quốc Hội của tỉnh Bình Định, được báo Tuổi Trẻ ghi lại trong phiên chất vấn Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng tại Quốc Hội CSVN hôm 16 Tháng Mười Một.
Không chỉ ông này, mà ông Nguyễn Sơn, “đại biểu” của tỉnh Hà Tĩnh, cũng đặt câu hỏi về việc huy động vàng và ngoại tệ trong dân.
Thống Đốc Lê Minh Hưng trả lời: “Giải pháp khả thi nhất là kiên định điều hành kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin người dân và doanh nghiệp vào đồng Việt Nam, trực tiếp đầu tư bằng đồng nội tệ. Việc này cần lộ trình chuyển hóa phù hợp. Nhiều năm qua thì vấn đề vàng điều hành rất thành công, trước đây tốn nhiều ngoại tệ để mua vàng nhưng nay đã hạn chế, chuyển hóa được một phần rất lớn từ vàng cho nền kinh tế. Với ngoại tệ dù trần lãi suất 0% nhưng thực tế ngoại tệ đã được chuyển qua tiền đồng Việt Nam để đầu tư. Như vậy nếu kiên định đường lối điều hành kinh tế vĩ mô thì sẽ vẫn bảo đảm nguồn lực.”
Việc Quốc Hội CSVN tiếp tục nóng sốt chuyện huy động 500 tấn vàng trong dân diễn ra trong bối cảnh báo Dân Trí ghi nhận Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận rằng “Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn cần phải có lộ trình giảm dần bội chi, đảm bảo an toàn nợ công.”
Vài ngày trước phiên chất vấn tại Quốc Hội, công luận xôn xao chuyện vợ của “nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô,” người được ghi nhận “đã hiến 5,147 lượng vàng cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam” nhưng khi chết vẫn chưa đòi được nhà cho mượn. Khi mất, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của ông Bô, chỉ được chính quyền “tổ chức tang lễ cấp cao” và cử hai phó thủ tướng đến viếng.
Hồi Tháng Năm, 2016, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam (VGTA), từng bị nhiều chỉ trích khi đề nghị thành lập Sở Giao Dịch Vàng Quốc Gia để phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng nhằm huy động vàng trong dân.
Báo Người Lao Động thời điểm đó cho biết: “Các chứng chỉ vàng sẽ được phát hành dưới danh nghĩa Ngân Hàng Nhà Nước thông qua một số ngân hàng thương mại. Song song đó, một sàn giao dịch vàng quốc gia được thành lập để người dân có thể trao đổi, mua bán hoặc cầm cố các chứng chỉ này.”
Hồi Tháng Chín, báo VietNamNet tường thuật: “Tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn nhưng đến nay đã ‘bốc hơi’ khỏi hệ thống ngân hàng, chỉ còn lại 2.86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.”
Báo này dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Cảnh, vụ trưởng Vụ Quản Lý Ngoại Hối, nói nguyên do chính là người dân đã rút vàng ra giao dịch, chuyển hóa thành tiền để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Vị này cũng nói đây là “kết quả của hướng đi hợp lý của chính phủ trong huy động nguồn lực vàng.” (T.K.)

No comments:

Post a Comment